Tình người phương Nam

16/08/2017 - 11:15

PNO - Đến vùng núi Tây Bắc của Tổ quốc vào những ngày này, có cảm giác gần như… không thể bước! Mỗi dấu chân, mỗi bước đi như sợ chạm vào đất, vào đá, bởi trong ấy, vẫn đang còn những thi thể đồng bào mình chưa tìm thấy.

Đến vùng núi Tây Bắc của Tổ quốc vào những ngày này, có cảm giác gần như… không thể bước! Mỗi dấu chân, mỗi bước đi như sợ chạm vào đất, vào đá, bởi trong ấy, vẫn đang còn những thi thể đồng bào mình chưa tìm thấy.

Chúng tôi đứng ngay giữa bãi đá hoang tàn xã Kim Nọi, cố mường tượng đây là nền của ngôi trường ngày hôm trước. Lũ về, quét sạch bàn ghế, lớp học, cũng có nghĩa là cuốn theo bài tập, con chữ và ước mơ tìm kiếm tri thức, đổi thay những nhọc nhằn, khốn khó của người dân bản Mua, Mù Căng Chải (Yên Bái). 

Tinh nguoi phuong Nam
Tang thương vẫn đậm đặc đất trời núi rừng Tây Bắc

Qua Sơn La, đường vào Mường La, vừa qua khỏi cầu Nậm Păm, tất cả chỉ còn một màu tang thương. Sự thảng thốt giấu vào trong im lặng để bước, để nắm lấy những bàn tay quắt queo, những gương mặt thất thần. Những bản làng mới đây còn tươi đẹp nay biến mất.

Chúng tôi đi qua Nặm Păm, Chiềng Muôn, Chiềng San, Chiềng Hoa và thị trấn Ít Ong, chỉ là một màu… đá! Đá là linh hồn của núi rừng Tây Bắc, bà con mình nương vào đá mà hái lượm, săn bắt; mà sinh tồn, gìn giữ. Nay, trong cơn cuồng nộ của thiên tai, có cả bàn tay chặt phá của con người, rừng thưa, không đủ sức cản bớt dòng chảy của lũ quét, khiến thảm họa đổ về trong đêm, san bằng sự sống ngay dưới chân núi. 

Có lẽ thế, nên trong dòng người đang đổ về Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, chúng tôi cứ lặng lẽ đi và trao; rồi nhận lấy những giọt nước mắt thay cho lời cảm ơn của một ông bố trẻ, cùng lúc mất vợ và con. Anh không khóc, chỉ lan man nói, không ai hiểu, nhưng cảm rất rõ về sự mất mát kinh hoàng nơi người đàn ông bất hạnh ấy. Hay một người mẹ trẻ đã hóa đá, cô cứ nhìn vào khoảng trống trước mặt, như cố tìm trong ấy hình hài những đứa con, khi lũ về, chúng nó đang còn mãi chăn trâu ở đồng cỏ trên núi. 

Sự lặng im như nối dài, để từng dòng người ở các ban ngành Trung ương xuống đến địa phương đang dồn hết tình cảm và sự hỗ trợ kịp thời, thông qua các hoạt động quyên góp ngày lương, kêu gọi xã hội chung tay đóng góp để đưa tiền và hàng hóa về với đồng bào vùng Tây Bắc.

Sáng thứ Hai, ngày 14/8, ngay sau lễ chào cờ, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Phó bí thư Thường trực Tất Thành Cang, Trưởng ban Dân vận Nguyễn Thị Lệ và đông đảo cán bộ, đoàn viên công đoàn khối các cơ quan Đảng đã đóng góp, ủng hộ đồng bào vùng lũ phía Bắc. Thành ủy TP HCM cũng vừa có quyết định trao thêm 2 tỷ đồng cho tỉnh Sơn La (trước đó, thành phố đã trao 1,2 tỷ đồng cho mỗi tỉnh Sơn La, Điện Biên, Yên Bái) bởi những thiệt hại nặng nề và sẽ còn phải khắc phục căn cơ, lâu dài.

Những cuộc vận động, thậm chí là cưỡng chế đồng bào phải rời bỏ những vùng đang nguy cơ sạt lở cao, đưa bà con về nơi cư trú an toàn; chăm lo, hỗ trợ và tìm hướng sinh kế để bà con an tâm, ổn định cuộc sống… Đó không còn là công việc hay trách nhiệm của riêng Đảng bộ, chính quyền các tỉnh bạn mà gắn với tình cảm, sự chia sẻ và cộng đồng trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.HCM. Như một lẽ sống, một nhân cách hành xử, một văn hóa đậm nghĩa tình của đất và người phương Nam. 

Hôm chia tay, chúng tôi đứng từ đỉnh đèo Lũng Lô, ngước nhìn về dốc Pha Đin, chợt nghĩ một thời “chị gánh anh thồ, anh hò chị hát”, dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh… (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu). Mà tin rằng, trời này (trong tiếng Thái, phạ - Pha - có nghĩa là trời, Đin là đất), đất này sẽ mãi thuộc về những đứa con của núi rừng, của cao nguyên đá, sẽ cưu mang và bảo bọc họ đi qua những tai ương, không chỉ bằng dọc dài vùng biên địa mà cả dải đất hình chữ S, giờ này, lúc này, ngay tại đây - nhân dân Thành phố mang tên Bác - đồng lòng hướng về nơi địa đầu của Tổ quốc. 

Tô Thị Bích Châu 
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.Hồ Chí Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI