Dáng mẹ cha trên đường con lập nghiệp
Nguyễn Đức Nhật Thuận sinh ra và lớn lên trong gia đình có 2 anh em ở xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Mẹ anh làm nông, quanh năm chân lấm tay bùn, còn cha anh là cán bộ công tác tại UBND xã, từng giữ nhiều vị trí khác nhau. Thuận nhớ lại: “Dù sinh ra và lớn lên trên quê hương còn nhiều nghèo khó nhưng tôi luôn nhận được tình yêu thương trọn vẹn từ cha mẹ. Cha mẹ lúc nào cũng ưu tiên cho việc ăn học của tôi”. Việc nặng cha gánh, điều vất vả mẹ lo, Nhật Thuận yên tâm làm con ngoan, trò giỏi. Năm 2009, anh thi đậu vào Trường đại học Công nghiệp TPHCM.
 |
Anh Nhật Thuận (bìa trái) chụp ảnh cùng gia đình. Bức ảnh chụp vào tháng 2/2023, khi cha anh còn sống - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Ra trường, Thuận đầu quân cho một công ty xuất nhập khẩu ở TPHCM với mức lương hơn 20 triệu đồng/tháng. Bất ngờ, chỉ trong thời gian ngắn, chàng trai trẻ quyết định nghỉ việc, bàn với cha mẹ và bạn bè mở một quán nhỏ có tên Cà Mèn tại quận Tân Phú, TPHCM; bán các món ăn đặc sản Quảng Trị như cơm gà, cháo bột, bánh lọc, bánh ướt…
Thuận chia sẻ: “Cha mẹ rất lo lắng khi nghe tôi bỏ việc, chọn lập nghiệp bằng cách mở quán ăn. Dẫu phật ý nhưng ông bà chưa từng bỏ rơi tôi”.
Mỗi ngày, mẹ anh đi khắp nơi tìm mua thịt gà, thịt vịt, cá lóc, bột bánh canh, bánh ướt… rồi hành, ớt, nén, ngò… loại ngon để gửi cho con trai. Cha anh ngoài giờ làm việc, về nhà liền xắn tay áo đóng thùng, gói ghém, hóa thân thành người giao hàng. Ngày mưa cũng như tháng nắng, những thùng hàng 30 - 40kg từ Quảng Trị liên tục theo xe vào TPHCM.
Có lần Thuận về quê, một người chú hàng xóm kể với anh rằng không biết cha anh ngủ nghỉ khi nào. Ban ngày đi làm, chiều về đóng hàng. Đêm khuya, khi xóm làng tắt đèn đi ngủ vẫn nghe tiếng cha anh Thuận rút băng keo dán thùng hàng. Rồi hôm sau, mới 3, 4g sáng đã nghe tiếng ông nổ máy chở hàng ra bến xe gửi vào TPHCM cho con.
Khởi nghiệp bằng con đường kinh doanh thực phẩm là một sự lựa chọn vất vả. Con đường ấy càng gian nan khi nguồn nguyên liệu chế biến phải nhập từ xa. Thế nhưng, với tình yêu quê hương, cha mẹ, Nhật Thuận quyết không từ bỏ giấc mơ. Với anh, trên mỗi bước đường Cà Mèn chinh phục thành công luôn có dáng hình cha mẹ.
 |
Ông chủ Cà Mèn cùng những suất cơm từ thiện chuẩn bị trao cho người nghèo tại TPHCM - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Mang về những nụ cười
Năm 2015, Nhật Thuận khởi nghiệp. Năm 2018, Cà Mèn mở thêm 2 chi nhánh, nâng tổng quy mô lên 3 cơ sở. Đến cuối năm 2018, Cà Mèn gặp khó khăn, lún sâu bên bờ vực thất bại.
Nhật Thuận nhớ lại: “Cuối năm 2018, đầu 2019, dịp tết Kỷ Hợi, vợ chồng tôi trả xong nợ nần và chi phí nguyên liệu, nhân viên thì còn vỏn vẹn 500.000 đồng, không đủ tiền mua vé về quê. Lúc đó, tôi gọi điện về nhà gặp mẹ, chỉ nói được một câu “Mẹ ơi, con xin lỗi, năm nay con không về”.
Khó khăn chưa dừng lại. Dịch COVID-19 ập đến, Cà Mèn phải đóng cửa, tất cả nhân viên đều bị cắt giảm, đưa con đường lập nghiệp về con số 0.
Nhật Thuận không nản chí. Anh tiếp tục nghĩ cách cầm cự, chuyển hướng sang kinh doanh online.
Thuận tâm sự: “Bây giờ nghĩ lại, tôi nhận ra, sức mạnh giúp tôi vượt qua thời gian khủng hoảng chỉ có thể là thôi thúc được mang đến nụ cười, sự an lòng cho cha mẹ. Cha mẹ đã đồng hành cùng tôi ròng rã suốt mấy năm trời. Họ thức khuya dậy sớm, lo lắng, mất ngủ và già đi. Không bằng cách này thì cách khác, tôi phải thành công”.
Lan tỏa giá trị
Cuối năm 2024, căn bệnh zona thần kinh trở nặng, cha Thuận đột ngột qua đời. Thuận không ngừng day dứt, thương nhớ cha. Anh nhớ dáng hình vất vả của cha trên từng bước đường đồng hành, nuôi dạy anh khôn lớn; nhớ những ước mong của cha, và anh cũng thuộc lòng cách sống đầy trách nhiệm, vị tha, vì cộng đồng thông qua những lời sau cùng cha căn dặn.
 |
Anh Nhật Thuận (giữa) cùng đội ngũ Cà Mèn bên container hàng trước khi xuất sang Mỹ - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Thuận bắt tay vào xây dựng, lan tỏa những chương trình mang đến giá trị thực tế và tử tế cho cộng đồng. Trong công ty, Thuận xây dựng quy chế tháng lương đầu tiên của nhân viên là để dành tặng cha mẹ. Anh lập nguồn quỹ nhằm kịp thời động viên, thăm hỏi khi gia đình nhân viên gặp sự cố. Anh xem nhân viên như người nhà. Anh cũng thường xuyên tham gia quyên góp tài lực, vật lực giúp đỡ những hoàn cảnh tật nguyền, gặp tai nạn tại quê hương cũng như tại khu vực anh đang cư trú. Anh tổ chức định kỳ các bữa cơm 0 đồng, các chuyến đi từ thiện trao quà cho hoàn cảnh khó khăn.
Ngoài ra, anh còn tham gia tổ chức những talk show, chương trình, sự kiện tại các trường đại học, kết nối với các nhóm bạn trẻ. Trong vai trò là người truyền lửa, anh miệt mài chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp và những thông điệp về lối sống hiếu đạo, nhân cách của người làm kinh doanh.
10 năm lập nghiệp là một chặng đường chưa dài nhưng bằng nỗ lực của bản thân, tình yêu với quê hương và sự gắn bó bền chặt với gia đình, Nguyễn Đức Nhật Thuận đã viết nên một câu chuyện đẹp và ấm áp về sức bật của tuổi trẻ trên hành trình khởi nghiệp.
Sau 10 năm, từ một cửa hàng bán lẻ nhỏ bé, Cà Mèn đã vươn mình trở thành một doanh nghiệp có sản phẩm phủ sóng thị trường trong nước lẫn quốc tế. Trong nước, Cà Mèn có hơn 400 điểm bán cho hệ thống và các kênh siêu thị, đại lý. Cà Mèn cũng đã xây dựng nhà máy rộng 1.000m2, tạo công ăn việc làm cho hơn 50 nhân sự, cung cấp ra thị trường 200.000-300.000 sản phẩm/tháng. Sản phẩm của Cà Mèn gồm các món như miến lươn xào nghệ, cháo bột cá lóc, bánh canh cua… được đóng gói, đạt chuẩn chất lượng về thực phẩm, vươn ra tiếp cận hơn 1.000 cơ sở trong chuỗi siêu thị và chợ Việt ở châu Á, châu Mỹ, châu Úc và châu Âu. |
Diệu Thông