Tinh thần tương thân, sẻ chia trách nhiệm

13/05/2015 - 16:23

PNO - PN - Bắt đầu từ năm 2006, cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở TP.HCM đã đi vào cuộc sống và lan tỏa trong xã hội, với nhiều tập thể và cá nhân điển hình làm theo gương Bác.

edf40wrjww2tblPage:Content

Nuôi heo đất, tặng 68 xe đạp cho học sinh nghèo

Tinh than tuong than, se chia trach nhiem

Ông Tương và con trai kiểm tra số tiền bỏ heo đất một năm qua để tặng học bổng cho học sinh nghèo năm 2015

Ngụ tại P.Phước Long A, Q.9, TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Tương, 58 tuổi, đã kiên trì nuôi heo đất tặng học bổng cho học sinh (HS) nghèo ở địa phương hơn 10 năm qua và tạo việc làm thêm cho hơn 60 hộ gia đình tại khu phố có thu nhập ổn định.

Năm 2005, thấy cảnh học trò nghèo cõng những chiếc ba lô nặng trịch đi bộ đến trường dưới trời nắng gay gắt, ông Tương nảy ra ý nghĩ: sao mình không nuôi heo đất để tiết kiệm tiền mua xe đạp tặng cho các cháu? Nghĩ là làm, ông đưa ý tưởng đó về bàn với vợ con và được gia đình hưởng ứng.

Ông Tương nhớ lại: “Giây phút khiến tôi cảm động nhất là khi trao xe đạp cho hai chị em ruột có hoàn cảnh rất đáng thương. Mẹ hai cháu qua đời vì bệnh ung thư, bố bỏ đi đâu mất. Hai chị em sống nhờ tình thương của gia đình bên ngoại. Khi nhận xe, cô chị rơi nước mắt, hứa sẽ cố gắng học tốt hơn nữa để không phụ lòng nhà tài trợ. Hình ảnh đó đã thôi thúc tôi phải làm được thật nhiều điều ý nghĩa để giúp được nhiều hoàn cảnh khó khăn”.

Tổng cộng gia đình ông Tương đã chắt chiu, dành dụm những đồng tiền lãi buôn bán hàng ngày và tiết kiệm trong chi tiêu để nuôi heo đất tặng 68 chiếc xe đạp cho HS nghèo tại địa phương với số tiền hơn 70 triệu đồng. Vào dịp Tết hàng năm, gia đình ông còn chuẩn bị hơn 300kg gạo để tặng người nghèo. Kể từ năm 2013, ông Tương còn hỗ trợ thường xuyên 20kg gạo/tháng cho ba hộ ở khu phố 3 và 5. Tính đến nay, ông đã hỗ trợ gần năm tấn gạo cho người nghèo. Ngoài ra, ông còn phối hợp với công an khu vực và các đoàn thể giáo dục giúp đỡ nhiều thanh niên cai nghiện, hồi gia trên địa bàn phường.

Năm 2006, khi cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được phát động sâu rộng trong cả nước, với bản chất của người lính bộ đội Cụ Hồ, ông Tương suy nghĩ xa hơn, làm thế nào vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa tạo thêm nhiều việc làm để giúp đỡ người xung quanh. Ông và gia đình đã chủ động liên hệ và nhận bảo lãnh gia công các mặt hàng, góp phần tạo việc làm cho trên 60 hộ gia đình tại địa bàn khu phố với công việc dập ép túi ni lông, xếp khăn đóng gói, đóng thùng…

Sinh ra ở Thanh Hóa, 17 tuổi, ông Tương tình nguyện đi bộ đội vào miền Nam chiến đấu. Ông tâm niệm, dù ở bất cứ đâu, hoàn cảnh nào, cuộc đời và lối sống giản dị của Bác đều cho chúng ta những bài học đáng quý. Đối với ông, tinh thần trách nhiệm của một người lính bộ đội Cụ Hồ trong thời bình là sẵn sàng chia sẻ khó khăn với bà con trong khu phố.

Tinh than tuong than, se chia trach nhiem

Cô Ngô Thị Thúy Loan tranh thủ cập nhật kỹ năng cần thiết cho học trò bằng những bài học tinh tế

“Mẹ Loan” của học trò

Là tổ trưởng toán - tin Trường THCS Phú Thọ (Q.11), cô Ngô Thị Thúy Loan không chỉ đơn thuần dạy học mà còn lo lắng, chia sẻ với HS. Bởi thế, học trò thường gọi cô bằng cách gọi thân thương là “mẹ Loan”. Mỗi lần gặp chuyện không vui, HS liền tìm gặp “mẹ Loan” để trút bầu tâm sự.

Cô Nguyễn Ngọc Thảo - Bí thư chi bộ, Phó hiệu trưởng Trường THCS Phú Thọ - chia sẻ: Cô Thúy Loan rất trách nhiệm, tận tâm với HS. Không chỉ chăm lo chuyện học hành, cô còn nắm hoàn cảnh từng HS, chu đáo với các em. Không kể những danh hiệu giáo viên giỏi, giải thưởng lớn nhất của cô Loan chính là sự tin yêu mà HS dành cho. Cô Thúy Loan cũng là một “cây” bồi dưỡng HS giỏi toán, tích cực và tận tâm giúp đỡ những đồng nghiệp trẻ và sinh viên thực tập.

24 năm đứng trên bục giảng là chừng ấy năm cô Loan phải vượt qua biết bao khó khăn để sát cánh bên học trò. Khó khăn lớn nhất của cô chính là làm sao để HS đừng bỏ học. Gần 70% HS của trường là con em các gia đình chủ yếu sống bằng nghề buôn bán nhỏ và lao động tay chân nên các em dễ dàng bị gia đình cho nghỉ học để đi làm kiếm tiền. Thương HS, cô tìm đến nhà từng em để khuyên can gia đình cho các em đi học lại; tìm hiểu ở phụ huynh để xem họ cần giúp đỡ gì rồi về báo lại cho nhà trường và hội phụ huynh tìm cách giúp đỡ.

Dù là tổ trưởng chuyên môn, được nhiều “ưu tiên” nhưng cô Loan không nề hà khó khăn khi chọn “ôm sô” cả lớp giỏi nhất lẫn lớp dở nhất khối. Lý lẽ của cô thật giản đơn: “Những em mất căn bản rất dễ buông xuôi, nếu mình “lơ” thì các em sẽ chán nản rồi bỏ học. Bởi vậy, mình phải níu giữ các em. Với những HS yếu kém, không nên quát nạt hay la mắng khi các em không hiểu bài, nhất là ở chốn đông người, vì các em sẽ dễ tự ái”. Bí quyết để cô dạy HS yếu kém là “dỗ ngọt, động viên và nâng đỡ”. Mỗi lần các em làm đúng, dù chỉ là bài tập nhỏ, cô cũng khen ngợi, tuyên dương, để HS thấy tự hào, cố gắng.

Những HS nào chưa hiểu bài, chưa thuộc bài, dù bận bịu đến mấy cô cũng dành thời gian để phụ đạo riêng cho các em. Bởi thế, ngày nào tan học, cô trò cũng ở lại đến 12 giờ trưa.

Cô Loan còn tranh thủ cập nhật kỹ năng cần thiết cho HS bằng những bài học tinh tế, ý nhị. Trong những tiết sinh hoạt chủ nhiệm hay hoạt động ngoài giờ lên lớp, thay vì chỉ tập trung sinh hoạt nội quy và chuyện học hành, cô kể chuyện, lồng ghép các câu chuyện năm điều Bác Hồ dạy, nhắc nhở HS tiết kiệm điện nước, giữ gìn tài sản chung; dạy HS phải tôn trọng và yêu thương người khác, tránh xa bạo lực học đường…

QUỲNH MAI - MỸ HẰNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI