Ba tháng dịch bệnh vừa qua là khoảng thời gian mà công tác bạn đọc của Báo Phụ Nữ TPHCM chuyển biến thật lạ lùng. Không thể tiếp bạn đọc trực tiếp nên hai số hotline của báo (0966 18 27 27 và 0913 15 93 15) cũng bận rộn hơn. Có những ngày báo tiếp nhận hàng trăm tin nhắn, cuộc gọi, hình ảnh lẫn các video clip từ bạn đọc báo tin, chia sẻ nỗi lo lắng, bức xúc về tình hình dịch bệnh, tâm sự chuyện gia đình, xin can thiệp với những bất công và khó khăn…
Những nghĩa cử đẹp lan tỏa sau bài báo
|
Nhóm thiện nguyện của nghệ sĩ Quang Thảo cùng tham gia chương trình “Kết nối sẻ chia vì tuyến đầu chống dịch” của Báo Phụ Nữ TPHCM tại Bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 Cù Lao Minh, tỉnh Bến Tre |
Tối 26/7, anh Phạm Văn Quân - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Phước Kỳ Nam, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, một nhà hảo tâm gắn bó gần 20 năm với Báo Phụ Nữ TPHCM - gọi vào đường dây khẩn của báo nói rằng: “Nhìn người dân chống chọi với dịch bệnh, tôi buồn quá!”.
Chẳng là anh mới đọc bài viết "Nơi tình người là chỗ dựa cho tôi" của chị Nguyễn Thị Ngọc Loan - Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TPHCM - kể về việc chăm lo cho các khu cách ly và những người dân gặp khó khăn trong mùa dịch bệnh.
Bài báo có đoạn viết về hai bếp ăn trên địa bàn phường, hình ảnh những người già, người bệnh neo đơn, khó khăn vui mừng khi nhận các suất ăn. Câu chuyện khiến người chủ doanh nghiệp động lòng. Anh nhờ chúng tôi kết nối để hỗ trợ bếp ăn của phường.
Sau đó, ngày 2/8, ngay lúc căng thẳng vì giãn cách xã hội, việc đi lại giữa các tỉnh, thành rất khó khăn, 10 tấn gạo và 300 trứng vịt đã được chuyển đến hỗ trợ hai bếp ăn và người dân bị ảnh hưởng vì dịch bệnh ở phường Tân Chánh Hiệp.
Câu chuyện của anh Phạm Văn Quân chỉ là một trong biết bao nghĩa cử đẹp đang âm thầm lan tỏa sau những bài báo. Đầu tháng 7/2021, anh Vũ Cảnh, một Việt kiều Mỹ, gọi điện cho chúng tôi biết, anh đã gửi tiền về cho người thân mua 200 phần thuốc thông thường gồm thuốc ho, hạ sốt, tiêu chảy và các vitamin C, E, A, D, mỗi phần dành cho năm ngày, với tổng trị giá trên 1.000 USD.
Anh nhờ Báo Phụ Nữ TPHCM kết nối đến khu vực có nhiều người khó khăn ở các quận 12, Gò Vấp, nơi anh sinh ra và lớn lên, để gửi thuốc cho các hộ dân cần nó.
Anh nói: “Ngày nào tôi cũng đọc thông tin trên phunuonline.com.vn về tình hình dịch bệnh, tôi lo lắng và thương bà con quê mình quá. Vợ tôi từng mắc COVID-19 vào năm ngoái và đã vượt qua nhờ trong nhà có đủ các thứ thuốc để tăng sức đề kháng như vitamin C, A, D, thuốc hạ sốt, ho, hỗ trợ tiêu hóa…”.
Những bài viết nêu gương đã giúp kết nối những người tốt - việc tốt với các nhà hảo tâm. Chị Đỗ Thị Kim Phụng - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 17, quận Bình Thạnh, TPHCM - cho biết, những việc làm tốt, được báo giới thiệu, đều được tiếp sức và lan tỏa sau đó.
Gia đình chị Nguyễn Đông Chương, ở quận 7, TPHCM, suốt ba tháng qua đã đồng hành cùng Báo Phụ Nữ TPHCM trong việc chăm lo tuyến đầu chống dịch, cùng các bếp ăn giúp những người dân khó khăn với khoảng trên 100 triệu đồng. Chị Đông Chương nói: “Giữa mùa dịch mà mình vẫn có việc làm, thu nhập, không chia sẻ với mọi người thì lòng dạ cứ bồn chồn”.
Vì cái sự “không yên” trong lòng cùng mong muốn góp gì đó cho công tác chống dịch nên rất nhiều người đã đến với chương trình “Kết nối sẻ chia vì tuyến đầu chống dịch” của Báo Phụ Nữ TPHCM.
Chương trình từ khi có sự phối hợp với nhóm thiện nguyện Miền tỉnh thức, đã được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Đến nay, sau hai tháng phát động, chương trình đã đi qua 128 bệnh viện, trung tâm y tế, khu cách ly, bệnh viện dã chiến, khu thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 với tổng số tiền vận động đã đã gần 11 tỷ đồng.
Dịch bệnh không thể chia cắt tình người!
Trong ba tháng qua, khi mọi sự quan tâm dồn vào cuộc chiến chống dịch, mọi người lo những cuộc đời khốn cùng sẽ bị bỏ quên. Nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại với nỗi lo ấy, khi lòng tốt và sự tử tế vẫn luôn hiện diện trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Ngày 16/7, qua tin nhắn, một bạn đọc báo tin: “Chị Hiền đã mất”.
Chị Hiền được nhắc đến là chị Nguyễn Thị Kim Hiền - một bà mẹ đơn thân ở Đắk Lắk, đã có ba năm chống chọi với căn bệnh ung thư. Những ngày cuối đời, chị day dứt về đứa con thêm một lần mồ côi. Trước đó, nhận lá đơn xin giúp đỡ từ chị Hiền, chúng tôi đã tìm hiểu và lấy nỗi niềm của người mẹ đang tính sự sống từng ngày để viết bài với mong muốn kết nối nhiều bạn đọc, những nhà hảo tâm. Và “bạn đọc” báo tin là người chúng tôi chưa từng gặp mặt…
|
Nhóm thiện nguyện Miền tỉnh thức cùng tham gia chương trình “Kết nối sẻ chia vì tuyến đầu chống dịch” của Báo Phụ Nữ TPHCM |
Ngay khi bài viết về chị Hiền được đăng lên chuyên mục “Đừng quên họ”, “bạn đọc” ấy đã chủ động gọi điện xin số điện thoại của chị Hiền để có những hỗ trợ cho chị kịp thời trước mắt và lâu dài với con trai chị (chuẩn bị vào lớp 12).
Rồi “bạn đọc” ấy đã đề nghị người mẹ nghèo lập cho con mình một tài khoản ngân hàng để thỉnh thoảng chị gửi tiền, hỗ trợ đứa trẻ học hành. Kể từ tháng Sáu đến nay, đã ba lần chị chuyển tiền cho con chị Hiền để “cháu cần gì thì xoay xở cũng như mua sách vở chuẩn bị năm học mới”.
Đã rất nhiều lần chúng tôi muốn biết “bạn đọc” ấy là ai để tri ân, nhưng lần nào chị cũng từ chối vì “việc mình làm chẳng có gì to tát cả”. Theo cách ấy, chị lặng lẽ theo dõi từng số báo, dõi theo từng nhân vật cần được giúp đỡ để gửi chút lòng sẻ chia đến họ. Và mỗi khi chúng tôi gửi thông tin về nhân vật cần giúp đỡ cho chị, chúng tôi yên tâm rằng, người cần sẽ được giúp đỡ, những đứa trẻ sẽ tiếp tục được đến trường.
Đầu tháng Tám, chúng tôi nhận cuộc điện thoại từ bạn đọc nhờ hỗ trợ một gia đình nghèo rơi vào cảnh tang thương. Đó là trường hợp của chị N.T.L., ở phường Phú Mỹ, quận 7, đang ôm con thơ cô độc bên thi thể chồng. Chồng chị, làm nghề lái taxi, ra đi đột ngột sau cơn đột quỵ. Vợ chồng họ đều đang trải qua những tháng ngày dài không thu nhập vì COVID-19. Giữa những ngày thành phố đang thực hiện giãn cách, người thân, đồng nghiệp không ai có thể đến chia sẻ, hỗ trợ mẹ con chị dù chỉ cách nhau một cây cầu. Trước cuộc chia ly đau đớn đó, chị L. không biết bám víu vào đâu.
Nhận thông tin từ bạn đọc, chúng tôi đã kết nối với cô Phạm Ngọc Dung (phường 4, quận 8, TPHCM). Gặp lúc cô Dung cũng đang “đuối” vì đã hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch tại địa phương, nên hứa hỗ trợ 10kg gạo và các loại nhu yếu phẩm. Nhưng chỉ vài phút sau, cô gọi lại cho biết “đã nhờ chị gái chuyển hỗ trợ 5 triệu đồng”. Cô vừa dứt lời thì 5 triệu đồng cũng đến với chúng tôi để nhờ chuyển đến gia đình chị L. giúp chị giải quyết những khó khăn trước mắt.
Những sự hỗ trợ, giúp đỡ vẫn được tiếp nối phía sau mặt báo, thậm chí còn mạnh mẽ hơn, trong những tháng ngày khi dịch bệnh căng thẳng.
Chung sức cho yêu thương lan tỏa
Thưa quý bạn đọc,
Do dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường, nên chương trình “Kết nối sẻ chia vì tuyến đầu chống dịch” của Báo Phụ Nữ TPHCM vẫn đang được tiếp tục.
Bên cạnh đó, báo cũng vẫn tiếp tục quan tâm chăm lo, giúp đỡ đối với những phụ nữ, trẻ em gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật cần giúp đỡ trên chuyên mục “Đừng quên họ”, vận động học bổng “Vì nữ sinh hiếu học vượt khó” năm 2021, trao tặng điện thoại thông minh, laptop và máy tính bảng có kết nối được wifi cho các em học sinh, sinh viên nghèo để các em có thể học online…
Vì vậy hơn lúc nào hết, chúng tôi rất cần sự chung sức, chung lòng từ quý bạn đọc.
Bạn đọc, các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị có thể đóng góp trực tiếp cho các chương trình tại Báo Phụ Nữ TPHCM (số 311 Điện Biên Phủ, phường 4, quận 3, TPHCM) qua đường bưu điện hoặc qua tài khoản từ thiện: Báo Phụ Nữ TPHCM, số 007.100.1049165, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam - chi nhánh TPHCM (tên tiếng Anh: Joint Stock Commercial Bank for Foreign Trade of Vietnam; swiftcode: BFTVVNVX007).
Chúng tôi sẽ chuyển toàn bộ số tiền, trang thiết bị, vật dụng, thực phẩm… quyên góp được đến với những nơi cần nhất.
Trân trọng cảm ơn.
|
Báo Phụ Nữ TPHCM