PNO - PNO - Nếu có một hồn ma thực sự xuất hiện trong rạp chiếu Tình người duyên ma - bộ phim Thái ăn khách nhất lịch sử vừa đến Việt Nam, có lẽ hồn ma ấy cũng sẽ phải cười ngặt nghẽo trong suốt 115 phút phim!
Mae Nak là hồn ma nổi tiếng nhất Thái Lan - đất nước mà dấu ấn tâm linh in đậm trong đời sống lẫn văn hoá - nghệ thuật. Người Thái còn tổ chức cả những chuyến du lịch tham quan miếu thờ nàng Nak, nơi kinh doanh các sản phẩm như dây vải buộc lên thân cây bồ đề để cầu nguyện, hoa sen, đồ chơi, tranh vẽ... Huyền thoại lưu truyền về người thiếu phụ Mae Nak qua đời lúc sinh con, trong khi chồng chinh chiến phương xa đã trở thành nguồn cảm hứng cho khoảng 20 bộ phim. Phiên bản điện ảnh Nang Nak (1999) khá thành công, kịch bản sát với chuyện dân gian, khai thác tập trung vào yếu tố kinh dị.
Đi theo một hướng khác, phiên bản mới nhất 2013 Tình người duyên ma (Pee Mak) là một phim kinh dị hài đúng nghĩa. Khán giả có thể cười suốt từ khi anh chàng Pee Mak (Mario Maurer) đẹp trai mà ngốc nghếch, nhát gan cùng bốn người bạn Aey, Shin, Ter, Puak xuất hiện. Nội dung phim đơn giản và không đi xa khỏi truyền thuyết. Trốn thoát khỏi cuộc chiến tranh tại vương quốc Xiêm thời kỳ sơ khai, Mak mời bốn người bạn thân về thăm nhà anh ở làng Phra Khanong, nơi có cô vợ xinh đẹp Nak (Davika Hoorne) cùng đứa con trai mới sinh, bé Dang, chờ đợi. Những sự kỳ lạ liên tiếp xảy đến: thái độ của người làng với Mak, lời người đàn bà say chủ quán rượu, tin đồn, nhóm bạn anh phát hiện ra các dấu vết...
Tạo hình hài hước, lời thoại dí dỏm, các tình huống bất ngờ trớ trêu nhân vật gặp hoặc tự tạo để gây cười không mới, có thể gặp trong những phim Thái khác đã xem. Hoá trang và kỹ xảo cũng chẳng cầu kỳ. Dù vẫn khiến nhiều người yếu bóng vía hét lên đúng lúc, phải thừa nhận rằng chất kinh dị trong âm thanh, hình ảnh không rùng rợn như nhiều phim ma Thái "hạng nặng" khác, nhẹ nhàng hơn nhiều so với Nang Nak. Phim cũng có một số điểm vô lý trong kịch bản, bối cảnh, phục trang và thật sự "nhảm đến cùng" khi đưa Lý An, 300, Rocky... vào lời thoại. Cách xử lý mâu thuẫn dễ dàng, nhẹ nhàng hoá bi kịch để không phá hỏng không khí hài.
Nhưng vượt lên trên hết, Tình người duyên ma có khả năng khiến những người khó tính và xét nét bật cười, để bỏ qua khiếm khuyết của tác phẩm. Tác giả kịch bản và đạo diễn thắt mở tình huống thông minh, câu kéo người xem đơn giản mà hiệu quả, đánh đố để có lúc khán giả phải lầm lẫn theo nhân vật, rối mù trong các giả thiết ai là người, ai là ma sau đó vòng lại với câu chuyện truyền thống... Đang trong tình huống rượt đuổi gay cấn, gấp gáp, một câu thoại tỉnh rụi có thể khiến cả rạp cười ồ sau đó... sợ tiếp. Khán giả nữ mau nước mắt có thể sụt sùi trước đoạn kết lâm li với những lời tình cảm rất dài, dẫu đoạn đó có thể khiến những ai "sắt đá" hơn sốt ruột.
Ngoài tiếng cười, cái tình của Tình người duyên ma cũng góp phần để bộ phim trở thành tác phẩm ăn khách nhất trong lịch sử điện ảnh Thái. Tình bạn của năm anh chàng không hoàn hảo với năm tính cách khác nhau, nhiều tật xấu như khoác lác, cờ bạc... được miêu tả chân thật và xúc động. Họ không hoàn hảo, nhưng chân thành, hết lòng với bạn bè. Và cô gái nào có thể không mềm lòng trước một người đàn ông rót vào tai lời mật ngọt: "Dẫu em có là ma, dẫu bị tất cả mọi người xa lánh, dẫu có phải nhai lá cây suốt đời, anh vẫn muốn sống cùng em!"... Anh ta đã ăn lá cây, sâu bọ thật với hết thảy trìu mến!
Các diễn viên hoàn thành tốt vai trò của họ. Nhan sắc của "hotboy" Mario Maurer và người mẫu Davika Hoorne đủ khiến các bạn trẻ móc tiền mua vé.
Sếp một công ty phát hành phim tại Việt Nam nói rằng năm 2012, doanh thu của các rạp chiếu trong nước đã đạt 50 triệu đô, bằng... một nửa thị trường Thái. Người Thái đã biết làm phim nghệ thuật giành Cành cọ vàng Cannes (Uncle Bonmee năm 2010), phim kinh dị của họ dù có những phim rất "nhảm" nhưng đã khẳng định một phong cách "ma Thái" riêng biệt đủ khiến các fan phân biệt với phim Hàn, Mỹ... Với Tình người duyên ma, họ chứng tỏ biết làm phim thương mại không chỉ cho thị trường nội địa mà các nước lân cận trong khu vực cũng có thể đồng cảm.
Cũng là sản phẩm ở một quốc gia Đông Nam Á, có những nhân vật nhuộm răng đen, thân thương rặng dừa nước, ghe thuyền..., diễn viên tung hứng không khác mấy kiểu tiếu lâm của các danh hài sân khấu ở ta... Nhớ đến các phim hài hãng Phước Sang và một bộ phim Việt cũng mang danh kinh dị hài đang chiếu, nhận ra rằng cũng những chất liệu gần gũi như thế, những nhà sản xuất xứ Xiêm xuất sắc hơn ở chỗ không để người xem cảm thấy họ đang bày biện ra một thứ ngô nghê. Nếu ví Pee Mak như một món ăn, thì có thể khen đầu bếp Thái tuy sử dụng các nguyên liệu phổ biến nhưng có cách xử lý điêu luyện, sáng tạo và nêm nếm hài hoà.
Phim khởi chiếu hôm nay (21/6) tại các cụm rạp BHD.