Tinh thần nghệ sĩ của Alain de Botton

24/11/2016 - 09:27

PNO - Những trang sách của Alain không chỉ là “triết học về cuộc sống thường ngày” mà còn là những chương “tiểu thuyết” hấp dẫn mang tinh thần nghệ sĩ hiện đại và phóng khoáng.

Độc giả Việt Nam không còn xa lạ với tên tuổi của Alain de Botton qua một vài đầu sách đã được dịch sang tiếng Việt. Cuốn Luận về yêu là tác phẩm được viết từ thời trẻ của Alain de Botton, triết gia sinh năm 1969.

Cuốn “tiểu luận” này không phải bản nhạc romance, cũng không phải bản country dìu dặt mà là bản giao hưởng có cả hân hoan và “bi kịch” trần trụi về tình yêu. Ở bản giao hưởng ấy, nhạc trưởng Alain đưa người đọc trải qua nhiều cung bậc từ lý tưởng, cám dỗ, nỗi sợ, đức tin đến hoài nghi, nhục cảm… Những khúc mắc, chuyển biến tâm lý và kiến giải về tình yêu được kể (chứ không phải phân tích) qua những tình huống cụ thể trong cuộc tình của nhân vật “tôi” và Chloe.

Từ những câu chuyện ấy, nhân vật bật ra những tỏ bày như: “Một trong những trớ trêu của tình yêu là chúng ta thường tự tin nhất khi tán tỉnh người ít hấp dẫn mình nhất”, “Bởi được yêu lúc nào cũng phức tạp hơn yêu, mũi tên của thần Cupid luôn dễ bắn ra hơn đón lấy”, “Tình dục là bản năng, phi lý trí và tự phát, trong khi suy nghĩ thì thận trọng, tách bạch và mang tính đánh giá. Suy nghĩ trong khi làm tình là vi phạm luật cơ bản của việc giao hợp”…

Tinh than nghe si cua Alain de Botton
Alain de Botton diễn thuyết trên sân khấu của TED

Nếu Luận về yêu là chàng trai có một cái đầu lý trí đầy mỉa mai và trái tim ấm nóng bập bùng thì Sự an ủi của triết học là một nghệ sĩ lý trí và không kém phần điên rồ. Không còn kể câu chuyện của mình với niềm hạnh phúc lẫn chua cay, ở tác phẩm này, Alain de Botton mang đến đồng thời cả bi kịch cuộc đời và sự khai sáng từ những câu chuyện của các triết gia.

Ví dụ, sau khi kể về sự tự tin lý trí của Socrates, Alain viết: “Ta quá dễ dàng buồn bực vì những lời không tử tế mà không tự vấn câu hỏi cốt yếu nhất: những lời chỉ trích cay độc đó được đưa ra dựa trên cơ sở nào? Giá trị của lời chỉ trích phụ thuộc vào quá trình tư duy của người chỉ trích, không phải số lượng hay vị thế của họ. Phải có sức mạnh để trong những hoàn cảnh nhất định không quan tâm đến ý kiến của người khác”.

Hay qua câu chuyện về Epicurus, Alain cho rằng: “Nhu cầu tự nhiên của cơ thể chúng ta thực sự rất ít. Bản chất tự nhiên của con người dễ mãn nguyện với những điều mang chi phí rất nhỏ, như cùng nhau nằm trên cỏ trong thời tiết đẹp, trò chuyện với trẻ em và bạn bè, một buổi chiều nắng ấm, bánh mì phết phô mai…”, “Các doanh nghiệp kích thích những ham muốn không cần thiết ở những người không thực sự hiểu nhu cầu của mình. Mức tiêu dùng sẽ bị phá vỡ khi sự tự nhận thức của con người cao hơn và coi trọng sự giản dị”.

Hay qua những câu chuyện về triết gia lỗi lạc Nietzsche, Alain như tìm thấy nhiều sự “cộng cảm” để truyền đến độc giả sự bừng sáng về nỗi đau và sự mãn nguyện, nghịch cảnh và nghệ thuật sống, sự tức thì và dài lâu...

Khi triết học hàn lâm trở thành thứ xa xỉ trong thời văn hóa nghe - nhìn thì những tác phẩm của Alain de Botton trở thành niềm “an ủi” cho nhiều người yêu thích suy ngẫm, muốn thay đổi bản thân. Giống như các tác phẩm, con đường sự nghiệp của Alain cũng toát lên sự tự do, năng động.

Sinh ra ở Zurich, Thụy Sĩ trong một gia đình giàu có, đến năm 12 tuổi, Alain chuyển tới London để học phổ thông. Sau đó, Alain nghiên cứu triết học tại Cambridge và lấy bằng tiến sĩ tại Harvard. Không chỉ là triết gia với những tác phẩm phi hư cấu, Alain còn viết tiểu thuyết, làm diễn giả ở khắp nơi trên thế giới, có công ty Seneca Productions sản xuất các chương trình truyền hình, làm phim tài liệu.

Mới đây, tác giả 47 tuổi này xuất bản cuốn sách thứ 14 về những ảnh hưởng của truyền thông, tin tức trong đời sống hiện đại, với tên gọi The News: A User’s Manual.

Nói về sự đa năng của mình, Alain cho rằng: “Điều quan trọng tôi cần làm là tìm ra những gì tốt nhất từ năng lực của mình sao cho khớp với những gì thế giới cần trong từng thời điểm xác định”.

Bùi Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI