Nhỏ to tâm sự rồi “sập hầm”
Trên mạng xã hội lớn nhất hiện nay có hằng hà sa số group kín/mở, có khi là fanpage, được gắn những cái tên đầy hấp dẫn đối với chị em, liên quan đến việc giảm cân, làm đẹp. Kỳ thực phần lớn các trang này đều có admin ẩn sau là các cơ sở thẩm mỹ hoặc nhân viên, cộng tác viên của họ tạo lập để quảng bá, bán hàng, bán dịch vụ.
|
Bài viết bị gỡ bỏ của T.Th. trên group - Ảnh do bạn đọc cung cấp |
Nhắc lại câu chuyện buồn của mình, chị N.M.H. (33 tuổi, ngụ tại Q.12, TP.HCM) như còn nguyên sự bức xúc về những lời có cánh trên fanpage của một thẩm mỹ viện có trụ sở tại P.Bến Thành, Q.1, TP.HCM. “Tôi bỏ ra số tiền lớn là vì muốn thử công nghệ cấy tinh chất phân hủy mỡ mà họ quảng cáo rầm rộ chứ không muốn tốn năm sáu chục triệu đồng để họ cho mấy viên thuốc giảm cân. Sức khỏe tôi sau đó bị di chứng nghiêm trọng, người rệu rã và đầy ấm ức khi biết mình bị lừa”, chị nói.
|
Sau khi áp dụng “công nghệ cấy tinh chất phân hủy mỡ” như quảng cáo trên mạng xã hội, béo vẫn hoàn béo - Ảnh: Quốc Ngọc |
Theo chị H., qua quảng cáo của thẩm mỹ viện đó trên Facebook, chị tìm đến mua gói dịch vụ giảm mỡ bụng, đùi và eo bằng công nghệ cấy tinh chất phân hủy mỡ - được quảng cáo là phương pháp độc quyền giúp giảm mỡ siêu tốc: khách hàng chỉ cần làm một lần duy nhất sẽ giảm ngay 15-35cm vùng mỡ và không tích mỡ lại sau nhiều năm.
Toàn bộ “liệu trình” với tổng chi phí gần 140 triệu đồng mà thẩm mỹ viện đưa ra gồm: giảm mỡ bằng “công nghệ cấy tinh chất phân hủy mỡ”, tắm trắng Luxury F1 và đắp mặt Collagen. Chị H. đóng trước gần 53 triệu đồng để tiêm 24 ống “Contri Lipo” các vùng cần giảm mỡ trên cơ thể. Họ tiêm hơn 30 mũi vào khắp vùng bụng, đùi, eo của chị H., sau đó yêu cầu chị đóng thêm 10 triệu đồng nữa để tắm trắng.
Trước khi về, nhân viên đưa cho chị H. 15 bịch thuốc hình con nhộng để uống trong 15 ngày. Hai ngày sau khi uống đúng liều các loại thuốc do thẩm mỹ viện cấp, chị H. mất ngủ hoàn toàn, kèm triệu chứng chán ăn, nôn ói, chân tay bủn rủn.
Trước tình trạng bất thường ảnh hưởng đến sức khỏe, chị H. quay lại thẩm mỹ viện thì chỉ được “khuyên” ngưng thuốc. Thế nhưng, chị tiếp tục bị mất ngủ, không ăn uống được.
Mới đây, chúng tôi tiếp tục nhận được phản ánh tương tự của ít nhất 5 nạn nhân tin theo những “nhỏ to, mách nước” của các đơn vị lừa bịp ẩn dưới các group, fanpage mỹ miều, bắt mắt từ tên gọi đến hình ảnh, video.
“Sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ”
Trào lưu lên mạng tra bệnh, tra thuốc để tự điều trị cũng được các “nhóm kín hở” trên Facebook tranh thủ để bán hàng, tiếp thị, đặc biệt là các loại thực phẩm chức năng, thậm chí có cả thuốc chữa bệnh. Ẩn dưới các group bắt đầu bằng hai chữ “bác sĩ”, bên cạnh những trang chính thức của một số chuyên gia uy tín, còn đó cả mớ bòng bong hàng nhái tư vấn trên trời dưới đất.
Có trang khuyên người ta ăn thứ này tốt nhưng lại mâu thuẫn ngay với những bài khác tại chính trang này, rằng ăn thứ đó sẽ có hại không ngờ. Hoặc tư vấn uống thuốc, điều trị tất tần tật từ một trường hợp bệnh cho hết thảy mọi người.
Các bác sĩ đã từng không ít lần lên tiếng cảnh báo về thói quen lên mạng hỏi “bác sĩ Google” này. Theo TS-BS Bùi Chí Thương - giảng viên bộ môn phụ sản Đại học Y Dược TP.HCM - tình trạng này tồn tại do thiếu thông tin chính thống mà mạng xã hội lại quá thu hút người dùng. Ngoài ra, còn tồn tại tâm lý “thích thể hiện” của những người dùng có chút kiến thức. Tuy nhiên, điều này hết sức nguy hiểm.
“Thông tin trên mạng xã hội không đáng tin cậy vì gần như ai cũng có thể đưa lên. Ngoài ra, không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chuyên môn về kiểu tư vấn của các group, fanpage. Người khoái viết bài thường rảnh rỗi, có thể cóp nhặt mỗi chỗ một chút, không logic và có thể cũng không có chuyên môn.
Nhiều bài cho biết được dẫn nguồn từ báo khoa học này, báo chuyên ngành kia, nhưng kỳ thực chỉ có bác sĩ được đào tạo bài bản mới có thể biết giá trị bài báo đó và thẩm định được nó có đáng tin cậy hay không. Ví dụ trong chuyện dùng thuốc, phải nhớ rằng thuốc đó có giá trị với thiết kế thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên trên một nhóm người, không phải tất cả đều dùng được. Ngoài ra, kiến thức y khoa thay đổi liên tục, bác sĩ phải thường xuyên cập nhật. Do đó, tự uống thuốc, tự điều trị theo hướng dẫn trên mạng là xem thường sức khỏe, tính mạng của mình và người thân” - bác sĩ Thương cho hay.
Khi thực hiện bài điều tra về tài khoản Facebook Trần Văn H. tự xưng “bác sĩ thẩm mỹ” từng học tại Trường đại học Y Dược TP.HCM, bên cạnh sự thật được phanh phui rằng gã thanh niên này là bác sĩ dỏm, chúng tôi còn biết được nhiều chiêu trò của các nhóm, trang về làm đẹp hoặc các trang của các stylist hay K.O.L (người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng mạng - diễn viên, ca sĩ, người mẫu…).
|
Bác sĩ dỏm thường xuyên livestream, tư vấn cho khách hàng trên Facebook |
Chị T.Th. (30 tuổi, ngụ tại Bình Thuận) - một trong những nạn nhân của phòng khám thẩm mỹ do bác sĩ dỏm Trần Văn H. thường livestream quảng bá - cho biết, trước khi phản ánh tới Báo Phụ Nữ TP.HCM, chị đã từng đăng bài vạch mặt cơ sở này trên các group có lượng thành viên khá lớn như “nhỏ to dao kéo”, “to nhỏ ba vòng”… Bài viết trình bày những tắc trách của phòng khám trong quá trình nâng mũi cho chị Th. được đăng lên ngay lập tức thu hút hàng ngàn lượt thích và chia sẻ. Thế nhưng chỉ vài ngày sau, toàn bộ hình ảnh, bài viết của chị Th. đã bị xóa sạch. Chị nhiều lần nhắn tin hỏi admin nhưng không có bất cứ phản hồi nào.
“Một số nạn nhân khác, cũng như nhân viên làm việc tại phòng khám mà tôi quen cho biết, chính người đứng đầu phòng khám đã chủ động liên hệ với chủ group để thương lượng gỡ bài viết của tôi xuống”, chị Th. lắc đầu ngán ngẩm.
Đó là chưa kể có cả trang của stylist, như trang mang tên Đ.P., còn nhận làm “dịch vụ tìm công lý” giúp chị em đăng bài than phiền về phòng khám nào đó trên các nhóm “dao kéo” trên. Người này cũng chủ yếu “kề dao cứa cổ” mấy đơn vị sai phạm kia.
Theo các nạn nhân của phẫu thuật thẩm mỹ, tình trạng phản ánh của họ thông qua bài viết, comment trên các trang có lượt theo dõi và thành viên đông đảo rất thường bị gỡ bỏ không lý do, không lời giải thích.
Chỉ đạo của Chính phủ về việc xử lý nghiêm tình trạng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” đối với các loại “kền kền” trong làng báo chính thống đã phần nào chấn chỉnh nạn “làm luật” này. Thế nhưng, xem ra các quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng vẫn chưa thể chạm đến những group kín/mở, fanpage… cùng chủ trương “kền kền” đang tràn lan trên mạng xã hội như hiện nay.
Thiết nghĩ, nếu tồn tại luật lệ nào đó về “an ninh mạng”, cần chú ý đến biện pháp chế tài hữu hiệu và đủ sức răn đe trước kiểu làm ăn phi đạo đức này của những trang mạng, bất luận là báo điện tử, trang tin hay các trang mạng xã hội.
Quốc Ngọc