Tình người sau lũ dữ: Về vùng rốn lũ Hà Tĩnh và Quảng Bình

19/10/2016 - 12:35

PNO - Ngổn ngang phận người sau lũ với đói, khát, nhà cửa tan hoang, những đứa trẻ mà đường đến trường trở nên xa ngái.

Phóng viên báo Phụ Nữ đã kịp về vùng rốn lũ Hà Tĩnh và Quảng Bình, chuyển quà cứu trợ, sẻ chia tấm lòng với bà con. Ở đó, cần lắm những bàn tay chìa ra để họ đủ sức gượng dậy.

Nước mắt quánh như bùn đất

Đi dọc bờ sông Ngàn Sâu, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, hình ảnh nối dài buốt nhức đập vào mắt chúng tôi là bà con xã Lộc Yên lượm lặt những gì còn sót lại khi cơn lũ dữ đi qua. Tất cả lúa gạo, nồi niêu, xoong chảo trong nhà hay vườn cam, trái bưởi sau nhà đã trôi theo dòng nước.

Chị Nguyễn Thị Huệ ở xóm Hương Giang chỉ vào những hạt thóc đã lên mộng, vừa nói vừa khóc: “Hôm nước lũ đổ về trong nhà chỉ có mình tôi đang chăm bố chồng. Lúc nước lên, tôi phải kêu to cầu cứu xóm làng để đưa bố đi tránh lũ. Chưa khi nào tôi thấy nước lũ lên nhanh như thế”.

Nhà bà Nguyễn Thị Tín ở thôn Hưng Bình, xã Lộc Yên, sót lại cái giường, bàn thờ và vài cái ghế chỏng chơ trên bùn đất. Chị Đặng Thị Sen - Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Yên thở dài: “Nhà bà Tín bị ngập gần tới mái, hư nặng nhất khu vực sông Ngàn Sâu. Hôm nay may mà hai đứa cháu đem cơm qua cho ông bà ăn. Lũ đã cướp hết của bà rồi…”.

Bà Tín dẫn phóng viên đến bên chiếc bếp chỉ có duy nhất nồi nước sôi, giọng như tan ra: “Tôi đã nghèo, còn bị lũ cuốn hết mọi thứ. Chăn màn gác lên rồi mà cũng ướt sũng, không có đắp. Mấy ngày nay xóm làng thương cho ăn cơm nhờ mỗi nhà một bữa. Giờ tôi chẳng còn gì ngoài cái nhà không. Bữa nay được nhận quà, tôi mừng lắm. Cảm ơn báo Phụ Nữ đã tận tình đến hỗ trợ chị em trong hoàn cảnh ngặt nghèo có thêm tiền để mua lương thực, nước sạch để uống”.

Bùn đặc quánh lối đi vào xóm Trung Trượng. Theo lời chị Đặng Thị Sen, nhà chị Phạm Thị Trà “nghèo nhất xã này”. Trước ngày lũ về, ngôi nhà của chị Trà nằm cuối làng có vườn cam là nguồn thu nhập chính để nuôi bốn đứa con ăn học. Chị đang bế cháu nhỏ hai tháng tuổi, vừa cho cháu bé gần hai tuổi ăn cơm.

Lời chị buồn như mưa: “Hôm nước lũ ập vô nhà, chồng qua nhà ông nội phụ dọn nhà. Một mình tui đưa bốn cháu bé lên gác ngồi, ôm con dại, nhìn tài sản trôi theo lũ, ruột gan như đứt ra nhưng chẳng biết làm răng cả. Ở đây cuối xóm, hẻo lánh, đêm về chẳng kêu được ai. Hai ngày ni hết tiền đi chợ, phải ăn mì tôm với rau”.

Tinh nguoi sau lu du: Ve vung ron lu Ha Tinh va Quang Binh
Báo Phụ nữ TP.HCM trao quà hỗ trợ cho bà Hồng.

Đến chiều 18/10, tại huyện Hương Khê vẫn còn xã Phương Mỹ, Hương Giang, Hương Thủy, Hà Linh, Phương Điền với hơn 1.000 hộ bị ngập. Tan nát, điêu đứng, là những gì còn lại sau một đêm kinh hoàng. Chúng tôi theo thuyền qua xã Phúc Đồng, thấy nhiều nhà vẫn đang ngập sâu.

Anh Phạm Giáp, ở xóm 11, cho biết, có lúc nước lên đến trên 1,7m. Sau ba ngày, vẫn đang còn gần 50cm. “Nước lũ ngâm lâu, chúng tôi vô cùng mệt mỏi vì đồ dùng hư hỏng, phải đi ăn nhờ, ngủ nhờ”, giọng anh bất lực. Theo dự đoán của những người kinh nghiệm, nếu trời không tiếp tục mưa thì nhanh lắm cũng phải chừng một tuần nữa nước mới rút hết. Thiếu nước, thiếu gạo đã đành, mọi người còn lo dịch bệnh sau lũ sẽ đến.

Phó chủ tịch UBND huyện Hương Khê, ông Hoàng Công Lý nói: “Chúng tôi tiếp tục tập trung huy động nhân lực, vật lực, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân giúp đỡ các xã trong việc khắc phục hậu quả, đảm bảo an sinh cho người dân. Cảm ơn báo Phụ Nữ và tấm lòng của bà con xa gần, giúp người dân địa phương gượng dậy sau trận kinh hoàng này”.

Đường đến trường trầy trật sau lũ

Cũng trong sáng 18/10, báo Phụ Nữ chuyển các suất quà cho đồng bào bị ảnh hưởng do lũ lụt tại thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Chưa năm nào vùng này bị thiệt hại nhiều như vậy. Riêng ở thị xã có sáu người chết, số người bị thương rất nhiều, mất mát về tài sản vẫn đang được thống kê. Khác với các nơi bị lũ ở vùng cao đã quen chống chọi, nhiều vùng ở Ba Đồn bị động nên thiệt hại càng nhiều hơn.

Ở làng Thổ Ngọa, phường Quảng Thuận (thị xã Ba Đồn), đám tang của anh Nguyễn Văn Hà (43 tuổi) và con gái Nguyễn Thị Kiều Linh (17 tuổi) vừa tiến hành xong. Nhang khói vẫn ngun ngút trong căn nhà chật chội, ngổn ngang những vật dụng ngâm chìm trong nước lũ. Bên di ảnh hai cha con, chị Tuyết - vợ anh và hai đứa trẻ mồ côi cha mắt đỏ hoe.

Trước đó, vào khoảng 21g ngày 14/10, anh Hà và cháu Linh - con gái đầu, khi nước lên đã tranh thủ đi thả lưới bắt cá. Đêm mưa lớn, nước lũ ào ạt đổ về cuốn phăng mọi thứ trên dòng Gianh, nhấn chìm nhiều ngôi nhà ở Thổ Ngọa, nhấn chìm cả Ba Đồn.

Từ lúc nước lên, chị Tuyết cuống cuồng mất hồn, hai đứa con sau khóc ré kêu ba, kêu chị. Cả làng xã đổ xô đi tìm người. Đau đớn thay, sau ba ngày lũ, sáng 16/10, con nước xuống, thi thể hai cha con nổi lên trên cánh đồng làng. Mọi thứ với chị Tuyết như trời sụp. Từ nay mẹ góa con côi. Từ nay chị mất đi mãi mãi người bạn đời. Đứa con gái lớn chăm chỉ mãi mãi xa mẹ. Hai đứa con sau rầu rĩ vắng bóng cha.

Hàng xóm láng giềng nhìn cảnh chị không giấu nổi nước mắt. Họ kể, gia đình chị thuộc diện nghèo. Hàng ngày anh Hà đi làm thêm ngày kiếm vài chục ngàn đồng, lúc rảnh rỗi cháu Linh cùng cha đi thả lưới bắt thêm con cá, kiếm mớ củi về bán nuôi năm miệng ăn, chắt chiu thêm vài đồng đóng tiền học.

Cháu Nguyễn Thị Kiều Hoa (SN 2005, học sinh lớp 6 trường THCS Quảng Thuận) là con gái thứ và cháu Nguyễn Anh Tuấn (tám tuổi, học sinh lớp 2 trường Tiểu học Quảng Thuận) con út của chị Tuyết, mất cha, mất chị, bỏ trường ở nhà chịu tang.

Sau mấy ngày lũ, bạn bè trở lại trường í ới tiếng cười, hai cháu khóc không còn nước mắt. Nhìn con, chị Tuyết lại nức nở: “Không biết rồi sao nữa, chồng con mất, ba mẹ con rồi không biết sống sao đây. Nếu không gắng được chắc phải cho Hoa nó nghỉ học thôi”.

Ở giữa cồn sông Gianh, bà Nguyễn Thị Thế (55 tuổi, thôn Minh Tiến, xã Quảng Minh, Ba Đồn) đang nằm thoi thóp. Chồng bà và đứa con gái út lặng lẽ ra vào, mặt buồn hơn trời lũ. Bà Thế bị bệnh ung thư tuyến giáp giai đoạn cuối. Nhà có bốn đứa con thì hai đứa phải đi làm thuê ở xa. Ngày lũ, nước lên nhanh, cả nhà cuống quýt dìu bà lên gác. Bao nhiêu tài sản mất trắng. Bà đã bệnh tật, bao nhiêu tiền bạc tan tành theo thuốc thang, nay lũ về cuốn đi hết. Nghe chồng con kể bà ho rũ rượi nằm dài trên nền nhà ẩm nước bùn, đau trở lại. Không khóc được ra tiếng nữa mà nước mắt cứ chảy dài.

Ở bên xóm 3 thôn Bắc (xã Quảng Minh), nước vẫn xấp mạn đường đất. Bà Hoàng Thị Hảo (51 tuổi) chân vẫn còn run lập cập sau mấy ngày trên gác tra tránh nạn. Nhà có bốn đứa con thì ba đứa làm thuê trong Nam. Chồng bà đi làm thuê phát rẫy ở miền Tây Quảng Trị. Chỉ có bà và đứa con gái út Hoàng Thị Thương ở nhà.

Thôn làng ở cồn trên sông Gianh, nước về con gái chỉ biết dìu mẹ trèo thang lên gác tra. Tài sản gom góp được là hơn một tấn gạo, vài chục con gà bị lũ cuốn phăng hết. Bà bị bệnh thoái hóa khớp, cột sống lưng, bao nhiêu tiền chồng và con đi làm thuê gom góp đưa ra Hà Nội chữa trị hết. Vậy mà lũ về cuốn phăng tất cả những thứ dành dụm được.

Bà mếu máo: “Con gái tui đó, nó mới học xong lớp 12 phải nghỉ học nuôi mẹ, nó muốn học lắm, giờ biết làm sao”. Cô bé, nhìn chúng tôi với ánh mắt buồn rầu lẫn khát khao trong câu nói của mẹ.

Thuận Hóa - Thanh Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI