Tính sai hàng trăm tỷ đồng ở dự án chống ngập lớn nhất TP.HCM

12/09/2018 - 06:28

PNO - Riêng khâu thẩm định và phê duyệt, đã có sự tính toán sai khối lượng, áp dụng sai đơn giá, làm tăng tổng mức đầu tư dự án lên hơn 402 tỷ đồng.

Nhà đầu tư “tố” tư vấn giám sát

Dự án giải quyết ngập triều cho TP.HCM với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng đã phải dừng hoạt động suốt 4 tháng qua. Thay vì đã hoàn thành công trình vào dịp 30/4/2018 như nhà đầu tư từng cam kết, đến nay, các công trình xây cống ngăn triều thuộc dự án này vẫn án binh bất động. Phía sau sự đình trệ của dự án, các mâu thuẫn, vướng mắc liên quan ngày càng lộ rõ hơn.

Tinh sai hang tram ty dong o du an chong ngap lon nhat TP.HCM
Đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa có thông báo khi nào khởi công trở lại dự án. Trong ảnh: chiều 11/9, công trình kiểm soát triều Tân Thuận (Q.7) vẫn đang trong tình trạng thi công dang dở - Ảnh: Lê Nguyễn

Trong một diễn biến liên quan, ngày 5/9, nhà đầu tư thực hiện dự án là Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 bất ngờ có công văn trình Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM, kiến nghị đánh giá lại năng lực và động cơ của đơn vị tư vấn giám sát hợp đồng (TVGS HĐ) của dự án - Liên danh Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Meinhardt Việt Nam. 

Theo Công ty Trung Nam BT 1547, TVGS HĐ luôn gây khó khăn khiến dự án phải dừng thi công. “TVGS có văn bản đề nghị UBND TP.HCM không xác nhận và thu hồi tiền tạm ứng của chủ đầu tư cho nhà đầu tư, trong khi việc này đã được quy định rõ trong hợp đồng; không xác nhận khối lượng hoàn thành của hạng mục cơ khí cửa van (cống kiểm soát triều), trong khi việc này đã được Bộ Xây dựng hướng dẫn…” - nhà đầu tư liệt kê hoàng loạt vấn đề được cho là TVGS HĐ gây khó dễ cho dự án.

Nhà đầu tư cho rằng, dự án bị tạm dừng thi công 4 tháng qua đã gây thiệt hại hơn 17,6 tỷ đồng (tiền chênh lệch do lãi suất vay đổi khi không được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục rót vốn vay ưu đãi), chưa kể những thiệt hại kéo theo như chi phí đảm bảo an toàn giao thông, chi phí nhân công, máy móc khi dừng thi công. Nhà đầu tư cho rằng, đơn vị TVGS HĐ dự án phải chịu trách nhiệm về số tiền thiệt hại 17,6 tỷ đồng nói trên.

Tư vấn giám sát “phản pháo”

Trước lập luận của nhà đầu tư, TVGS HĐ dự án cũng có công văn gửi UBND TP.HCM, cho rằng những lý do mà nhà đầu tư đưa ra để dừng thi công các công trình kiểm soát triều là không thuyết phục. Theo xác định của TVGS HĐ, đến nay, dự án đã thực hiện được 26 tháng trên tổng thời gian 36 tháng của dự án và tính đến ngày 30/6/2018, bên A (chủ đầu tư, tức UBND TP.HCM) đã ký xác nhận giá trị hoàn thành của dự án, được Ngân hàng BIDV giải ngân cho Công ty Trung Nam BT 1547 hơn 3.491 tỷ đồng. 

Theo TVGS HĐ, nguyên nhân UBND và Sở Tài chính TP.HCM dừng ký phụ lục hợp đồng liên quan đến trình tự thủ tục để giải ngân là do bên B (nhà đầu tư) có nhiều sai sót trong quá trình thực hiện dự án. Dù vậy, từ tháng 7/2018, Sở Tài chính TP.HCM cũng đã ký xác nhận phụ lục hợp đồng. Nhưng đến nay, nhà đầu tư vẫn chưa thi công trở lại. “Điều này cho thấy, việc chậm trễ tiến độ hoàn thành dự án là do nguồn lực tài chính và các sai sót có tính hệ thống trong quá trình thực hiện dự án của bên B” - phía TVGS HĐ dự án lập luận.

Tài liệu do chúng tôi thu thập được cho thấy, những sai sót của Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 được TVGS HĐ đề cập nhiều trong thời gian qua như hồ sơ pháp lý trong quá trình nghiệm thu - tạm ứng tiền không đầy đủ, rõ ràng; thiết kế một số cống ngăn triều thay đổi có nguy cơ ảnh hưởng đến chất lượng; thay đổi thép không gỉ của hệ thống G7 bằng thép của Trung Quốc; chênh lệch với số tiền lớn một số hạng mục công trình khi nghiệm thu so với giá trị trên hợp đồng…

Kiểm toán Nhà nước phát hiện gì?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều vấn đề được TVGS đề cập về dự án chống ngập do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 thực hiện đã được Kiểm toán Nhà nước xác định trong thông báo kết quả kiểm toán dự án, gửi lãnh đạo UBND TP.HCM mới đây. Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước kết luận, hồ sơ nghiệm thu thanh toán khối lượng dự án từ đợt 1 đến đợt 7 cho thấy, có tình trạng khối lượng nghiệm thu vượt so với khối lượng được ghi trong hợp đồng; việc nghiệm thu, thanh toán còn để xảy ra sai sót, xác nhận không đúng khối lượng, áp dụng sai đơn giá… 

Kiểm toán Nhà nước cho biết, tính đến ngày 31/12/2017, giá trị hợp đồng dự án được báo cáo là hơn 4.332 tỷ đồng (làm tròn số), số được kiểm toán là 4.075 tỷ đồng (làm tròn số); tính ra, số tiền chênh lệch hơn 256 tỷ đồng. Sai số này được xác định là do tính sai khối lượng hơn 177 tỷ đồng, sai đơn giá hơn 37 tỷ đồng, sai khác hơn 42 tỷ đồng.

Đối với công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng đầu tư dự án, Kiểm toán Nhà nước phát hiện có sự tính toán sai khối lượng, áp dụng sai đơn giá, làm tăng tổng mức đầu tư dự án lên hơn 402 tỷ đồng. Công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ cũng tính sai khối lượng, áp dụng sai đơn giá, làm tăng giá trị dự toán hơn 198 tỷ đồng… 

Từ những nội dung phát hiện trên, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 phải điều chỉnh sổ kế toán, xử lý tài chính với số tiền hơn 691 tỷ đồng. Trong đó, giảm chi phí đầu tư các gói thầu được kiểm toán với số tiền hơn 151 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng còn lại của các gói thầu hơn 256 tỷ đồng, hoàn tất các thủ tục, xuất hóa đơn giá trị gia tăng đầu ra, kê khai và nộp thuế hơn 282 tỷ đồng.

Về phía chủ đầu tư dự án, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo nhà đầu tư, các sở, ngành liên quan thực hiện các nội dung theo kết luận kiểm toán, đồng thời tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm về các sai sót như chậm xác định các chỉ tiêu kỹ thuật, thẩm định phê duyệt tổng mức đầu tư dự án, công tác xác nhận khối lượng và chất lượng nghiệm thu chưa đầy đủ… 

Làm 350 nhà dân bị hư hỏng

Theo Kiểm toán Nhà nước, công tác quản lý chất lượng công trình thuộc dự án chống ngập cũng có sai sót. Cụ thể, giải pháp thi công chưa phù hợp đã khiến 350 nhà dân ở khu vực thi công cống Phú Định (Q.8) hư hỏng. Đây là một trong hai công trình chưa được lập, thẩm định chỉ tiêu kỹ thuật và quy mô kịp thời vào thời điểm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh bổ sung quy hoạch.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm tổ chức kiểm tra, giám sát đối với dự án. Cụ thể, dự án khởi công từ tháng 6/2016 nhưng đến tháng 1/2017, TP.HCM mới lập tổ công tác liên ngành để kiểm tra, giám sát, xác nhận khối lượng hoàn thành.

Hoàng Nhiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI