Tinh thần “nhập thế” mùa giãn cách…

27/07/2021 - 06:51

PNO - Nhìn hàng ngàn hộp cơm xếp ngăn nắp trên những dãy bàn, chờ được chuyển đến người nhận trong tiếng chuông chùa lẫn tiếng mưa rơi, tôi hiểu hơn về thiện tâm, về phương châm hành đạo giữa đời thường của những người tu hành.

Nhận những hộp cơm nóng với thịt quay, cá, tôm kho, bún giò heo… các y, bác sĩ và lực lượng y tế đang trực chiến tại các bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19 đã không tin được, những phần cơm “trần thế” ấy lại được chế biến từ bếp ăn của chùa Vĩnh Nghiêm. Và, tôi mang sự hồ nghi ấy đi tìm lời giải đáp.

Sau ngày 9/7, ngày TPHCM thực hiện lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16, Thượng tọa Thích Thanh Phong - Trưởng ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm - đã cùng các sư thầy trong chùa thức dậy sớm hơn, thực hiện khóa lễ sáng sớm hơn thường lệ, để mọi người còn kịp vào bếp nấu và phát cơm buổi trưa, buổi chiều tại cổng chùa cho những người cần giúp đỡ. 

Các sư thầy chùa Vĩnh Nghiêm cùng những người thiện nguyện đang bận rộn nấu những bữa cơm đủ chất phục vụ lực lượng y tế đang làm việc tại các bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị COVID-19 - Ảnh: P.T.
Các sư thầy chùa Vĩnh Nghiêm cùng những người thiện nguyện đang bận rộn nấu những bữa cơm đủ chất phục vụ lực lượng y tế đang làm việc tại các bệnh viện dã chiến và bệnh viện điều trị COVID-19 - Ảnh: P.T.

Dịch COVID-19 bùng phát khiến người mắc bệnh tăng nhanh, số lao động mất việc và những người yếu thế gặp khó khăn cũng ngày càng nhiều, những chuyến xe cấp cứu hú còi hối hả, những nhân viên y tế kiệt sức và gục ngã vì phải căng mình cứu chữa người bệnh… Những hình ảnh đó khiến cả nước xúc động, thương cảm. Và trái tim thiện lành nơi những người tu hành cũng xốn xang. Số cơm chay của chùa Vĩnh Nghiêm và nhiều chùa cùng chung tay thực hiện giúp bà con nghèo, lao động mất việc được nâng từ 1.000 lên 3.000 phần/ngày. Nhưng với các y, bác sĩ, nhân viên y tế thì những bữa cơm chay, những tô mì gói không đủ bù sức cho sự vất vả. Họ cần được tiếp dưỡng nhanh chóng.

Thượng tọa Thích Thanh Phong đã nhanh chóng đưa ra một quyết định táo bạo dựa trên yêu cầu ấy: từ ngày 13/7 chùa sẽ nấu 1.000 phần cơm có thịt, cá, tôm, rau củ… để tiếp dưỡng cho lực lượng y tế đang thực hiện nhiệm vụ chống dịch và cứu chữa bệnh nhân. 

Để triển khai quyết định “nhập thế vị nhân sinh” của người tu hành, thầy Thích Thanh Phong cho triển khai nhanh bếp dã chiến ở khu nhà khách đang xây dang dở phía sau chùa. Những khung cửa, dãy bàn sắt dài hàng chục mét được lắp đặt cùng lúc với các bếp gas loại lớn, chảo nồi loại cực đại, chén đũa được mua mới…

Chùa phát cơm cho người nghèo - ảNH: P.T.
Chùa phát cơm cho người nghèo - Ảnh: P.T.

Với phương châm, “vừa chạy vừa xếp hàng”, từ khi bếp chưa hoàn chỉnh, mỗi ngày thiện nguyện viên và các sư cô, sư thầy đã thực hiện 2.000 hộp cơm với thịt quay, tôm rim, canh rau… Nhìn hàng ngàn hộp cơm xếp ngăn nắp trên những dãy bàn, chờ được chuyển đến người nhận trong tiếng chuông chùa lẫn tiếng mưa rơi, tôi hiểu hơn về thiện tâm, về phương châm hành đạo giữa đời thường của những người tu hành. 

Ban đầu, các thầy và phật tử của các chùa Vĩnh Nghiêm, Phổ Đà (Q.Bình Thạnh), Phước Hải (Q.10), Phước Hòa (Q.3), Quan Âm tu viện (Q.Phú Nhuận) chỉ có thể thực hiện 2.000 suất cơm mặn phục vụ bác sĩ và các nhân viên y tế của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và 4 bệnh viện dã chiến ở Bình Chánh, Hóc Môn, Thủ Đức cùng với 3.000 phần cơm chay cho người nghèo. Thế nhưng, nhu cầu được hỗ trợ các phần cơm đủ chất cho lực lượng y tế đang căng mình chống dịch tăng nhanh.

Thầy Thích Thanh Phong không nỡ từ chối ai, nhưng thầy cũng không lường được chi phí nấu ăn chay và mặn lại “khác nhau” nhiều như thế, kinh phí cho hai bếp ăn chay và mặn được chuẩn bị đã gần cạn. Nếu thực hiện khoảng 5.000 phần ăn/ngày với thịt, cá, tôm, rau thì chi phí mỗi ngày lên đến gần 400 triệu đồng. Rồi các em nhỏ đang cách ly đơn độc không cha mẹ đi cùng ở Bệnh viện Nhi Đồng cũng được thầy Thanh Phong cộng vào để chăm lo. Lo toan cho bá tánh khiến có lúc thầy ngồi thừ ra…

Khó khăn ấy được chị Nguyễn Thị Tranh, trưởng nhóm từ thiện Chia sẻ - Sharing, thấu cảm. Chị đã báo cáo và xin ý kiến bà Tư (phu nhân nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, người lập nhóm). Nhiều doanh nghiệp thành viên của nhóm từ thiện Chia sẻ - Sharing đã hưởng ứng lời kêu gọi của bà Tư, cùng chung tay với nhà chùa. Chỉ sau một ngày kêu gọi, kinh phí chuyển đến đã đủ để thầy Thanh Phong nâng số phần ăn đủ chất dành cho lực lượng y tế của 8 bệnh viện dã chiến và 3 bệnh viện tuyến cuối từ 2.000 lên 6.800 suất/ngày. Không chỉ lo chi phí đầu vào, nhóm Chia sẻ - Sharing còn phụ trách chuyển những phần ăn đến với lực lượng y tế từ Hóc Môn, Bình Chánh, Thủ Đức và các bệnh viện dã chiến nội đô. 

Tôi mang chuyện “chùa Vĩnh Nghiêm nấu ăn mặn trong chùa” để hỏi Thượng tọa Thích Thanh Phong. Vị trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm, Trưởng ban Từ thiện xã hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM, giải thích: “Lịch sử phát triển của chùa Vĩnh Nghiêm gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập. Chúng tôi làm theo lời dạy của Phật hoàng về tinh thần nhập thế và truyền thống yêu nước, thương dân, đặc biệt khi đất nước gặp khó khăn… đạo và đời luôn song hành. Bếp ăn dã chiến được lập trong hoàn cảnh đặc biệt, tách bạch với bếp nấu chay thường ngày của chùa và chỉ hoạt động cho đến hết giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16”. 

Phương Thục

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI