Tình người ở chợ

13/05/2021 - 19:00

PNO - Tuổi thơ tôi đã lớn lên, đã trưởng thành từ những ngôi chợ thân thương, từ bó rau, mớ cá. Các dì, các mợ đã nâng đỡ tôi vượt qua khó khăn để đứng lên và sống lương thiện.

Ba mất vì tai nạn khi tôi còn trong bụng mẹ. Mẹ bệnh tật, chân yếu, chỉ quanh quẩn trong nhà với nghề thợ may, nên tôi biết phụ mẹ nhiều việc từ rất sớm. 

Hơn năm tuổi tôi đã biết đi chợ mua rau, mua cá, gạo, kim chỉ. Sáu tuổi, tôi theo chân các dì, các mợ ra chợ ấp cách nhà chừng một cây số, vừa đi vừa hái hoa bắt bướm. Gặp cây lá gì lạ lạ bên đường, tôi thường dừng lại xin để lát nữa về chơi nhà chòi. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một bữa, mẹ đưa tiền mua cá và bầu về nấu canh. Chợ hết cá, chỉ còn bầu. Có bao nhiêu tiền trong túi tôi lấy mua bầu hết. Ba trái to và mấy khúc bầu lẻ, tôi xách không nổi, mấy dì mấy mợ phải mang về dùm.

Khi nghe tôi giải thích, ai nấy cười ngất. Không ít lần tôi mua phải cá ươn, rau héo, ngoại phải dẫn ra chợ chỉ cho tôi biết con cá nào tươi, cây rau nào còn xanh. Có dì kia tốt bụng, vừa bán vừa cho thêm mớ rau con cá vì “thấy con nít đi chợ, thương quá”.

Năm tôi học lớp Ba, mẹ chuyển nhà ra thị xã Long Xuyên (tỉnh An Giang), thế là tôi được ở gần một ngôi chợ khác.

Từ nhà đi vài chục bước chân qua một con đò nhỏ là tới chợ Cầu Quay (xã Bình Đức). Tuổi thơ tôi gắn bó lâu dài với ngôi chợ vùng ven này.

Có đợt mẹ tôi bệnh nặng, bà phải nằm điều trị gần sáu tháng mới xuất viện. Tiền không còn, gạo cũng hết, trong tủ chỉ có mớ quần áo trẻ em mà mẹ tranh thủ dạy mấy chị học nghề cắt may. 

Không biết làm sao, tôi đánh liều đem số quần áo đó xuống chợ lớn bán. Đó là khu chợ lộ thiên ở trung tâm thị xã và người ta hay gọi là chợ Rạp Xiếc, mua bán đủ loại hàng hóa.

Không còn tiền đi xe, sáng sớm tôi cắp giỏ đồ nặng lội bộ hơn hai cây số mới tới chợ. Thấy trẻ con, ai cũng trả giá rẻ, và còn dằn mặt: “Đồ ăn cắp ở đâu, đem bán hả?”. 

Tôi nói: “Con không ăn cắp. Dì không tin con cho địa chỉ nhà con dì lên hỏi mẹ con đi!”. Dù mệt và đói, tôi vẫn không nản. Cố xách giỏ đi hết các gian hàng xem ai trả giá được hơn thì bán, cuối cùng cũng có người mua. 

Lượt về, tôi ghé chợ phường Mỹ Bình mua một ký gạo, một bó rau muống, một con cá, hai bó củi chẻ. Sợ hết tiền, tôi không dám đi xe, cố bước nhanh vì mẹ từ sáng tới giờ không có gì ăn, chắc đói lắm.

Từ xa, tôi đã thấy mẹ đứng ngóng ở cửa. Thấy tôi mệt xanh cả mặt, mẹ chỉ biết ôm tôi mà khóc. Thế đó, tôi đã biết đến buôn bán khi vừa tám tuổi, và dần dà làm quen với nghề bán quần áo trẻ em.

Từ đó, khi ngược chợ Cầu Quay khi xuôi chợ Rạp Xiếc, tôi lăn lóc vui buồn cùng chợ. Thấy con nít mà siêng năng chịu khó lại thật thà, ai cũng thương. Có người còn tìm đến nhà thăm và đặt mẹ may đồ, học nghề. Nhờ vậy đời sống hai mẹ con dần khá hơn, tôi được học hành tới nơi tới chốn.

Bây giờ chuỗi siêu thị mở ra cùng với nhiều dịch vụ tiện ích nhưng tôi vẫn thích đi chợ truyền thống. Đến chợ, tôi được nhìn lao xao người buôn kẻ bán, nghe tiếng trả giá, tiếng nói thách, nhìn những món hàng cây nhà lá vườn để nhớ về những ngôi chợ trong ký ức.

Tuổi thơ tôi đã lớn lên, đã trưởng thành từ những ngôi chợ thân thương, từ bó rau, mớ cá. Các dì, các mợ đã nâng đỡ tôi vượt qua khó khăn để đứng lên và sống lương thiện. Nhớ lắm, làm sao quên. 

Mai An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI