|
Các tình nguyện viên tôn giáo được tập huấn trước khi nhận nhiệm vụ tại các bệnh viện dã chiến, điều trị COVID-19 |
Lan tỏa tinh thần phụng sự
Thượng tọa Thích Nhật Từ, Ủy viên Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, trụ trì chùa Giác Ngộ, cho biết, ngay khi nhận được lời kêu gọi của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM, hơn 600 tăng ni, Phật tử tại TP đã đăng ký tình nguyện lên tuyến đầu hỗ trợ lực lượng y bác sĩ giữa tâm dịch. “Chúng tôi tạo mẫu đăng ký online và phải khóa sớm vì số lượng đăng ký đã vượt yêu cầu tối đa 400 người các tôn giáo mà BTC yêu cầu. Số còn lại không đăng ký được luôn trong tư thế sẵn sàng cho các đợt hỗ trợ khác”, Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết.
|
Thượng tọa Thích Nhật Từ mong các tình nguyện viên không chỉ hỗ trợ về y tế mà còn giúp xoa dịu, an ủi tinh thần cho các bệnh nhân |
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, việc huy động tình nguyện viên các tôn giáo tham gia phòng, chống dịch là một chủ trương sáng suốt vì tôn giáo có vai trò quan trọng đối với đời sống tinh thần con người. “Nhất là trong đại dịch COVID-19 này, người ta sợ chết, sợ bị lây nhiễm, sợ bị mất việc, sợ những tổn thất bất chợt đến từ dịch bệnh. Có lực lượng tôn giáo tham gia, ngoài việc hỗ trợ các y bác sĩ trong công tác điều trị bệnh, họ còn có thể hỗ trợ tinh thần cho các bệnh nhân trong lúc chữa trị, giúp người bệnh vượt qua nỗi sợ hãi, phục hồi tích cực hơn”, Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ.
|
Sự đoàn kết, chung tay của cộng đồng tôn giáo góp phần rất lớn vào công cuộc phòng, chống dịch của TP |
Đồng ý kiến, linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ (Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục, đại diện Tòa Tổng Giám mục) cho biết Giáo hội luôn ở tâm thế sẵn sàng cho bất cứ việc gì, nhất là việc phụng sự con người. Khi được chính quyền và MTTQ Việt Nam TPHCM mời gọi cộng tác, các tu sĩ nam nữ sẵn sàng lên đường ngay.
“Chương trình này rất tốt và đáng lẽ nên làm sớm hơn. Hầu hết những tu sĩ trong ngành y của chúng tôi trước đó đều đang phục vụ tại các bệnh viện rồi. Giáo hội cũng từng gợi ý là luôn sẵn sàng một lực lượng tình nguyện viên tham gia hỗ trợ bất cứ lúc nào. Các dòng tu đều có người đăng ký tham gia và chúng tôi phải chọn lọc lại vì rất đông, ai cũng mong mỏi được đóng góp một cách hữu hiệu, thiết thực cho công cuộc chống dịch chung này”, linh mục Đào Nguyên Vũ bày tỏ.
|
Các tình nguyện viên tôn giáo nhận Bằng khen của Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM khi hoàn thành 1 tháng phục vụ tình nguyện. Nhiều tình nguyện viên đã đăng ký thêm thời gian phục vụ, tiếp tục hỗ trợ các y bác sĩ ở tuyến đầu |
Theo học và nghiên cứu y học cổ truyền tại Ni viện Phước Long (quận 9), ni sư Thích Nữ Thanh Thuận cho biết, trước tình hình dịch bệnh căng thẳng tại TP thì không ai có thể ngồi yên được, chỉ mong muốn dốc hết khả năng hỗ trợ các y bác sĩ phục vụ, chăm sóc bệnh nhân để họ có thể mau khỏe mạnh trở về với gia đình, người thân, mọi người an lành vượt qua đại dịch.
Hỗ trợ y bác sĩ, an ủi bệnh nhân
Là bệnh viện tuyến cuối, chăm sóc, điều trị các bệnh nhân COVID-19 nặng, Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu điều trị COVID-19 (TP. Thủ Đức) đã 3 lần tiếp nhận lực lượng tình nguyện viên tôn giáo đến hỗ trợ công tác điều trị bệnh nhân.
Với khoảng 200 tình nguyện viên, đây cũng là bệnh viện được bổ sung lực lượng tình nguyện viên tôn giáo đông nhất.
|
Các tình nguyện viên tôn giáo làm mọi công việc theo phân công của bệnh viện: dọn rác, vệ sinh phòng, chăm sóc, cho bệnh nhân ăn - uống thuốc, vệ sinh thân thể, thay tã, cắt tóc cho bệnh nhân... - Ảnh: TGPSG |
“Sự có mặt của các tình nguyện viên tôn giáo là nguồn động viên rất lớn cho chúng tôi. Bên cạnh làm tốt các công việc do bệnh viện điều phối, hỗ trợ tích cực về chuyên môn thì các tình nguyện viên tôn giáo còn mang đến cho bệnh nhân và cả y bác sĩ sự hỗ trợ tinh thần khi lực lượng y tế được tiếp thêm sức lực, không cảm thấy đơn độc trong cuộc chiến với COVID-19 còn bệnh nhân có thêm niềm lạc quan, năng lượng cuộc sống…”, BS.CKII Lê Anh Tuấn, Phó giám đốc Bệnh viện Hồi sức chuyên sâu điều trị COVID-19 chia sẻ.
|
Tình nguyện viên tôn giáo được tiêm ngừa trước khi tham gia làm nhiệm vụ tại các bệnh viện điều trị COVID-19 |
Đại đức Thích Trung Khai (chùa Long Hoa, quận 10) cho biết dù đến từ các hệ thống tôn giáo khác nhau nhưng khi đã có mặt ở đây rồi thì mọi người chỉ có một mục đích duy nhất là phục vụ cộng đồng.
“Tình nguyện viên được phân về tất cả các khoa, giúp tất cả các công việc để hệ thống bệnh viện vận hành tốt nhất, hỗ trợ tối đa cho các điều dưỡng và y bác sĩ. Cùng với đó là giúp chăm sóc bệnh nhân, lo thuốc men, miếng ăn, giấc ngủ. Có những bệnh nhân gặp vấn đề về tâm lý thì mình cũng cho lời khuyên, nói chuyện chia sẻ bớt áp lực cho họ, để họ cảm thấy phấn chấn mà chiến đấu với bệnh tật. Không dám nói tự hào khi chỉ là hạt cát trong biển người chống dịch nhưng chúng tôi hạnh phúc vì được phục vụ, được trao tình yêu thương cho bệnh nhân”, đại đức Thích Trung Khai bày tỏ.
|
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thăm các tình nguyện viên tôn giáo phục vụ tại Bệnh viện dã chiến số 10 |
Mỗi tình nguyện viên cũng đã chuẩn bị tâm lý để đối diện với các F0 và cả việc sẽ bị nhiễm bất cứ lúc nào nên luôn tự dặn mình phải giữ gìn sức khỏe bản thân, chuẩn bị tinh thần thật tốt để đón nhận các sự vụ một cách nhẹ nhàng, để có thể đi đường dài với các bệnh nhân - những người cần mình nhất. Như nữ tu Maria Như Lan (dòng Nữ tỳ Chúa Giêsu Linh mục) vốn còn sợ cả bệnh viện, sợ những âm thanh “sinh tử” phát ra từ các máy móc trợ sự sống nhưng đã vượt qua tất cả trở ngại tâm lý, ngày ngày cần mẫn làm các công việc nhỏ nhặt nhất để chăm lo cho người bệnh.
|
Các tình nguyện viên chuẩn bị sẵn sàng cả sức khỏe lẫn tâm lý để có thể hỗ trợ đến cùng cho các bệnh nhân |
Với nữ tu Nguyễn Thị Hằng (dòng Thừa sai Bác ái Giáo phận Vinh), được tham gia hỗ trợ lực lượng y tế tại tuyến đầu đã giúp bản thân trải nghiệm về cảm nhận - chạm đến nỗi đau của những bệnh nhân cũng như nỗi vất vả, tận tình của các y bác sĩ. Từ đó càng tận tụy hơn trong những công việc phục vụ hàng ngày để góp phần xoa dịu nỗi đau của các bệnh nhân, để hỗ trợ, chia sẻ những khó khăn của lực lượng y bác sĩ.
|
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu trân trọng những đóng góp của tình nguyện viên tôn giáo cho công cuộc phòng, chống dịch của TPHCM |
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu bày tỏ sự trân trọng, cảm động trước tinh thần dâng hiến, phụng sự của các tình nguyện viên tôn giáo: “Các vị đã không có một sự nề hà khó khăn nào, từ việc đi dọn vệ sinh, đi hốt rác, chăm sóc cho các bệnh nhân ăn uống, thuốc men đến vệ sinh thân thể và cả động viên tinh thần, làm giảm sự đau đớn, cô đơn của bệnh nhân khi chống chọi với bệnh tật mà không có người thân bên cạnh. Đặc biệt, các vị đã nỗ lực hết sức để các y bác sĩ, các điều dưỡng có thêm thời gian ngả lưng, có thêm giây phút nghỉ ngơi để có thêm sức lực cho cuộc chiến khó khăn này”.
|
Các nữ tu Công giáo xem đây là cơ hội để được phụng sự cộng đồng một cách thiết thực |
Đối với các tình nguyện viên lúc này, sức khỏe của bệnh nhân và nụ cười của các y bác sĩ là niềm hạnh phúc và càng vui hơn khi chính mình lại nhận được sự động viên từ các bệnh nhân. Như sư cô Nguyên Thành, Phật tử Ngô Sơn Trọng... không thể quên những người bệnh còn phải thở máy nhưng vẫn ân cần thăm hỏi, an ủi, động viên họ “cố lên” để tiếp tục giúp đỡ các y bác sĩ cứu chữa thêm nhiều bệnh nhân nữa, tin tưởng đại dịch sẽ sớm qua, cuộc sống sẽ trở lại tươi đẹp như vốn có…
Tam Bình