Phân đoạn đó dễ khiến người ta liên tưởng đến một bi kịch không thể cứu vãn, nhưng thực ra chỉ là một cuộc đối thoại vợ chồng khi tôi… ốm nghén. Chuyện xưa như trái đất, nhưng hễ những đứa trẻ vẫn được sinh ra trên đời và đàn bà vẫn vật vã trong cuộc làm quen vĩ đại của cơ thể với “thành quả hôn nhân” vừa hình thành trong bụng thì chuyện ốm nghén vẫn cứ mới mẻ, vẫn cứ soi chiếu những góc kín đáo và thú vị nhất của tình cảm vợ chồng.
|
Ảnh minh họa |
Tôi bắt đầu “muốn chết” vào tuần thứ hai của kỳ ốm nghén, khi tuổi thai tầm năm tuần. Mẹ chồng cứ cách ngày lại gọi hỏi thăm: “Có nôn không con?”. Chỉ cần tôi nói “dạ không”, bà lại hồn nhiên hài lòng: “Ồ, vậy là may mắn đó con”. Cách 1.000 cây số, ở bên này đầu dây, chỉ có chồng tôi chứng kiến tường tận sự “may mắn” nọ.
Tôi không ốm nghén kiểu hay thấy trên phim - người phụ nữ trẻ hễ nghe mùi thức ăn là đứng phắt dậy, chạy thẳng vào nhà vệ sinh, nôn thốc nôn tháo. Tôi chỉ say. Say ngày say đêm. Say đúng kiểu người ta đang ở trong một căn phòng chật chội, kín bưng, trên một con tàu biển và gặp sóng lớn. Người tôi lúc nào cũng dập dềnh, có cái gì đó cứ thôi thúc, cồn cào trong bụng, trong đầu. Cảm giác đó không thể gọi là đau bụng, đau đầu mà như cái gì đó lăn lộn bên trong, như muốn chui vào cơ thể.
Thời kỳ còn bỡ ngỡ, chồng hỏi: “Em thấy trong người sao rồi?”, tôi thoi thóp: “Em thấy như có con tàu trong người”. Hài hước vậy mà anh chẳng cười.
Tôi say giường, say đất, say bất kể phương tiện và bề mặt nào mình đang ở trên đó. Những ngày đầu, hễ “tỉnh” được dăm phút, tôi lại an ủi anh chồng đang… thất kinh vì lần đầu chứng kiến cảnh vật vờ, lăn lộn của người vợ vốn vẫn lỳ lợm và ít than thở, rằng: “Có con là một may mắn rồi, nên phải bù đắp cho cuộc đời một chút… ốm nghén vậy”. Vợ chồng nhìn nhau cười… mếu máo, rồi tôi lại say tiếp.
Tôi không ăn được gì. Hễ đến bữa cần ăn hay cần phải… nghĩ đến thức ăn thì “con tàu” trong tôi lại như gặp sóng thần. Tinh thần của tôi xuống dốc trầm trọng. Từ một người lạc quan, thậm chí hơi “điên điên”, tôi trở nên chẳng tha thiết gì với cuộc sống. Tôi không muốn gặp ai, không thèm, không khao khát, không mơ ước bất kỳ điều gì, chỉ… khóc. Tôi thậm chí không muốn gặp mẹ ruột, chị gái và cả đứa bạn thân. Tất cả gánh nặng giao tiếp của tôi dồn hết vào… chồng.
Chồng tôi, sau một lần được khai sáng gì đó trên công ty, bèn đem về cho vợ một vẻ mặt đầy tin yêu và hy vọng. Anh đến bên giường, nói: “Em cố gắng nhé, vợ của anh Lâm còn… nôn suốt nữa đấy. Các chị trong công ty bảo không nôn là còn nghén nhẹ đó em”. Tôi như… sống dậy, hành xử dở hơi nhất trong lịch sử làm vợ, quay phắt nhìn chồng, nói: “Ờ, em còn phải nôn nữa mới đáng nói chớ gì”. Mặc kệ chồng ngơ ngác sau lời an ủi tai hại, tôi khư khư ôm mền không nói năng.
Mãi đến tối, anh mới thận trọng gỡ tội bằng một thông tin có vẻ công bằng hơn: “Anh biết rồi, bác sĩ trên mạng nói không phải cứ nôn mới là nghén. Nhiều người bị nghén nặng, dù không hề nôn”. Được chữ “nghén nặng” an ủi, tôi hết ấm ức.
Sau khi tham khảo cả bác sĩ thật và “bác sĩ trên mạng”, chồng tôi trở nên uyên bác và chủ động hơn với cơn “bão nghén” chưa có dấu hiệu dừng của tôi. Một đêm, tôi thức giấc vào tầm 2g sáng và cảm thấy đói bụng. Cảm giác đói càng làm cơn say trở nên dữ dội. Chồng đang ngủ rất say. Bình thường, tôi khẽ khàng với giấc ngủ của chồng bao nhiêu thì lúc này, cơn say như đang lấn át “lòng tốt”, tôi càng muốn kéo anh dậy bấy nhiêu.
Dĩ nhiên, tôi không gọi chồng dậy (ai lại làm thế), nhưng bằng cách nào đó, tôi đã đánh thức được anh. Nghe tôi đói bụng, anh quày quả đứng dậy, nói: “Để anh đi mua đồ ăn”. Ôi, tôi không hề có ý đó. Hai giờ sáng, ở vùng ven thành phố, kiếm đâu ra đồ ăn? Nhưng tôi không ngăn được.
Anh nhanh nhẹn phóng xe đi và quay về sau 30 phút, với một tô cháo nóng. Tôi thoi thóp: “Em chóng mặt lắm, không ngồi dậy được”. Biết tình thế, chồng cũng không ép. Trong cơn mệt mỏi ích kỷ, tôi vẫn thấy xót chồng vất vả đêm hôm nên vớt vát: “Anh cứ để đó, lát đỡ em sẽ ăn”.
Dĩ nhiên, tôi chóng mặt đến… sáng, thấy chồng dậy, nhìn tô cháo nguội ngắt ở nguyên chỗ cũ, tôi đang lựa lời chuộc tội thì nghe anh nói, giọng phấn khởi: “Vợ nhường anh chứ gì. Sáng nay lại được ăn sáng ở nhà rồi, sướng thế”. Sau khi hâm nóng tô cháo lại và ngồi bên chồng, nhai mấy loại hạt cho đỡ đói, tôi hỏi: “Sao anh siêng thế, 2g sáng mà còn chạy đi kiếm đồ ăn?”. Chồng tỉnh bơ: “Thì phải tính chứ. Anh thà chạy đi nửa tiếng còn hơn ngồi lăn lộn với vợ tới sáng”. Nói xong, anh cười khoái chí. Tôi vừa ức, vừa buồn cười, vừa đỡ áy náy.
Mỗi lần chồng rời nhà đi làm, tôi lại nhìn đồng hồ, tự nhủ: “Bây giờ là 8 giờ, còn 16 giờ nữa”. Tính vậy chỉ để giết thời gian, vì hết 24 giờ thì tôi vẫn say như thế, ngày này qua ngày nọ. Xót con, mẹ tôi mỗi ngày đều sang thăm, lo cơm nước cho tôi. Sau này, bà kể lại, mỗi sáng vào phòng con, bà chỉ thấp thỏm xem tôi đang yên ổn nằm ngủ hay vật vờ ngồi bó gối, mắt nhắm lờ đờ mà nước mắt lã chã. Ngoài chồng, mẹ vô cùng kiên nhẫn với tôi, vì ngày xưa mẹ cũng “chết đi sống lại” suốt bốn tháng đầu mỗi thai kỳ. Và mỗi lần “muốn chết” tôi lại nhớ lời mẹ an ủi: “Cố lên con, không ai ốm nghén mà chết đâu, đừng sợ”.
Nhưng sự thay đổi về thể trạng không đáng sợ bằng sự tra tấn về mặt tinh thần. Chẳng có biến cố hay chuyện buồn nào, tôi vẫn thấy tinh thần mình xuống đáy và hành xử kém cỏi, trẻ con một cách kỳ dị. Mỗi lần được chút tỉnh táo, tôi lại tự kiểm điểm và lại thất vọng, chán ghét bản thân. Có lần trót trút bầu tâm sự, lại nghe bạn mình vừa khuyên vừa trách: “Bao nhiêu người mong con mà không có. Bao nhiêu người còn không được chồng ở cạnh chăm sóc. Mình may mắn vậy thì cớ gì mà buồn bã”. Tôi như bị tra tấn kép, tinh thần càng tệ.
Trong những ngày tháng kinh hoàng một cách khó hiểu đó, tôi mới thấy hết sự kiên nhẫn của chồng. Mỗi tối, khi tôi thờ ơ với mọi món ăn nhà nấu sẵn, anh lại xách xe chạy lòng vòng tìm thức ăn. Anh thuộc từng vị trí, giờ mở cửa của mọi quán, dù suốt bốn tháng đó, tôi chưa bao giờ ăn tử tế bất kỳ món gì anh đem về. Có lúc chồng mua đúng tô bún bò theo ý mình, tôi phấn khởi gắp vài cọng rồi bỏ cuộc, vì cảm giác buồn nôn xộc tận óc.
Có hôm tôi vui tính, nói thèm dưa hấu, chồng khấp khởi chạy đi mua một trái dưa to, bổ ra đỏ au. Tôi nhón đúng một miếng cỡ… đầu ngón tay út và nó như ở hoài trong cổ suốt hai ngày sau đó. Thỉnh thoảng, chồng an ủi ngược tôi bằng mấy câu chuyện đau khổ của “phe làm chồng”. Anh kể: “Tối qua, lão Lâm chạy từ quận 9 lên tới quận 5 đó em. Nửa đêm, vợ bầu bảo thèm sầu riêng, lão chạy khắp Thủ Đức, rồi chạy lên tận đường Nguyễn Tri Phương, đánh thức người bán dậy, mua cho được hai trái cơm vàng hạt lép. Đem về tới nhà thì vợ lão… lăn ra ngủ rồi. Em thấy kinh dị không?”. Tôi bật cười vì cái vẻ khoái chí của chồng. Đại loại, anh phát hiện, so với ông bạn, vất vả của anh chỉ là… muỗi.
|
Ảnh minh họa |
Bước qua một ngày nào đó của tuần thai thứ 17, sáng thức dậy, tôi thấy người nhẹ bẫng. Tôi chợt muốn ra tưới hoa, muốn xuống bếp làm hai dĩa nui xào bò để vợ chồng ăn sáng. Những ý muốn bắt đầu trở lại và tôi nhận ra, cái đứa tha thiết yêu đời vừa “sống dậy” trong mình. Chồng tôi, rất ngắn gọn với đôi mắt sáng bừng, nhìn tôi ăn ngon lành một bữa ăn sau “bốn tháng đen tối”: “Ủa, vợ hết nghén rồi hả?”. Và từ lúc đó, chúng tôi mới thực sự nếm lấy từng chút hân hoan, hạnh phúc của một cặp vợ chồng sắp có con. Tôi sút 4kg, còn chồng tôi lên 5kg, vì… ăn đồ ăn thừa của vợ.
Mẹ tôi nói đúng, không ai chết vì ốm nghén, nhưng tôi chắc chắn mình sẽ “sống lại” theo một cách rất khác, nếu từng bị chồng bắt lỗi trong suốt bốn tháng “sai trái” kỳ quặc đó. Tình yêu thời ốm nghén chắc là cuộc tình nguyên sơ, mù quáng, vô điều kiện - một cuộc tình chẳng có đúng/sai, chỉ có thấu hiểu và nâng đỡ. Bản thân tôi cũng nếm trải cảm giác của một kẻ “lạc lối, mất kiểm soát”, để dễ đồng cảm hơn với những khiếm khuyết, lầm lỡ của anh hay của ai đó trong đời.
Trong những ngày tháng kinh hoàng một cách khó hiểu đó, tôi mới thấy hết sự kiên nhẫn của chồng. Mỗi tối, khi tôi thờ ơ với mọi món ăn nhà nấu sẵn, anh lại xách xe chạy lòng vòng các hàng quán gần nhà tìm thức ăn. Anh thuộc từng vị trí, giờ mở cửa của mọi quán, dù suốt bốn tháng đó, tôi chưa bao giờ ăn tử tế bất kỳ món gì anh đem về.
Thanh Tân