Tình người trong họa

25/02/2020 - 05:47

PNO - Đại dịch là điều không ai mong muốn, nhưng khi nó xảy ra, thì chính tình thương yêu, tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau, đã tạo nên sức mạnh.

Chiều đi làm về, thấy mấy túi to cột kỹ, đặt ngay cửa ra vào, chưa kịp hỏi thì mẹ tôi đã chạy ra đon đả: “Cô ba dưới quê gởi theo xe lên cho nhà mình”. Tôi mở ra thì thấy đủ thứ thảo mộc: sả, hương nhu, ngải cứu, gừng, chanh, tiêu, lốt… Mẹ nói cô ba dặn để nấu nước xông, lau nhà thanh trùng, lọc không khí mùa đại dịch. 

Vừa điện thoại cảm ơn cô ba, thì dì út lại ghé nhà, cho nửa lít tinh dầu tràm với nửa lít tinh dầu tỏi. Dì dặn nhớ xịt vô khẩu trang để tăng tính sát khuẩn. Anh xã tôi đi làm về trễ hơn mọi lần, vội lấy trong cốp xe ra khoe: “Anh lùng mua được cho cả nhà mỗi người một chai gel rửa tay khô để mang theo sử dụng khi cần nè”. Lần này thì tôi vỡ òa xúc động.

Trước giờ, việc nhà một tay tôi lo, có bao giờ anh ghé mắt tới đâu, nhiều khi nhờ vả còn bị cằn nhằn nữa. Vậy mà tết vừa xong, anh tự động đi mua một lít cồn 70 độ, mười hộp khẩu trang y tế về để ngay đầu tủ cho cả nhà dùng. May là lúc đó, khẩu trang còn chưa sốt như bây giờ. Đã vậy, anh còn tự giác đi làm về đúng giờ, vừa chơi vừa dạy con cách đeo khẩu trang, cách rửa tay, cách giữ gìn vệ sinh thân thể, giữ khoảng cách cần thiết khi tiếp xúc người ngoài…

Trong lúc tôi và mẹ lo cơm nước thì mấy cha con đã hoàn tất bài học và thực hành cách phòng chống dịch trong tiếng cười vui vẻ. Thật là một không khí gia đình đầm ấm, thay cho những giờ chờ cơm mòn mỏi trước đây, bởi lúc nào anh cũng bận đi giao lưu, tiếp khách, hết bạn bè rồi đến đối tác. 

Bạn tôi nói mọi hoạt động lúc này dường như bị đình trệ, nhưng tôi lại thấy dòng chảy cuộc sống chỉ chậm đi thôi. Nhờ vậy, mà mọi thứ trở nên trầm lắng và cô đọng hơn. Hôm sau đi làm về, thấy mẹ cặm cụi ngồi cắt vải may khẩu trang. 

Rồi hôm sau nữa, anh xã mua chiếc máy khâu mini tặng mẹ. Anh nói: “Mẹ may tay cực quá à. Con tặng mẹ chiếc máy may nhỏ gọn mà đường may đẹp, chắc nữa nè”. Đây có thể nói là món quà khiến mẹ vui nhất trong thời điểm này. Mẹ bảo: “Cảm ơn con. Có cái máy may này thì mẹ may nhiều nhiều gởi cho bà con mình ai cần thì xài. Chứ may tay chỉ đủ cho nhà mình dùng thôi”. Vậy là chỉ hơn tuần sau, khẩu trang bốn lớp của mẹ đã về tận quê nhà cho cô ba, dì út của tôi. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một buổi sáng, vừa mở cửa đi làm, chị Oanh hàng xóm đã ân cần dúi vào tay tôi hũ kẹo vitamin C của gia đình chị ở nước ngoài gửi về: “Cho mấy đứa nhỏ ngậm tăng sức đề kháng nghen”. Vào cơ quan, đã thấy chị tạp vụ nấu trà gừng sả thơm lừng, rót cho mỗi người một ly đậy nắp, để sẵn trên bàn làm việc. Sếp thì lùng mua được khẩu trang y tế và nước rửa tay tiệt trùng, để ngay quầy tiếp tân cho mọi người tự do sử dụng.

Dịch bệnh đến gần, thì tình cảm càng gắn bó, như một sợi dây liên kết mọi người với nhau. Ai cũng lo hoàn thành công việc, giờ giải lao thì trao đổi thông tin, giải tỏa bớt áp lực và lo lắng bằng những câu chuyện hài. Mọi người không ngừng nhắc nhau rửa tay mọi nơi, mọi lúc… 

Ngày nghỉ cuối tuần, anh xã tự dưng dậy sớm, gom hết mùng màn, vỏ gối, chăn, drap đem giặt, rồi mang lên sân thượng phơi. Sau khi ăn sáng, anh rủ các con tổng vệ sinh, nấu nước xông nhà, lau sạch sẽ mọi ngóc ngách, khiến căn nhà thơm lừng hương thảo mộc. Bữa cơm cuối tuần, có lẽ vì thế mà trở nên ngon miệng hơn. 

Thì ra, cuộc sống hối hả với bộn bề công việc đã cuốn mình theo, đến độ quên những gì cần thiết, gần gũi mà vô cùng quan trọng với cuộc sống mỗi người. Đó là sự quan tâm lo lắng, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau, giữa người thân trong gia đình, giữa cá nhân với xã hội, và cả 
cộng đồng. 

Đại dịch là điều không ai mong muốn, nhưng khi nó xảy ra, thì chính tình thương yêu, tương thân tương ái, hỗ trợ lẫn nhau, đã tạo nên sức mạnh tinh thần, góp phần không nhỏ để ta sáng suốt và bình tĩnh lựa chọn cách sống tốt nhất, vượt qua mọi thử thách. Người ta nói, “trong họa có phúc”, là vậy! 

Trúc Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI