Tình người

16/11/2015 - 07:35

PNO - Một lời đăng trên mạng ghi rằng: “Nếu bạn đang ở Paris và cần nơi tá túc, hãy gõ #Porte Ouverte, chúng tôi chờ đón các bạn. Đừng ở ngoài đường nhé!”.

Cánh tài xế taxi ở Paris cũng cần mẫn làm việc, bất chấp nguy hiểm, họ tự nguyện tắt đồng hồ tính cước, chở khách về nhà miễn phí trong khi một số phương tiện giao thông công cộng bị đình trệ. Cách người Pháp hành xử khiến cả thế giới khâm phục, là bài học về “tình người trong hoạn nạn”.

Tinh nguoi
Người dân Paris xếp hàng dài, đợi đến lượt mình hiến máu cho các nạn nhân bị khủng bố

Một ngày sau đêm thứ Sáu đen tối, dù chính quyền Paris khuyến cáo người dân ở trong nhà, các cửa tiệm tạm đóng cửa, nhưng rất nhiều người vẫn kiên nhẫn xếp hàng vài giờ liền để hiến máu cứu nạn nhân bị khủng bố. Họ đứng đó, nét mặt đăm chiêu, có lúc lại dán mắt vào điện thoại, vì không ai muốn bỏ sót thông tin liên quan đến sự sống còn của Paris.

Nhiều người tình nguyện đến nỗi nhân viên các trung tâm tiếp nhận máu ở khắp Paris gần như quá tải. Camille Ruiz (26 tuổi) cho biết: “Hiến máu là cách duy nhất tôi nghĩ tới lúc này để có thể chung tay làm điều gì đó”. Một người khác đưa hình mình hiến máu trên mạng Instagram, kèm dòng tâm sự: “Chia máu cho những người đã mất máu. Paris vẫn chiến đấu với những kẻ khủng bố”.

Với người dân Pháp, không thể buông xuôi và đắm chìm cùng nỗi sợ hãi. Ở khu vực nhà hát Bataclan, nơi có hơn 100 nạn nhân thiệt mạng, vào sáng 14/11, một người không rõ danh tính đã đem đến đó cây đàn piano.

Tinh nguoi
Người đàn ông không rõ danh tính chơi đàn piano bài hát Imagine trước nhà hát Bataclan - Ảnh: AFP

Anh say sưa chơi bản nhạc Imagine của John Lennon. Đám đông vây quanh anh ngày càng đông, có người đưa tay chặm nước mắt, có người lặng im thưởng thức, và lời hát như vọng lại trong tâm tưởng chúng ta:

“Hãy tưởng tượng xem, không còn phân chia các quốc gia. Không khó thực hiện đâu. Không có gì để giết nhau hay chết chóc. Không có tôn giáo. Tưởng tượng xem tất cả cùng sống trong hòa bình…”.

Người thân của tuyển thủ Lassana Diarra bị thiệt mạng tối 13/11, đội tuyển Pháp xác nhận, trận đấu với đội tuyển Anh ở sân vận động Wembley (thủ đô London) vẫn diễn ra, bất chấp họ có thể trở thành mục tiêu tấn công mới. Sự xác tín này gợi nhớ hình ảnh dòng người đầy kiêu hãnh, nối bước nhau trong trật tự, mỉm cười và cùng hát vang quốc ca Pháp dù rằng lúc đó họ phải sơ tán khỏi sân vận động Stade de France sau tiếng nổ rền vang do những kẻ khủng bố gây ra.

Trong hàng ngàn lời bày tỏ sự đau buồn, chia sẻ về thảm kịch ở Paris, có một người đã làm nên biểu tượng mới cho hy vọng và tình đoàn kết. Jean Jullien, một họa sĩ người Pháp hiện sống ở London (Anh) đã post trên tài khoản Twitter của mình bức vẽ với hình tròn bao quanh tháp Eiffel, cùng dòng chữ “Peace for Paris - Hòa bình cho Paris”.

“Phản ứng tức thời của tôi sau các cuộc tấn công khủng bố ở Paris là vẽ để bày tỏ nhu cầu muốn chia sẻ về hòa bình và tình đoàn kết, cùng nhau đối mặt với thảm họa này” - Jullien cho biết.

Tinh nguoi
Bức vẽ của Jean Jullien post trên trang Twitter cá nhân đã trở thành biểu tượng cho hy vọng và tình đoàn kết với người dân Paris

Bức vẽ của Jullien nhanh chóng có hơn 50.000 lượt chia sẻ trên Twitter và hơn 22.000 lượt trên Facebook, dẫu vậy tác giả không hề lấy đó làm vui: “Thảm kịch Paris khiến tôi thấy sốc, buồn, và giận dữ”. Nhiều người dùng Twitter đồng cảm rằng, hình vẽ mạnh mẽ của Jullien đã giúp họ đoàn kết lại.

Giờ đây, làn sóng ủng hộ người dân Paris và nước Pháp vẫn không ngừng lan tỏa: “Không chỉ cầu nguyện cho Paris (theo chuỗi ký tự #PrayForParis), chúng ta cầu nguyện cho nhân loại. Hãy dùng chính tấm lòng nhân văn xóa nhòa hận thù”

Thiên Như - Vĩnh Linh (Le Monde, Telegraph, Rolling Stone, Huffi ngton Post, VOX)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI