Tình thân từ giậu mồng tơi

06/08/2023 - 06:53

PNO - Đã 20 năm sống trong con hẻm nhỏ ấy, chúng tôi luôn thấy ấm áp, dù cuộc sống mỗi người vẫn tất bật với nhiều áp lực, thử thách.

Gia đình tôi ở trong con hẻm nhỏ. Phía trước là một ngôi nhà lớn với khuôn viên rất rộng, chỗ thì xây tường cao, chỗ thì giăng lưới B40 kín đáo. Trên con đường đất vốn ít người qua lại, những hạt mồng tơi không biết ở đâu đã âm thầm mọc và leo lên bờ rào, xanh mướt. 

Gần nhà tôi có một gia đình, vợ chồng đều là công nhân, từ miền ngoài vào. Nhà anh và nhà tôi đều có con nhỏ nên thường ra đó hái vài lá mồng tơi về bằm nhuyễn, cho vào nồi cháo tập ăn cho các cháu. Mỗi khi có lá nhiều, anh bạn tôi hay hái thêm chừng mươi lá rồi ghé ngang nhà tôi, bảo: “Cô chú cất để mai nấu cháo cho con”; ý là anh muốn “để dành” cho nhà tôi, vì có khi người nào đó đi ngang hái không chừng. 

Sợ giậu mồng tơi không đủ tốt, thỉnh thoảng anh cầm cái bay làm hồ xới đất xung quanh gốc, rồi bỏ vào đó ít lá rau vụn, hoặc đi đâu xin được nhúm phân hữu cơ anh cũng bỏ vào, trước khi vun gốc. Khi dây mồng tơi bò ra ngoài rào, anh nhẹ nhàng uốn lại vào lưới cho cây khỏe. Mùa nắng, lâu lâu anh mang xô nước ra tưới…

Rồi đến lượt anh bạn hàng xóm ở giữa nhà chúng tôi có con nhỏ. Giậu mồng tơi tiếp tục trở thành “rau xanh” hằng ngày của con anh. Đến khi 3 chúng tôi có đứa con thứ hai bằng tuổi nhau thì vẫn giậu mồng tơi làm thức ăn cho tụi nhỏ.

Anh bạn công nhân rất tốt tính. Hàng xóm cần giúp việc gì anh đều sẵn lòng. Nhà tôi bị dột, nhờ anh sửa hộ; ống nước bị rỉ, tôi cũng kêu anh; khi cái la phông bị sụp, anh hì hục làm chính, còn tôi chỉ đứng chờ anh sai việc; tôi kẹt việc đi làm về trễ, a lô một tiếng, anh bảo: “Chú yên tâm, để tôi đón”… Tôi chỉ biết cảm ơn bằng những món quà mang từ quê lên, khi thì trái đu đủ, lúc bịch chôm chôm hay rủ mấy anh em ăn bữa cháo gà thả vườn…

Anh vui tính, hay ví von. Như nói về quả đu đủ ngon, anh bảo: “Đu đủ nhà chú chưa chín đã ngọt lịm, chẳng bù cho đu đủ tôi mua ngoài chợ, lạt như bị ma ăn hết chất vậy”.

Một bữa, mới sáng sớm, anh đã sang gọi cửa. Anh nói đêm qua vợ anh nhập viện mà nhà không có tiền… Vợ tôi xin lỗi anh là không biết để vào viện sớm. Nói rồi cô ấy lật đật lấy tiền rồi theo vào bệnh viện để giúp anh chăm vợ. Số tiền không nhiều nhưng sau này anh cứ nhắc lại mãi.

Ít lâu sau, tôi chuyển nhà đi nơi khác. Rồi 2 anh bạn kia cũng dần đổi chỗ ở. Chúng tôi ai cũng khá lên, điều kiện sống tốt hơn nhưng đều không quên con hẻm nhỏ nghĩa tình ấm áp, không quên mối thân tình thuở nào.

Cứ vài tháng, có dịp là các gia đình hoặc mấy anh em ngồi lại với nhau, có khi lai rai dăm lon bia, chủ yếu để tụi nhỏ gặp gỡ, nhất là các bà, các cô “tám” với nhau. Chúng tôi hay nhắc nhau những cái ơn mình nhận từ người kia, không phải để cho vui mà như cách truyền động lực để tiếp tục gắn bó với nhau, để nhắc nhở đám trẻ biết sống có trước có sau.

Đã 20 năm khi bắt đầu sống trong con hẻm nhỏ ấy. Đám nhỏ đứa vào đại học, đứa lên cấp III. Chuyện về giậu mồng tơi mọc bên bờ rào nhà hàng xóm và những việc liên quan khác vẫn còn được nhớ và kể cho nhau nghe nhiều lần.

Chúng tôi luôn thấy ấm áp, dù cuộc sống mỗi người vẫn tất bật với nhiều áp lực, thử thách. Lòng thương mến nhau, sự sẻ chia chân thành từ những điều giản dị thực sự bền lâu trong đời này. 

Nguyễn Minh Hải

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI