Tình thư thở than

04/09/2020 - 07:35

PNO - Thời hôm nay của em thì kênh đã không còn trong xanh mà cánh đồng thì thường xuyên khô hạn. Bưu thiếp chẳng còn mấy ai gửi, và tình thư thì đã chuyển sang “phai” (file) đính kèm

Thuở còn những con kênh xanh ngắt thì tình thư đôi khi giản đơn chỉ là một mẩu giấy nhỏ xíu ghi vội vài dòng. Đại loại hỏi thăm vu vơ đồng ruộng, ba má với các em độ này ra sao? Anh nào có ít năng khiếu tưởng tượng thì hẳn sẽ tung tẩy nào hoa nào trăng trên sông và lục bình tím trôi về biển. Ý tứ không nhiều nhưng cảm xúc dạt dào.

Khác những câu ca bất chợt vang lên giữa rừng tràm rừng đước, những tình thư luôn có tên người nhận, có hình đôi trái tim lồng vào nhau, thậm chí còn có vài chiếc lá khô được giấu kỹ để mùi vị nắng gió lan đi bất tận. 

Có lẽ, nhờ tình thư mà một phần lịch sử An Nam nói chung, và Sài Gòn nói riêng, được lưu giữ lại. Bên cạnh sách báo bắt đầu phổ biến thì những tấm bưu thiếp chụp cảnh sắc và con người vùng nhiệt đới luôn hấp dẫn lữ khách phương Tây đầu thế kỷ XX. Và họ, theo nhiều cách khác nhau, đã truyền gửi những tấm bưu thiếp đó đi khắp nơi.

Mặc kệ thời gian bào mòn, những tấm bưu thiếp vẫn còn nguyên bóng hình quá khứ, khơi gợi hôm nay ngoái nhìn thời đoạn cha ông xưa đã tạo dựng được một khung cảnh sống hiền hòa, tinh tươm đến từng ngôi nhà, miệt vườn, dòng sông… Đáng tiếc, thời hôm nay của em thì kênh đã không còn trong xanh mà cánh đồng thì thường xuyên khô hạn. Bưu thiếp chẳng còn mấy ai gửi, và tình thư thì đã chuyển sang “phai” (file) đính kèm chỉ kể lể chuyện hàng xóm “tra tấn” suốt ngày đêm bằng karaoke.

Thời hôm nay của em cũng không còn hình ảnh người bưu tá. Theo hồi ức của ba má, thật đơn giản, là bác đưa thư, chứ không phải bồ câu đưa thư như lời một bài hát tuổi học trò năm nào. Bác này kỳ lắm. Thời còn chiến tranh, bác không chỉ mang thư từ chiến trận, mà có khi còn mang cả giấy báo tử. Dẫu thế nào, chúng đều quan trọng và thiêng liêng như nhau. Vì tin tức từ chiến trường phần nào làm vơi bớt nỗi nhớ thương dằng dặc, chờ đợi khôn nguôi của người nhận.

Thời đó, bác nào cũng xe đạp hiệu Thống Nhất có gắn biển số, đủ rất dài và rất lâu để bố ở tiền tuyến và mẹ ở hậu phương cùng rối bời lòng dạ. Mãi về sau mới nâng cấp thành xe máy các loại, đủ nhanh chóng để em biết Hà Nội, Sài Gòn gần em ra sao. Em nhớ như in dáng điệu oai phong của bác đưa thư khi cưỡi Honda về làng, hết ngoặt trái rồi cua phải, rồi phanh gấp quay vòng như diễn xiếc; giữa mịt mù bụi đường, một đám trẻ hò reo bám đít, hít lấy hít để làn khói đen mùi là lạ, lấm la lấm lét bấm bằng được cái còi xe rè rè dù bác đã cẩn thận giấu xe trong bờ rào.

Bác oang oang: “Có nhà không, ra nhận thư này”. Em chỉ mong có thế, đi như chạy nhưng vẫn phải giữ nét mặt bình tĩnh, vờ không rõ thư của ai, sao lại gửi thư cho cháu, có nhầm địa chỉ không bác. Bác giúi thư vào tay em, này thư từ vừa thôi nhá, học hành đi. Em nịnh bác vào nhà uống nước đã, đây là thư “đôi bạn cùng tiến” ấy mà. Bác gật gật, vậy thì tốt, chứ đừng để kẻ thù gửi thư “nói xấu chế độ” đầu độc thanh niên các cháu. Học thành tài thì mới được đi xe máy như xe bác đây này, xe Nhật chính hiệu nhá. Em lí nhí dạ vâng rồi vút vào nhà. 

Thời của em chỉ còn nhắn tin, điện thoại, hết “chát” thì chuyển sang gọi video. Em chẳng còn biết tí ti nào về tình thư, ngoại trừ những chuyện thời “ông bà anh” mà báo chí thường kể lại đậm màu huyền thoại. Không tình thư, tình yêu của em và anh dù đong đầy bao nhiêu thì vẫn cứ cảm giác hao hụt ở cái lúc muốn chạm vào kỷ niệm.

Ít ai lôi tin nhắn hoặc video để được lần hồi từng màu mực bị mưa hắt nhòe mờ câu chữ. Tin nhắn, video chỉ đợi dịp tung lên mạng để “bóc phốt” lẫn nhau, đủ ê chề và thảm hại. Xem ra, thiên hạ không tình thư nhưng chuyện ái tình vẫn đầy rẫy oái oăm, rùng rợn đến mức phim ảnh cũng chào thua. 

Thời của em bì thư đồng loạt chuyển đổi chức năng sử dụng. Nó đã hóa thân vào những công việc cao cả hoặc tầm thường, công khai hoặc kín đáo, trong vô vàn tình huống đời thường. Em đang phân vân không biết dùng bì thư nào cho tình thư thở than tha thiết này. Có lẽ, ngày mai, em lại nhờ shipper “giao nhanh” cho anh trong vòng nốt nhạc vậy. 

Nhi Nữ Thường Tình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI