Tỉnh táo với mỗi cú click chuột

29/03/2022 - 06:34

PNO - Hiện nay, song song với cuộc chiến trên thực địa ở Ukraine, trên các nền tảng mạng xã hội, cư dân mạng cũng tạo nên một cuộc chiến tranh về truyền thông mà trong đó tin giả, tin sai sự thật, tin xuyên tạc vẫn đang được chia sẻ qua các hàng rào biên giới, qua nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nhiều trường hợp dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Các mạng xã hội đều có cơ chế giúp mọi người chia sẻ và cùng bàn luận thông tin, trong đó có video. Thuật toán của các mạng xã hội đều biết cách gợi ý cho các thành viên tiếp cận với những nội dung họ quan tâm, yêu thích. Do đó, những thông tin có nội dung sai lệch thường được lan tỏa rất nhanh, rất rộng.

Thực tiễn truyền thông xã hội ở Việt Nam những năm qua cũng cho thấy điều tương tự. Tin tức thất thiệt, sai lệch, xuyên tạc hầu như ngày nào cũng xuất hiện trong nhiều lĩnh vực, được bàn luận sôi nổi, chia sẻ tưng bừng. Thời của internet, thông tin tràn ngập nhưng người ta vẫn cảm thấy “đói khát” vì luôn muốn có những thông tin mà mình mong đợi. Điều đáng lo là hiện nay, năng lực ứng xử với thông tin của một bộ phận cư dân mạng vẫn còn yếu.

Về nguyên tắc, không ai cấm chúng ta trình bày, thể hiện những thông tin, kiến thức, kỹ năng bằng hình ảnh, bằng văn bản, bằng video trên mạng xã hội. Tất nhiên, những thông tin ấy phải chân thật, khách quan, có trách nhiệm, không xâm phạm đời tư, không làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, nói chung là không vi phạm pháp luật. 

Không ai cấm chúng ta chia sẻ những bài viết, clip video, hình ảnh của người khác, nhưng một thao tác bấm nút share cũng là một hành vi ứng xử trên mạng xã hội, cần có sự hiểu biết. Nếu chia sẻ một cách thiếu trách nhiệm, có khi chúng ta vô tình gây họa cho người khác, cho bản thân, cho cộng đồng.

Trước khi bấm nút share, chúng ta phải biết đặt ra các câu hỏi: Bức ảnh/video/bài viết đó có đúng không? Chia sẻ thông tin đó có cần thiết không? Chia sẻ thông tin đó có tử tế, nhân văn không?

Việc thẩm định thông tin cũng là một kỹ năng cần được rèn luyện, nhưng trong chừng mực nào đó, khi chưa rõ độ tin cậy của nguồn tin thì tốt nhất, ta không nên chia sẻ. Bản thân cơ chế tự điều chỉnh (self-regulation) ở các mạng xã hội cũng góp phần giúp chúng ta tỉnh táo, nhưng tự bản thân người dùng mạng xã hội cũng phải có ý thức chống lại tin tức sai sự thật. 

Những thông tin không dựa trên sự thật khách quan hoặc chỉ dựa trên một phần sự thật, dẫn dụ cộng đồng nhìn nhận vấn đề một cách sai lệch hoặc hoàn toàn trái với sự thật lúc nào cũng có, nhưng trong kỷ nguyên số, nó trở nên cực kỳ nguy hiểm, khó lường. Có nhiều thông tin giả được cố ý đưa ra nhằm phục vụ một nhóm lợi ích hoặc bị vô ý lan tỏa từ các kênh truyền thông (kể cả chính thống và mạng xã hội) do thiếu kiểm chứng hoặc do phù hợp niềm tin mù quáng của người đưa tin.

Để làm một thành viên mạng xã hội thông minh, cần phải có đôi mắt tinh tường khi tiếp cận thông tin. Cần đặt các câu hỏi: Nó phục vụ ai? Phương thức thu thập và xử lý thông tin đó như thế nào, có xác minh độc lập, có công bằng, khách quan không? Ai là người cung cấp thông tin ấy? Tác động, kết quả của thông tin ấy ra sao? 

Phan Văn Tú

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI