Tình thân, có khi nào bị rẻ rúng?

24/05/2017 - 06:30

PNO - Một người kia khi ngồi làm tờ đơn từ gì đấy, đã được đề nghị ghi vào mục “Trường hợp khẩn cấp, liên hệ…”. Người đó nghĩ mãi, suy tính mãi, băn khoăn mãi, vẫn chẳng quyết được khi khẩn cấp thì sẽ phải gọi ai.

Tháng trước, tôi đang đi công tác xa thì nhận được điện thoại của cô em họ. Lừng khừng mãi, rồi em cũng thú nhận một chuyện động trời, rằng mình đang… mang thai với một người đàn ông không danh chính ngôn thuận. Em cần đi bệnh viện, mà lại chẳng có bạn gái đủ thân để mà tin cậy, chia sẻ. Nghĩ tới lui, em đành bấm bụng gọi cho tôi, cầu cứu…

Tinh than, co khi nao bi re rung?
 

Nghe mối quan hệ thì ngỡ chưa tới mức ruột thịt, nhưng tôi và em thuở bé sống chung nhà, ăn chung mâm, ngủ chung giường. Lớn lên cùng ra thành phố trọ học rồi ở lại lập nghiệp. Tôi kết hôn và ở phía bên kia thành phố.

Em thuê phòng gần chỗ làm, khoảng cách địa lý của hai chị em chắc gần mười cây số, hơn ba mươi phút chạy xe gắn máy là cùng. Thế nhưng, thi thoảng chúng tôi mới có dịp gặp nhau, bởi cứ rảnh ra là chúng tôi đều hẹn với đối tác, bạn bè, đùm túm các kiểu. 

Chuyện của em tôi rồi cũng được xử lý êm xuôi theo cách tốt nhất có thể. Không bàn tới vấn đề riêng của em, mà điều đọng lại trong lòng tôi sau những ngày chở em đi thăm khám, thuốc thang các kiểu, là giật mình nhận ra sự thờ ơ, vô tâm của tôi bấy lâu dành cho mối quan hệ thân tình duy nhất chốn này. Mạnh ai nấy sống, bận bịu và mệt mỏi lắm, bao nhiêu thứ phải lo toan, lúc nào hữu sự mới chợt nhớ đến nhau.

Tình thân. Nghe cao sang quá. Ai cũng có, vẫn lấy làm đơn giản, thậm chí là rẻ rúng. Nhưng vun đắp nuôi dưỡng mối quan hệ gia đình, họ hàng ấy thế nào lại là cả một vấn đề. Nhất là trong cái thời ai ai cũng vội vàng bận bịu. Nhiều lúc chạnh lòng, thương lắm, tiếc lắm, nhớ lắm. Xong rồi thì khoảnh khắc yếu đuối nhất cũng qua mau…

Tôi từng đọc đâu đó rằng, một người kia khi ngồi làm tờ đơn từ gì đấy, đã được đề nghị ghi vào mục “Trường hợp khẩn cấp, liên hệ…”. Người đó nghĩ mãi, suy tính mãi, băn khoăn mãi, vẫn chẳng quyết được, đối với mình, khi khẩn cấp thì sẽ phải gọi ai.

Ai sẽ sẵn sàng buông bỏ mọi thứ để chạy đến? Ai không quá ngạc nhiên bất ngờ khi nhận được một thông báo, rằng chị A anh B gì đó có phải người nhà của bạn không? Họ đang cần có thân nhân bên cạnh, bạn à…

Tinh than, co khi nao bi re rung?
 

Là ai nhỉ? Chồng hoặc vợ, bố mẹ và con cái? Đơn giản như có lần bỗng dưng tôi gọi cho mẹ năm bảy cuộc mà không thấy bắt máy, sau đó là mất tín hiệu điện thoại luôn. Cả bầy con bốn đứa nháo nhác hú cho nhau, hỏi xem lần gần nhất tạt qua thăm mẹ là lúc nào? Mẹ có dấu hiệu gì đáng lo không, về sức khỏe lẫn tâm tính? Có buồn giận gì nên quyết định “làm nư làm khó” nhau chăng?

Người nào ở gần nhà mẹ nhất, có thể thu xếp để chạy về chốc lát, sau đó thông báo cho tất cả bọn còn lại yên tâm bây giờ? Để rồi ngỡ ngàng nhận ra, chỉ vì có dịp mẹ vô tình quên điện thoại trong tủ đến mức hết pin, người có chút tuổi tác thì hay lẩn thẩn vậy mà, nên lũ con mới hớt hải với nhau, trò chuyện. Họp hành, công văn, giấy tờ, lương bổng… bỗng chốc thành thứ yếu.

Nỗi nơm nớp âu lo, những dự cảm sợ hãi khiến cho người ta sực tỉnh… Cũng trong hôm đó, chúng tôi nhớ ra mình chẳng có sự liên hệ nào với hàng xóm xung quanh, không xin số ai để nhờ cậy chạy qua ngó giùm xem mẹ có bình an yên ổn.

Như tôi, sau đợt em họ bị “nạn” ấy, đã tự trách mình ít hỏi han gần gũi em, để mặc em bơi giữa dòng đời nhiều tráo trở. Nên em hụt chân mà chới với. Em hẳn từng có nhiều buổi tối cô đơn trong căn phòng trọ, tự hỏi bản thân rằng, nếu dưng không em biến mất, thì bao lâu mới có người nhớ ra sự vắng mặt của mình? 

Ngọc Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI