Trong cộng đồng Dao Tiền ở H.Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, con nuôi nhận được sự đối xử và quyền lợi không khác gì con đẻ. Việc cho và nhận con nuôi của bà con người Dao Tiền luôn đầy ắp tình người.
Cho con để nhà kia có người hương hỏa
Anh Lường Văn Bốn và chị Hà Thị Quế - ở xã Tân Minh, H.Đà Bắc - sinh được ba đứa con trai. Khi thằng út Lường Văn Sình tròn một tuổi, vợ chồng anh Lường Văn Pắm và chị Xa Thị Thanh ở xóm Cò Pầy đến xin được nhận bé làm con nuôi.
Lúc đầu, vợ chồng anh Bốn cũng lưỡng lự, “nhưng thấy nhà nó có đến bốn đứa con gái, sau này ai lo hương hỏa, thế là vợ chồng mình lại thương, cho thằng út sang đấy làm con nuôi”.
Ngày nhận con, vợ chồng anh Pắm, chị Thanh mang theo con gà, đĩa xôi nếp trắng sang xin tổ tiên nhà họ Lường bên này cho thằng Sình được về làm con cháu nhà họ Lường bên kia. Về đến nhà mình, anh Pắm cũng bày đĩa xôi, con gà lên bàn thờ, báo cáo với ông bà, tổ tiên rằng họ Lường bên nhà mình nay có thêm con, thêm cháu.
|
Từ phải qua: Bàn Văn Lý cùng bố đẻ là Bàn Văn Hợp và ông nội là Bàn Văn Phong trong lễ lập tĩnh |
Nghe tôi bày tỏ sự cảm phục về nghĩa cử “biết nghĩ cho nhà khác”, bà Bàn Thị Kim Quy - Phó Chủ tịch UBND H.Đà Bắc, cũng là người Dao Tiền - cười đôn hậu: “Tôi nghĩ đó không hẳn là phong tục đâu, mà đơn giản là việc mà nhiều gia đình thường gặp và mọi người đón nhận điều đó một cách rất bình thường. Trong cộng đồng Dao Tiền của chúng tôi, 100 hộ thì có đến mười mấy hộ cho, nhận con như thế”.
Bà Quy bảo, chính gia đình bà cũng có một cậu em nuôi như thế. Mẹ bà là người Dao ở xã Cao Sơn, mẹ của cậu em út (Bàn Văn Nam) là người Dao xã Hiền Lương. Hai gia đình có mối quan hệ họ hàng, mẹ của em nuôi gọi mẹ bà Quy là dì.
Bà Quy kể: “Bố mẹ đẻ của Nam có gia cảnh khó khăn, lại sinh một lèo cả đàn con trai. Mẹ tôi lại sinh ba chị em gái. Hai gia đình cũng thường đi lại nên biết rõ hoàn cảnh của nhau. Nam đến với gia đình tôi trong bối cảnh đó”.
Khi đến sống với gia đình bà Quy, Nam mới hai tháng tuổi. Bà Quy khi đó chín tuổi, đã biết thức dậy giữa đêm pha sữa chăm em.
Phụ trách lĩnh vực văn hóa, xã hội của huyện, bà Quy cho biết, những ông bố, bà mẹ đồng ý cho con sang làm con nuôi nhà khác không cảm thấy đau buồn vì điều đó.
“Như bố mẹ Nam muốn cho con là để Nam có được một cuộc sống tốt hơn và để nhà tôi có người lo hương hỏa sau này. Nam và ba chị em tôi không có bất kỳ sự khác biệt nào. Hiện cậu ấy đang là chuyên viên Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn H.Đà Bắc” - bà Quy tâm sự.
Ở xã Tân Pheo, câu chuyện của gia đình ông Bàn Văn Sơn - nguyên Chủ tịch UBND xã - cũng là một minh chứng cho nghĩa cử đầy tình người của cộng đồng Dao Tiền nơi đây.
Cha đẻ ông Sơn lạc bố mẹ do chạy giặc, bị một người đàn ông mang lên huyện lỵ Đà Bắc bán cho một gia đình người Dao. Từ 11 tuổi đến khi qua đời, ông cụ mang tên Bàn Văn Phiên và sống giữa cộng đồng người Dao.
Ông Sơn cũng được cả họ Bàn chung tay lo cho học đến hết phổ thông, rồi về Hà Nội học ngành công an. Sau này, việc ông Sơn rời Ty Công an tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) về núi rừng Tân Pheo làm trưởng thôn cũng là cách ông thay mặt cha trả nợ nghĩa tình cho làng bản, cho họ Bàn.
Thương nhau thì cho nhau thôi
Cụ Hà Văn Tăm - ở xã Tân Minh - nói tiếng Kinh ề ề: “Tục này của người Dao Tiền có từ lâu lắm rồi. Thời bố mẹ, ông bà tôi, người ta cũng đã đi xin, nhận con nuôi rồi. Nhà nào không có con thì đi xin con về nuôi, nhà nào có con một bề cũng phải đi xin thêm cho đủ nếp đủ tẻ, thế mới gọi là hòa hợp âm dương trong nhà”.
Với nhãn quan của người phố thị, tôi thắc mắc: “Người cho con cái đi có được nhận lại thứ gì không”? Cụ Tăm xua tay: “Không ai đòi cái gì đâu. Nhà nhận con có gì thì cho thôi chứ không ai đòi hỏi gì, vì cho chứ có bán con đâu. Nhà toàn con gái thì đổi con với nhà toàn con trai. Người có nhiều con thì chia cho người không có. Thương nhau thì cho nhau thôi”.
Bà Bàn Thị Kim Quy cho biết, với người Dao Tiền, sau khi cho con cái, bố mẹ đẻ trở thành láng giềng hoặc bà con trong họ. Ngày giỗ hay ngày tết, bố mẹ nuôi tự dẫn con sang thăm bố mẹ đẻ chứ cũng không ai bắt phải đến cả.
Những người đi làm con nhà khác cũng không đòi về nhà bố mẹ đẻ bao giờ, vì đã làm con nhà khác rồi. Gia đình, cộng đồng cũng không giấu giếm đứa trẻ việc nó là con nuôi, vì dù là con nuôi thì đứa trẻ ấy vẫn được yêu thương như những đứa con ruột thịt.
Cụ Tăm lý giải: “Mình không có con, mình đi xin về nuôi thì phải yêu thương nó chứ. Phải đối với nó thế nào cho nó không bị tủi thân. Mình lôi con đẻ ra đánh, mắng nhưng không làm thế với con nuôi được. Mình yêu nó như con đẻ nên có khi ở cùng một xã mà chả bao giờ nó đòi về nhà bố mẹ đẻ đâu”.
Bản Yên, xã Tân Minh là bản có 100% người Dao. Cả bản chỉ độ năm mươi nóc nhà, nhưng có đến hơn mười người là con nuôi, đủ các lứa tuổi. Những người con nuôi này là người Dao, có khi là người Mường, người Tày, người Kinh. Lớn lên, khi biết gốc gác, họ có tìm về gia đình ruột thịt nhưng chưa một ai bỏ bản Dao mà đi.
Mới đây, nhà ông Bàn Văn Phong làm lễ đặt tên (lễ lập tĩnh) cho cháu nội là Bàn Văn Lý. Lý là con trai của vợ chồng anh Bàn Văn Hợp và chị Đặng Thị Lâm. Bàn Văn Hải là anh trai Bàn Văn Hợp. Vợ chồng anh Hải lấy nhau đã nhiều năm mà không có con.
Thấy vợ chồng anh trai không con cái, anh Hợp bảo: “Nhà tôi có hai đứa, nhà anh lại chưa có đứa nào, thì thôi, tôi cho thằng Lý về làm con nhà anh chị”. Thế là Bàn Văn Lý sang làm con trai nhà anh Hợp từ lúc gần một tuổi. Ở nhà nào thì Lý vẫn là cháu nội ông Phong.
|
Bàn Văn Lý (phải) chuẩn bị trang phục để làm lễ lập tĩnh |
Ông Phong bảo, trong phong tục của người Dao, lễ lập tĩnh là quan trọng nhất đối với cuộc đời mỗi người đàn ông, đánh dấu sự trưởng thành.
Mỗi người đàn ông có một nhà riêng, một bàn thờ riêng; nếu không có lễ lập tĩnh, con trai không đủ tư cách để làm người lớn, không có vị trí nào trong dòng họ và cộng đồng cả. Mỗi lần có nhà làm lễ lập tĩnh cho con, cháu là cả bản cùng đến chung vui, ăn cơm, uống rượu suốt 2-3 ngày liền, vui nhưng cũng tốn kha khá.
Nhà ông Phong đã dành dụm hai năm, sắm được một tạ gạo, 100 lít rượu, 50 con gà và ba con lợn to để tổ chức lễ lập tĩnh cho Bàn Văn Lý.
Cụ Hà Văn Tăm bảo: “Nhà nào cũng thế. Là con nuôi nhưng về đến nhà mình thì nó là con, là cháu của dòng họ mình rồi nên cũng phải làm lễ lập tĩnh như những đứa con, đứa cháu trai khác”.
Bà Bàn Thị Kim Quy cứ tủm tỉm cười: “Trong làng xóm, họ hàng, việc xin con, cho con giống như chia bớt số con mà mình có. Người ngoài nhìn vào thì thấy lạ, chứ cộng đồng Dao Tiền chúng tôi thấy chuyện đó bình thường”.
Ngọc Minh Tâm