Họ là những người lao động nghèo tứ xứ tụ về TPHCM mưu sinh. Một căn nhà trọ, chăn êm nệm ấm là điều khá xa xỉ với những con người rày đây mai đó trong thời dịch bệnh này. Chỉ cần có chỗ ngả lưng an toàn khi màn đêm buông xuống, nơi đó chính là nhà.
Nơi ngủ qua đêm siêu rẻ
“Võng không anh ơi, giá chỉ 15.000 đồng thôi” - anh nhân viên mau mắn chào mời khi thấy xe máy rề sát vào quán. Đây là một trong rất nhiều quán cà phê võng dọc theo Quốc lộ 1A, đoạn thuộc Q.Bình Tân (TP.HCM).
Bên trong, chừng 30 chiếc võng giăng dọc hai bên lối đi. Trên vách quán, mấy chiếc quạt nặng nề xua bớt muỗi và không khí ngột ngạt những ngày hè. 23g, đa số võng trong quán đều đã có người nằm. Mọi người cuộn mình chìm vào giấc ngủ sau một ngày mệt mỏi.
Lật lên lật xuống mấy lần chiếc võng xanh thẫm ở hàng cột phía ngoài, bà Nguyễn Thị Bông (quê Hà Tĩnh) bán vé số mừng rơn khi chọn được chiếc võng khô ráo, quạt máy có thể lia qua chỗ mình. “Bữa nay lựa được chỗ này mừng quá, có cái quạt cho đỡ muỗi”. Nói rồi bà rút 15.000 đồng đưa cho chủ quán, quay về dỗ giấc ngủ sau ngày dài mệt mỏi.
Lắc lư trên chiếc võng cót két, người phụ nữ gần đi hết đời người trải lòng: “Tôi còn nhớ đêm đầu thuê võng ngủ, không tài nào chợp mắt được vì nó cứ đung đưa, muỗi cắn, lạ chỗ, lại sợ bị mất cái túi vé số là coi như trắng tay. Dần dần rồi quen thôi, giờ đặt mình xuống là ngủ liền”.
|
Những người lao động say giấc nồng trên chiếc võng thuê với giá 15.000 đồng/đêm |
Chợ đầu mối Thủ Đức cũng có nhiều quán võng đêm cho người lao động ngả lưng. Anh Lý, chủ một quán cà phê võng, cho biết: “Lúc trước, cánh thuê võng ngủ đêm đa số là người lao động làm việc ở chợ đầu mối. Chờ buổi chợ sớm, họ thường ra đây thuê võng ngủ cho tiện. Còn sau mùa dịch, khách đa dạng lắm, xe ôm, vé số, người khuân vác… Ngoài ra còn có cánh tài xế xe tải chợp mắt vài giờ trong khi chờ hàng hay khách vãng lai lỡ đường cũng vào quán thuê võng ngủ qua đêm…”.
Phía sau các quán võng còn có khu vực vệ sinh, nơi tắm giặt, phơi đồ… Vắt kiệt nước bộ quần áo vừa giặt, ông Trần Văn Bảy (quê Nghệ An), hành nghề chạy xe ôm, bộc bạch: “Tôi thuê võng ngủ hằng đêm gần một tháng nay. Chỗ này còn cho tắm giặt miễn phí nên đỡ được ít tiền. Lang bạt ở Sài Gòn hơn chục năm nhưng đồ đạc không có gì ngoài chiếc ba-lô với vài bộ đồ cũ, ít đồ dùng cá nhân. Với tôi, có nơi ngả lưng mỗi đêm thì chỗ đó là nhà”.
Theo lời ông Bảy, có tiền thì thuê nhà trọ ngủ cho thẳng lưng chứ thuê võng làm gì. Chạy xe ôm dạo này rất vắng khách, lại phải cạnh tranh với cánh tài xế công nghệ nên cả ngày có khi chỉ chạy được 1-2 cuốc. Tiền thuê võng với mua chai nước suối là sạch túi. “Tài sản” người đàn ông này luôn giữ khư khư bên mình là chiếc điện thoại di động “thời kỳ đồ đá”. Bao nhiêu mối làm ăn nằm hết trong này. Nó là phương tiện “hành nghề” quan trọng chẳng kém gì chiếc xe cà tàng của ông.
Những phận đời ngủ võng
Hoàn cảnh khó khăn, không đủ khả năng thuê nhà trọ, gia đình chị Loan (quê An Giang) thuê võng ngủ đêm đã mấy năm nay. Để mẹt trái cây xuống nền nhà, chị Loan đưa đứa con trai 8 tuổi ngủ ngật ngưỡng lên võng, rồi soạn lại mớ hàng cho buổi sớm mai.
“Thuê nhà phải đóng tiền cả tháng, lại phải đặt cọc. Còn thuê võng thì ngày nào trả ngày đó, hôm nào “cháy túi”, chủ quán cho ký sổ. Mỗi ngày, tôi ra chợ Bình Điền (Q.8, TP.HCM) mua cóc, xoài, đậu phộng, bánh tráng… rồi tối tối đến mấy quán nhậu ở khu Tân Tạo (Q.Bình Tân, TP.HCM) bán kiếm chút tiền lời. Chồng phụ hồ bữa có bữa không. Hôm nào cả nhà kiếm được trăm ngàn đồng là mừng lắm, vừa có tiền thuê chỗ ngủ, vừa không lo đói” - chị Loan trần tình.
Người phụ nữ ngoài 40 này rớm nước mắt, nghèn nghẹn: “Con tôi 8 tuổi vẫn chưa được đi học. Tôi đi bán hàng rong ở quán nhậu cũng dắt con theo, vì không biết gửi ai. Hôm nào về quán võng, có tiền thì thuê hai chiếc, không có tiền thì thuê một chiếc, con nằm mẹ ngồi đến hết đêm”.
|
Mẹ con chị Loan bên chỗ trú đêm |
Anh Đỗ An (quê Bình Định) bán trái cây dạo cũng dạt ra quán võng vì cuộc sống khó khăn. “Trước tôi lấy vỉa hè làm nhà, bạ đâu ngủ đó, có khi tìm gầm cầu, hầm chui… Từ khi biết được mấy quán võng, mình tấp vào mỗi khi mệt. Tính ra, mỗi ngày tốn 15.000 đồng; mỗi tháng khoảng 450.000 đồng. Được cái có cả nơi tắm rửa, giặt đồ, phơi đồ và cả sạc điện thoại. Tuy nhiên bất tiện là ngủ tập thể nhưng đành kệ” - anh An tâm sự.
Đối với những người lao động, buôn thúng bán bưng trong khu vực nội thành, chuyện tìm được một quán ngủ võng chẳng dễ dàng. Trước đây tại khu vực cầu Ông Lãnh (Q.1) hay bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh) có các quán cho thuê võng nhưng sau này việc kiểm tra giấy tờ của người ngủ qua đêm khá khó khăn nên các quán đã đóng cửa. Các quán võng dời ra khu vực ngoại thành, chợ đầu mối…
“Phần lớn khách thuê võng đều là dân lao động tự do, toàn người nghèo khổ” - anh Huy Hoàng (chủ một quán cà phê võng khu vực Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM) nói. Theo anh, nhiều người cũng có khả năng thuê nhà nhưng muốn dành dụm thêm chút tiền để gửi về quê. Với họ, một thân một mình, chỗ ngủ không quan trọng, có nơi để ngả lưng là mừng.
Chỉ tay bên đường, anh Hoàng tiếp, bên đó có những quán “lộ thiên” đến mức giăng võng dưới cây trứng cá để khách nếm mùi… sương gió.
Tình người ở quán võng đêm
Nhiều quán cho thuê võng đều miễn phí cho khách tắm gội, giặt giũ; chỗ cắm điện thoại luôn sẵn sàng. Anh Duy (chủ quán võng gần khu vực An Sương, H.Hóc Môn, TP.HCM) cho biết: “Dù đêm nào cũng nhiều khách tắm nhưng tôi không thu thêm tiền, toàn bà con nghèo khổ cả mà”.
Vào mùa bóng đá, quán đông không còn chỗ mắc võng vì ngoài dân lao động, còn có dân ghiền bóng đá đi coi mấy trận bóng khuya rồi ngủ luôn ngoài quán.
Đêm khuya, khi những người thuê võng đã say ngủ, chủ quán vẫn thức để canh chừng xe cộ và đồ đạc cho họ. Anh Huỳnh cho biết, chưa có vụ trộm cắp nào xảy ra gần đây nhưng anh rất đề phòng. Khu vực giữ xe phía sau quán được rào chắn, có người thức canh xe. Phía trước quán cũng vậy. “Họ chỉ có tài sản là chiếc xe với ít tiền, giấy tờ tùy thân. Mất là tiêu luôn nên mình phải canh chừng cẩn thận” - anh Huỳnh nói.
|
Những quán võng đêm là chỗ ngủ của nhiều lao động nghèo |
Giấc ngủ phập phồng vẫn thấp thoáng trên những gương mặt nhàu nhĩ, nặng gánh mưu sinh, cả niềm ao ước về ngôi nhà và những giấc ngủ bình an. Họ đùa rằng, ngủ ở “khách sạn nghìn sao” cũng có cái thú của nó. Không ít lần “chạy ngay đi” khi những cơn mưa bất chợt đổ ào. Còn đêm hè, ve kêu gió mát… chẳng khách sạn 5 sao nào sánh được.
Chợp mắt được đôi chút, những con người vất vả ấy lại vội vàng thức dậy chuẩn bị cho một ngày buôn bán, lao động sắp đến. Mỗi chiếc võng là mỗi cảnh đời nhưng họ luôn có một điểm chung - là cái nghèo. Cái nghèo đeo đuổi họ từ miền quê lên tận thành phố. Những đêm dài đong đưa trên chiếc võng, bất chợt nỗi nhớ quê, nhớ gia đình ùa về khiến lòng người xao động.
Ai chẳng muốn say giấc nồng trong chăn êm nệm ấm, cạnh những người thân yêu. Giấc mơ ấy với không ít người là điều vô cùng xa xỉ. Sài Gòn nhọc nhằn trên những chiếc võng đêm, dù vất vả là vậy, mà lúc nào cũng ấm tình người.
Thiên Thiên