Tỉnh táo trước 'cám dỗ' thay đổi thế giới

28/04/2015 - 06:50

PNO - PN - Tham vọng chinh phục đã khiến nhiều nhà nghiên cứu chấp nhận đánh đổi đạo đức nghề nghiệp để “đứa con tinh thần” của mình được nổi tiếng, thậm chí chấp nhận “đốt cháy giai đoạn”, không dành thời gian kiểm...

edf40wrjww2tblPage:Content

Xôn xao dư luận nhất trong những ngày qua là nghiên cứu của nhóm nhà khoa học người Trung Quốc với trưởng nhóm là chuyên gia nghiên cứu gen Junjiu Huang (Đại học Sun Yat-sen). Họ đã khám phá thành công công nghệ CRISPR cho phép thay đổi hệ gen của người khi gen đó vẫn đang ở trong phôi. Đây được đánh giá là công bố chấn động nhất gần đây vì nó sẽ là nền tảng dẫn đến thay đổi vật liệu di truyền của một người, cụ thể là tác động vào ADN, loại bỏ mã di truyền xấu, thêm vào mã tốt.

Chuyên gia Junjiu Huang cho biết, tỷ lệ thành công hiện vẫn chưa đạt 100% như mong muốn và dự án vẫn phải tiếp tục được kiểm tra kỹ lưỡng. Nhà khoa học này cũng cho rằng từ lý thuyết đến thí nghiệm và sau cùng là áp dụng vào thực tế sẽ vẫn còn rất nhiều khoảng cách để vượt qua.

Nhiều người bày tỏ quan điểm ủng hộ, cho rằng thành tựu này vô giá vì nó loại bỏ được những chứng bệnh gây ra từ trục trặc về gen. Bên cạnh đó, không ít chuyên gia tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ. Họ cho rằng không nên tiến hành chỉnh sửa bộ gen của con người theo cách này, vì rủi ro nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng và gây hậu quả nghiêm trọng đến rất nhiều thế hệ sau. Vì vậy, chỉ đến khi nào thật hiểu mọi mặt tác động của nó thì mới có thể cân nhắc, bàn tiếp đến đến việc áp dụng.

Cũng vấp phải luồng ý kiến trái chiều, được quan tâm thời gian gần đây là việc Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép sinh con theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) từ tế bào của ba người. Mục tiêu là thay thế gen lỗi của mẹ bằng phần gen tốt từ một phụ nữ khác. Dự đoán, em bé sinh ra bằng phương pháp này sẽ xuất hiện sớm nhất vào năm 2016.

Nhiều người phản đối cũng đưa ra những lập luận tương tự như với trường hợp nghiên cứu của nhóm nhà khoa học Trung Quốc, cho rằng việc điều chỉnh có thể gây ra những rủi ro không lường trước được, tạo ra thế hệ hoàn hảo như mong ước, nhưng không tính toán được trước những rối loạn có thể xảy ra bên trong cơ thể của đối tượng được sinh ra từ ba cơ thể riêng biệt. Hơn nữa, mối quan hệ pháp lý phức tạp giữa họ sẽ được giải quyết như thế nào để tránh những rắc rối về sau?

Tinh tao truoc 'cam do' thay doi the gioi

Tiến sĩ Hwang Woo-suk và con chó đầu tiên được sinh ra bằng phương pháp sinh sản vô tính do nhóm nghiên cứu của ông thực hiện - ẢNH: EMBRYBROS.WORDPRESS.COM

Đeo đuổi sinh sản vô tính là một trong những tham vọng lớn mà các nhà khoa học Hàn Quốc luôn đặt ra. Họ từng thí nghiệm nhân bản vô tính heo để lấy các cơ quan nội tạng đã biến đổi gen cấy ghép cho người. Trong khi đó, hiện tranh cãi về việc sinh sản vô tính voi ma mút vẫn diễn ra sôi nổi, dù những người ủng hộ không lý giải được phải có voi ma mút sinh sản vô tính để làm gì ngoài việc chứng tỏ khả năng trước giới chuyên môn.

Say sưa khám phá sinh sản vô tính đến mức gây ra sai phạm trong đạo đức nghề là tiến sĩ Hwang Woo-suk, chuyên gia hàng đầu của Hàn Quốc về tế bào gốc. Năm 1993, ông gây tiếng vang khi cho ra đời con bò đầu tiên bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm và sáu năm sau, ông thành công trong thí nghiệm sinh sản vô tính cặp bò đầu tiên ở Hàn Quốc. Năm 2005, ông tuyên bố thực hiện thí nghiệm nhân bản theo phương pháp sinh sản vô tính thành công một con chó. Sau đó, ông công bố mình đã nhân bản vô tính 11 tế bào gốc từ trứng của 11 người hiến tặng với mục đích là để chữa bệnh cho chính những người đó.

Thế nhưng, sau đó ông bị phanh phui gian dối khi dùng tiền để mua trứng từ nhiều người trong số ấy và ép hai thành viên nữ trong nhóm nghiên cứu hiến trứng, phá vỡ nguyên tắc tự nguyện. Điều này vi phạm Tuyên bố Helsinki về nguyên tắc thử nghiệm trên người của Hiệp hội Y khoa thế giới. Ông đã phải lên tiếng xin lỗi vì vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Kỹ thuật di truyền con người (GEH) hay kỹ thuật nhân bản, bắt đầu trở nên sôi động từ khi các nhà khoa học giải mã xong hệ gen người và ra đời các tế bào gốc. Cừu Dolly (sinh năm 1996) ở Scotland là một thành tựu của phương pháp nhân bản vô tính và là biểu tượng của nền khoa học thế kỷ XXI, nhưng nó không được khuyến khích, nhất là thực hiện với con người. Nhà sinh vật học Rudolf Jaenisch, Viện Công nghệ Massachusetts, Mỹ, đã dự đoán về một tương lai không mấy sáng sủa rằng 100 lần nhân bản đầu tiên, chỉ có trên dưới năm trẻ sinh ra còn sống.

Người mẹ thay thế có thể bị sẩy thai, hoặc đẻ khó vì bào thai lớn bất thường. Nhiều trẻ có thể chết trong vài ngày hoặc vài tuần sau khi sinh do mắc các bệnh về tim, phổi, gan, thận. Nhìn bề ngoài, các trẻ này được dự đoán là hoàn toàn bình thường, nhưng có những vấn đề không thể biết trước, chẳng hạn, liệu thần kinh trẻ có bình thường không, quá trình nhân đôi của tế bào có bình thường không, liệu trẻ có bị chết sớm do hỏng hệ thống miễn dịch, có mắc các bệnh như ung thư hay lão hóa không?

Một công bố được đưa ra phải trải qua quá trình kiểm chứng từ nhiều phía. Vì thế, không phải bất cứ nghiên cứu khoa học nào cũng hiển nhiên là chính xác tuyệt đối. Trường hợp “quy chụp” bệnh tự kỷ là kết quả của tiêm vaccine sởi, quai bị, rubella là một ví dụ điển hình. Năm 1998, bác sĩ, nhà nghiên cứu người Anh Andrew Wakefield đã vội vã công bố kết luận này trên tạp chí danh tiếng của Anh Lancet. Dù tổ chức y tế có uy tín bác bỏ kết quả nghiên cứu và bác sĩ Andrew Wakerfield đã bị các cơ quan có thẩm quyền Anh tước giấy phép hành nghề vào năm 2011, nhưng hậu quả của nó vẫn kéo dài tới tận ngày nay.

Nhiều phụ huynh đã sợ hãi và không cho con cái họ đi tiêm phòng vaccine sởi, quai bị, rubella, dẫn đến sự quay trở lại của bệnh sởi ở nhiều nước phương Tây, các quốc gia vốn trước đó hầu như đã diệt trừ được căn bệnh này. Nặng nề nhất là dịch sởi quay trở lại và bùng phát ở Mỹ từ tháng Giêng vừa qua, xuất phát từ nguyên nhân phụ huynh sợ con bị tự kỷ nên không cho tiêm vaccine.

THIÊN ANH 
(Theo NPR, Guardian, AP, wikipedia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI