Cuộc sống vừa bình thường trở lại, còn rất nhiều ngành nghề khốn đốn, các gia đình giảm thu nhập và ưu tiên nhu cầu thiết yếu, vậy mà Linh ứng dày 700 trang lại được đón mua, vừa phát hành 4.000 cuốn đã chuẩn bị tái bản.
Nhiều người công nhận rằng sách hấp dẫn đến mức đã đọc là khó lòng bỏ xuống, phải đọc một mạch.
|
Bìa cuốn sách Linh ứng |
Đề tài đi tìm mộ liệt sĩ, lâu nay ranh giới hư hư thực thực giữa những tin - không tin, khoa học hay mê tín - vốn rất khó lý giải và rất dễ rơi vào “nhạy cảm”.
Linh ứng là câu chuyện của gia đình vợ chồng nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn và nhà thơ Hà Phương. Anh trai của Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Minh Khôi, là thanh niên Hà Nội nhập ngũ vào chiến trường và hy sinh năm 1970 tại Svay Rieng, Campuchia. Mãi đến năm 2010, mộ phần của anh Khôi mới được vợ chồng em trai tìm thấy tại nghĩa trang Phước Long (Bình Phước).
Nhiều tổ chức của quân đội thực hiện tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ, trở thành một hoạt động đền ơn đáp nghĩa rộng rãi trong xã hội. Nhiều trường hợp tìm hài cốt bằng tâm linh vẫn được lan truyền trong nhân dân. Đến tận hôm nay, cuộc tìm kiếm này vẫn tiếp tục và trên truyền hình vẫn còn mục Đi tìm đồng đội.
Linh ứng kể gì trong 700 trang sách dày khiến người đọc không dứt ra được? Đó là chuyện ly kỳ hấp dẫn của vợ chồng nhà văn khi đi tìm anh trai. Họ tận dụng mọi nguồn tin, mọi mách bảo, giúp đỡ chí tình của bạn bè thành “dây mơ rễ má chằng chịt mọi miền” sẵn sàng đi khắp nơi vào Nam ra Bắc. Họ đã tìm đến các cách dân gian gọi hồn và cũng từng trải qua bị “thầy dỏm” lừa một cách đắng cay tinh vi.
Nhưng rồi may mắn họ được phó giáo sư - tiến sĩ Ngô Tiến Quý - Viện trưởng Viện Khoa học hình sự Bộ Công an. Tiến sĩ Quý mách cho họ gặp nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Lư. Và qua bao nhiêu công phu, hồi hộp, vợ chồng nhà văn đã tìm được phần mô của anh trai mình vào năm 2010. Nguyễn Mạnh Tuấn kể lại câu chuyện tỉ mỉ tới từng chi tiết.
Vì là chuyện “nhạy cảm”, còn nhiều ý kiến khác nhau trong đời sống, ranh giới mong manh giữa mê tín và những kỳ lạ mà khoa học chưa giải thích… nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn trình bày một cách trung thực, với tinh thần trách nhiệm và dường như chính vợ chồng họ cũng có ý thức trải nghiệm của những người tự nhận mình là “siêu vô thần” luôn tỉnh táo và suy ngẫm tự phản biện khi có thể.
Linh ứng còn hiện lên bối cảnh xã hội một thời, hiện lên chân dung lứa thanh niên Hà Nội sống đầy lý tưởng, hiện lên cuộc chiến tranh khốc liệt và hiện lên một Hà Nội hào hoa. Nguyễn Mạnh Tuấn đã kể câu chuyện của tình gia đình Việt Nam, nỗi nhớ thương ruột thịt với người nằm xuống, mất tích không rõ nơi đâu, cùng nhiều vấn đề hậu chiến.
Linh ứng do đó gần như có tới năm câu chuyện. Đọc xong chúng ta thấy thấm thía câu họ viết trên tấm băng-rôn treo buổi ra mắt sách tại nhà riêng: “Có những việc đến với bạn rất tình cờ nhưng đôi lúc mãi tới gần cuối cuộc đời chúng ta mới nhận biết đủ ý nghĩa của nó”.
|
Vợ chồng nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn - nhà thơ Hà Phương |
Anh Nguyễn Mạnh Tuấn và chị Hà Phương sáng lập “Nhà trẻ Hoa Mai” có tiếng. Tác phẩm Buổi sáng trên TPHCM của anh Mạnh Tuấn được đưa vào sách giáo khoa từ nhiều năm trước. Nhưng cộng đồng xã hội biết anh Mạnh Tuấn là nhà văn với gần chục tiểu thuyết gây tranh cãi như Cù lao tràm, Đứng trước biển… cùng nhiều phim truyền hình. Anh còn viết kịch bản phim Hollywood.
Chị Hà Phương vốn là sinh viên Văn Khoa Đại học Tổng hợp Hà Nội rồi đi B vào chiến trường. Chị từng làm Phó Tổng biên tập Báo Phụ Nữ TPHCM, Tổng Biên tập tờ Nghề Báo và là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố. Sức khỏe tuy đã yếu nhưng chị vẫn luôn góp sức chăm sóc chất lượng dạy dỗ trẻ, tập hợp các bản thảo vợ chồng đã viết trong chiến trường…
Trong Linh ứng, cùng chồng rong ruổi 40 năm tìm anh chồng, chị cho thấy hình ảnh một người phụ nữ tận tâm vì gia đình, thương yêu ruột thịt, tận tụy với bên chồng, thông minh sắc sảo “khó bị lừa”. Nhưng khi đã phát hiện bị lừa đau, chị xử lý có tình, nhân văn và thấu hiểu hoàn cảnh con người. Nghiêm khắc, tinh đời, nhưng khi cần chị vị tha, nhân văn với những người lầm lạc, khốn khổ, chứ không triệt hạ. Đọc Linh ứng thấy rõ câu chuyện của đất nước, tình bạn, tình gia đình của người Việt Nam, sự thương yêu vị tha và hiểu biết lịch sử để thương yêu những người ngã xuống ở cả hai chiến tuyến.
Vì vậy tác phẩm sinh động trung thực, hồi hộp hấp dẫn nhưng thấm nặng tình người. Điều đó lý giải vì sao sách lại ăn khách giữa mùa dịch khó khăn với bao điều phải giải quyết.
Nguyễn Thị Ngọc Hải