Tình thâm, máu đào

28/09/2013 - 12:54

PNO - PN - Sau hành trình dài từ Q.3 đến Q.Thủ Đức (TP.HCM), qua hai tuyến xe buýt, bà xách giỏ, xuống xe, đi như chạy về phía Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức. Thở hổn hển, bà nói với tôi: “Đoạn đường cả cây số,...

edf40wrjww2tblPage:Content

 Tinh tham, mau dao

Nhất cử nhất động, bà Hợi đều nhờ bà Phương dìu đỡ

Chị già chăm em dại

Mười năm nay, bà Lê Thị Phương (SN 1953, ở P.2, Q.3, TP.HCM) đã nghỉ bán tạp hóa vì lo cho em trai Lê Văn Đắc bị bệnh tâm thần và chị hai Lê Thị Hợi bị tai biến nằm liệt. Thứ Bảy hoặc Chủ nhật hàng tuần, bà Phương đều chuẩn bị thức ăn đi thăm em. Ba giờ rưỡi sáng, bà thức dậy nấu nhiều món ngon cho vào hộp, chất đầy giỏ xách. Mỗi tuần, bà đều đổi món để em đỡ ngán. Những lần làm món bún riêu, từ bốn giờ sáng, em út của bà Phương là bà Lan phải đạp xe ra tận chợ Bà Chiểu (Q.Bình Thạnh) để mua cua đồng về giã, nấu. Chợ này bán cua từ sáng sớm, nếu mua từ hôm trước cua sẽ bở, không ngọt thịt. Ngày nào thăm ông Đắc, chị em trong nhà mới được một bữa ngon.

Mỗi tuần gặp mặt, có khi ông Đắc vui mừng, vồ vập, có khi lại thờ ơ, lạnh nhạt, thậm chí không thèm ăn, cứ xua đuổi chị về. Mặc, bà Phương vẫn đều đặn đến thăm với niềm tin cậu em mình được ấm áp và an ủi. Bà âu yếm nhìn sắc mặt em, rờ rẫm tay chân, gắn ống hút cho em uống nước mát. Em ăn xong, bà lau tay cho em, vừa lau, vừa nói khẽ: “Chị em chung giọt máu đào, làm sao không thương nhiều hả cô?”. Hỏi lúc nãy vừa ăn gì, ông Đắc nói một tràng huyên thuyên, trong đó chỉ có một tiếng “nghêu” nhưng cũng đủ khiến bà Phương mừng như bắt được vàng. Bà thường hỏi han y sĩ điều trị để biết sức khỏe, tâm trạng của em trong tuần qua; không giấu niềm vui khi nghe em ăn được, ngủ được.

Ấn tượng trước thân nhân đặc biệt này, y sĩ Phan Văn Hưng (Phó khoa A, Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức) chia sẻ: “Tình cảm của bà Phương dành cho em rất hiếm thấy. Tuần nào cũng vậy, không bà Phương thì bà Lan đến thăm, đem nhiều thức ăn cho ông Đắc bồi bổ. Có khi bà Phương còn cạo râu, cắt móng tay cho em. Bà luôn ân cần, ngọt ngào căn dặn “Em tích cực uống thuốc, cố gắng điều trị, chừng nào khỏe chị sẽ xin bác sĩ cho em về nhà”. Ông Đắc bị tâm thần phân liệt mạn tính, không trị khỏi được, nhưng hiện nay tình trạng tạm ổn, ít khi bị kích động, một phần nhờ sự quan tâm, thăm nom thường xuyên của gia đình. Tình thương là liều thuốc tinh thần vô giá với bệnh nhân”.

Sợ ông Đắc nghe đâm buồn, bức bối, trở bệnh, đợi khi ra về, bà Phương mới kể với tôi về cuộc đời ông. Trước đây, trong thời gian ở quân ngũ, có lần ông Đắc bị cây rớt trúng đầu, nhiều năm sau, chứng rối loạn thần kinh mới phát. Ông thường hốt hoảng, nói lảm nhảm và vài lần châm lửa đốt sách trong nhà. Năm 2006, ông lên cơn bất ngờ, dùng gậy đánh hai bà chị. Bà Hợi bị đánh trúng, máu chảy lai láng (khi đó bà đã bị tai biến lần hai nên yếu, không còn sức chống đỡ). Sau đó ông Đắc tiếp tục tấn công bà Phương khi bà đang lui cui nấu ăn, may mà không đánh trúng chỗ hiểm. Bà Phương vội đưa bà Hợi đi cấp cứu, sau đó quay về nhờ cảnh sát khu vực cùng đi kiếm em trai. Sau khi đánh hai bà chị, ông Đắc hoảng sợ chạy núp vào góc tối trong con hẻm gần nhà suốt từ trưa đến tối. Đứt ruột thương em, bà Phương tìm phương cứu chữa ở nhiều bệnh viện tâm thần, cuối cùng “đăng ký hộ khẩu” tại Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức.

 Tinh tham, mau dao

Bà Phương tỉ mẫn gỡ từng con nghêu cho cậu em trai ăn

 Tinh tham, mau dao

Bà Phương ân cần đút cơm cho bà Hợi

“Xương sống” của chị

Sau lần bị em trai đả thương, bà Hợi từ chỗ có thể đi lại chầm chậm trong nhà, trở thành người nằm liệt, đầu lắc liên hồi, lưỡi đớ, phát âm một từ cũng đã… đổ mồ hôi hột. Nhất cử nhất động của chị, bà Phương đều phải dìu đỡ. Bà trở thành “xương sống” thứ hai của chị. Bà Hợi nằm gần mười năm nhưng không hề lở loét bởi cô em gái sẵn sàng chịu cực chứ nhất quyết không dùng tã. Vóc người ốm nhom, lại mắc chứng đau lưng, đau thần kinh tọa, không ngờ bà Phương có thể đỡ chị từ ghế xếp lên xe bô một cách gọn nhẹ. “Bà lấy đâu ra sức mà chăm chị như thế?”. Bà tươi cười: “Làm riết thành quen. Tôi cũng thường xuyên xoa bóp, tập tành cho chị để đỡ bị cứng khớp”.

Để chăm chị, mười năm qua, bà Phương và bà Lan chưa một đêm tròn giấc. Có khi mệt quá, thiếp đi, nhưng nghe bà Hợi tiểu dầm rỏ xuống thau kê dưới giường, là hai chị em cùng bật dậy. Người dựng chị đứng lên, người thấm ướt khăn, vắt khô, lau sạch, thay quần áo và xức dầu cho chị ấm. Vì vậy, căn phòng luôn sạch sẽ, tinh tươm. Hai em hay cười đùa chọc ghẹo để chị vui miệng, ăn nhiều hơn. Bà Phương thường nhai mớm thức ăn để chị dễ nuốt, dễ tiêu. Bà chế biến thức ăn kỹ lưỡng, không để chị ăn đồ nguội lạnh. Bà có thói quen đi chợ trưa để mua đồ rẻ. Nhiều người bán hàng biết hoàn cảnh của bà nên vừa bán vừa cho. Cứ hai tuần, bà Phương lại đẩy xe lăn mấy cây số đưa chị từ nhà đến Trung tâm y tế Q.3 để tái khám, xin cấp thuốc cho chị và cho mình. Nhờ thuốc men đầy đủ, đều đặn, các bà tránh được những đợt bệnh nặng hoặc biến chứng. Đi tái khám, sẵn tiện, chị em ghé Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM để được cắt tóc miễn phí.

Trong nhà, chỉ người anh thứ ba lập nghiệp xa là xây dựng gia đình, có một con gái. Nhiều năm nay, bà Lan hàng ngày đến giúp một người bạn không may bị tai biến, suy thận mạn. Vì thế, thời gian chăm sóc cho chị chủ yếu vào ban đêm. Bà Phương không trách mà còn động viên bà Lan: “Em giúp được ai thì giúp. Làm phước được phước. Chị còn khỏe, còn cáng đáng được việc nhà”. Gia đình không có nguồn thu nào khác ngoài tiền cho thuê phòng. Ba chị em nằm chung một giường để dành diện tích cho thuê. Nhìn căn nhà được ba mẹ tích cóp xây cất cách đây 40 năm, bất giác, bà Phương nhắc lời ba mẹ: “Sau này, ba mẹ mất, các con phải đùm bọc, san sẻ, đừng tranh giành hay bỏ mặc nhau mà thiên hạ chê cười!”. 

Nhọc nhằn không quản, có miếng ăn ngon, có áo đẹp bà Phương đều nhường chị em. Một lần tỉnh, ông Đắc giúi vào tay bà Phương chiếc bánh của đoàn từ thiện đến Trung tâm phân phát cho bệnh nhân. Ông nói: “Ở đây nhiều bánh. Mang về cho chị hai ăn đi. Ngon lắm!”. Thấy em tâm trí loạn cuồng, tên tuổi mình còn quên nhưng vẫn nhớ đến chị, trên xe buýt về nhà, bà Phương nâng niu cái bánh mà chảy nước mắt…

 TÔ DIỆU HIỀN

Kỳ tới: Chị em "Tằm"

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI