Hẻm 96 Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) được người ta gọi là hẻm “ông Tiên”, bởi tất thảy những ai đói khát, bệnh tật hay chẳng may “ra đi” cũng đều được giúp đỡ miễn phí.
|
Tủ thuốc miễn phí gắn ngay đầu hẻm |
Giúp người nghèo vì mình... nghèo
Theo lời kể của người dân, ngày trước có một ông thầy thuốc mở tiệm Đông y tên là ông Tiên.
Thuở ấy, dân tứ xứ đổ về lập nghiệp. Họ cùng nhau dựng lên khu nhà sàn ven sông Sài Gòn (nay là đoạn Trường Sa, Q.Phú Nhuận, TP.HCM). Vì điều kiện sống ngặt nghèo nên nhiều người mắc bệnh triền miên nhưng không tiền chạy chữa.
Thấy thương, ông Tiên mới đi bấm bệnh cho dân. Gọi là bán, chứ ai thiếu thì ông cho nợ, ai nghèo thì cho luôn. Người ta mang ơn, gọi là hẻm ông Tiên - vừa là tên thật, vừa để ví von công đức của vị thầy thuốc.
Trong cái nắng gắt giữa trưa hè, từ đầu hẻm, tấm bảng vàng chóe có dòng chữ xinh xinh “nước uống miễn phí”, cạnh đó là khá nhiều người lao động xếp hàng chờ “thưởng thức” ca nước trà đá mát lạnh. Mấy anh xe ôm còn lấy đầy bình, vặn nắp cẩn thận chuẩn bị cho chuyến chở khách xa.
Hai bên hẻm là tấm bảng lớn treo song song hai bờ tường, ghi “Cơ sở mai táng Vạn Phúc, trợ táng, tặng áo quan miễn phí cho gia đình khó khăn”. Bên cạnh, tủ thuốc miễn phí, vài tờ rơi nhận mổ mắt từ thiện cho người nghèo…
Kề bên, một người đàn ông dáng người nhỏ thó, nước da đen sạm nhưng ánh nhìn rất nhanh nhẹn đang loay hoay sửa chiếc xe lắc tay cho chị bán vé số bị khuyết tật. Thay chiếc lốp đã cũ sờn, chiếc xe lại bon bon trên đường, còn người sửa xe nhất quyết không lấy tiền công.
Ông là Đỗ Văn Út (57 tuổi) - chủ nhân của những tấm biển trên. Cười hiền lành, ông bảo: “Do tôi nghèo nên tôi muốn giúp những người nghèo. Tôi cũng từng có thời gian nghèo khó sau một tai nạn, bán hết nhà cửa để chạy chữa và mưu sinh. Một thời gian trước, tôi nằm cả năm trời ở vỉa hè cạnh cái máy bơm xe này. Vì vậy, tôi hiểu được những nhọc nhằn của người nghèo. Mà chuyện nhỏ xíu, không có gì đáng nói đâu”.
“Chuyện nhỏ xíu” của ông là mỗi ngày bỏ ra hơn trăm ngàn đồng để mua trà, đá, nước rồi đun đun, nấu nấu… châm vào bình cho ai khát thì uống.
|
Những bình nước, bình trà ông Út chuẩn bị sẵn để châm cho người đi đường đỡ khát |
Ông kể chi tiết, ngày nắng dữ thì 33.000 đồng nước đá, còn bình thường chừng 18.000 đồng; 15.000 đồng lá trà, 30.000 đồng nước 4-5 bình nước lọc loại 20 lít. Châm suốt ngày đêm, không bao giờ để ai đến mà không được uống.
Mỗi ly nước chỉ vỏn vẹn 2.000-3.000 đồng nhưng với những người lao động nghèo khổ, đó là số tiền không hề nhỏ.
Vì thế, không ít người dù khát cháy họng vẫn phải gắng nhịn để chắt chiu từng đồng tiền lẻ đem về cho gia đình. Và bình nước miễn phí đã giúp biết bao người vượt qua cơn khát để tiếp tục cuộc mưu sinh.
Chỉ vào bộ đồ nghề bơm vá xe, ông Út bảo: “Nghề chính của tôi đó!”. Hồi trước ông ở trong con hẻm này, sau đó bán nhà chuyển qua quận khác sống. Con đường này hằng ngày đều có rất đông người lao động, người khuyết tật có nhu cầu bơm vá xe.
“Vé số bán 10 tờ mới lời được 10.000 đồng. Vá cái xe coi như ngày đó đói. Thế là tôi luôn làm miễn phí và dặn họ có hư hỏng gì thì trở lại. Có nhiều chiếc xe lốp mòn đến bén ngót, tôi chạy đi mua cái mới thay luôn và đều không lấy tiền. Có người tưởng mình đùa, nhưng khi biết đúng là thật, họ mừng lắm. Người ta mừng một thì mình mừng tới mười” - người đàn ông vui vẻ kể.
|
Ông Út vá xe miễn phí cho người nghèo, người khuyết tật |
Những người hào hiệp
Kể về sự ra đời của tủ thuốc miễn phí, ông Út cho hay, con hẻm nằm đối diện chợ Phú Nhuận nên có rất đông phương tiện giao thông qua lại.
Vì thế, nhiều trường hợp bị tai nạn, người thì trầy tay, xước chân, xây xát mặt mũi, người bị xỉu ngay tại chỗ… Thế là người dân trong hẻm chung tay gầy dựng tủ thuốc. Người góp tiền, người góp vỉ thuốc, chai dầu gió, cuộn băng keo y tế...
Tuy đơn sơ, giản dị nhưng nhờ chiếc tủ thuốc này mà có biết bao người đi đường được cấp cứu kịp thời.
Sợ tụi con nít phá, nên ông Út dán tấm giấy nhắc nhở ngồ ngộ “Xin đừng phá em”. Sợ là sợ vậy thôi, chứ lâu nay chẳng ai phá, ai chôm, ngược lại, mỗi người đi ngang còn góp thêm một ít.
Một số nhà hảo tâm tài trợ thường xuyên để ông Út có tiền mua thêm nhiều loại thuốc nên tủ thuốc lưu động này được “mở thêm chi nhánh”.
Bà Hạnh (52 tuổi, ngụ trong con hẻm 96) bộc bạch: “Từ ngày có cái tủ thuốc nhỏ xíu chễm chệ trên tường ngay đầu hẻm, chúng tôi cũng thấy vui vui, vì biết có công sức của bà con nơi đây, trong đó có mình cùng nhau giúp người”.
Nhiều lần ra đường, ông Út đã chứng kiến biết bao cái chết thương tâm. Những người vô gia cư hay nghèo khó đến nỗi không thể mua một cái hòm cho người chết. Vì chưa có điều kiện, ông đến từng trại hòm xin quan tài.
Lúc đầu trại hòm còn giữ giấy tờ làm chứng, sau thấy việc làm thiện nguyện của người đàn ông nghèo mà giàu lòng nhân ái, nhiều cơ sở đồng ý giúp bất cứ lúc nào. Có tháng, ông phải xin tới 3-4 cỗ quan.
Ông bảo: “Ai cần thì mình giúp. Có khi nửa đêm nhận được điện thoại xin quan tài tôi cũng tới ngay. Nếu họ không có gia đình, người thân thì tôi lo luôn phần hỏa táng”.
|
Bảng dịch vụ mai táng miễn phí gắn ngay đầu hẻm |
Chưa hết, trong hẻm 96 còn có hẳn một đội xe ôm tình nguyện chở miễn phí cho người già, người khuyết tật cần di chuyển trong nội thành bất kể mưa nắng. Với họ, công việc đó là niềm vui, là trách nhiệm.
Ở đây còn có một nhóm từ thiện không tên, cứ hai ngày thứ Năm đầu và giữa tháng lại tặng cơm chay cho người khó khăn, đôi khi còn có cả quần áo cũ, mì tôm, bịch gạo… Những việc làm từ thiện đó cũng không còn xa lạ gì ở con hẻm này.
Thu nhập từ nghề sửa xe chưa tới 200.000 đồng/ngày, ông Út không thể duy trì công việc từ thiện xã hội nếu không có các Mạnh Thường Quân, những người nghĩa hiệp thực sự mà có khi ông chỉ gặp vài lần. Thế nhưng chỉ cần ông ngỏ lời, họ đều đứng sau hỗ trợ để ông theo đuổi tới cùng cái “nghĩa tận” cho người hoạn nạn.
Hải Trung Kim
Ảnh: Minh Thanh