Tình nghĩa sắt son Việt Nam - Campuchia

06/01/2014 - 15:55

PNO - PN - Ba mươi lăm năm trước, lịch sử Campuchia lật sang trang mới, đất nước đã hồi sinh sau những năm tháng rên siết dưới chế độ diệt chủng pôn-pốt-Ieng Sary nhờ sự giúp đỡ đầy hy sinh của quân tình nguyện Việt Nam

edf40wrjww2tblPage:Content

VTV ghi nhận Tình nghĩa Việt Nam - Campuchia

“Nhân dân Campuchia luôn ghi nhớ công ơn của quân tình nguyện Việt Nam”, câu nói đó được người dân đất nước Chùa Tháp nhắc đi nhắc lại nhiều lần, khi nói về tình hữu nghị truyền thống Campuchia-Việt Nam.

Kể từ ngày đất nước được hồi sinh, Chính phủ và nhân dân Campuchia luôn khắc ghi công lao, tình cảm và sự hy sinh to lớn của quân tình nguyện Việt Nam. Nhân dân thế giới cũng hiểu được sự tình nguyện và sự hy sinh trong sáng của quân đội Việt Nam sau khi bộ mặt thật của chế độ diệt chủng tàn ác được phơi bày qua phiên tòa xét xử các cựu thủ lĩnh Khmer Đỏ, những kẻ sát nhân man rợ cuối thế kỷ XX.

Ngày 31/10/2013, cựu lãnh đạo Khmer Đỏ Nuon Chea phủ nhận tội diệt chủng và các tội khác trong ngày cuối cùng phiên tòa xét xử tội ác Khmer Đỏ của Campuchia (ECCC), chỉ bày tỏ “sự hối hận sâu sắc nhất” đối với cái chết của khoảng 1,7 triệu người Campuchia dưới thời cai trị của chế độ Khmer Đỏ trong thập niên 1970. Không chấp nhận lời thú nhận lập lờ trên, học giả Mỹ Kathryn Perkins chỉ rõ: “Năm 1975, hơn một phần tư người dân Campuchia bị giết hại. Họ bị giết không phải do những kẻ xâm lược nước ngoài hoặc bệnh dịch, mà do bàn tay những đồng bào của mình. Chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, cuồng tín và không tưởng đã tàn sát chính người dân của mình, tạo ra cuộc diệt chủng man rợ mà lịch sử Campuchia không bao giờ quên”.

Tinh nghia sat son Viet Nam - Campuchia

Tượng đài Quân tình nguyện Việt Nam ở thủ đô Phnom Penh - Ảnh: Getty Images

Ba mươi lăm năm đã trôi qua kể từ ngày Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng và 25 năm sau khi quân đội Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ trở về nước, ký ức về những năm tháng làm nghĩa vụ quốc tế cao cả trên đất bạn vẫn in sâu trong tâm trí những người lính Việt Nam từng có mặt ở mặt trận Campuchia. Khi phóng viên nước ngoài hỏi “Quân Việt Nam sang đây, Campuchia phải cung cấp cho họ những gì”?, Chủ tịch tỉnh Kông Pông Chàm thời đó là ông Pi Chay trả lời ngay: “Chỉ có nước và khí trời”. Điều đó nói lên tất cả về tấm lòng cao đẹp của quân tình nguyện Việt Nam, tình đoàn kết hữu nghị giữa hai dân tộc trong những ngày tháng khó khăn đó.

Nhắc đến tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam-Campuchia, TTXVN kể lại câu chuyện về ba sinh viên y Campuchia - Ry Borin, Boso Thea và Hin Sopheak - đang theo học tại Trường Đại học Y Dược Thái Bình. Các bác sĩ đa khoa tương lai này là thế hệ sinh ra sau chiến tranh, nhưng qua những bài học lịch sử, qua người thân, họ đều cảm nhận sâu sắc ý nghĩa của việc thoát khỏi chế độ diệt chủng. Đặc biệt, sự giúp đỡ chí tình của Việt Nam đối với Campuchia trong thời bình, điều mà các bạn chứng kiến trong thời gian theo học tại Việt Nam, là “một viên ngọc quý” trong quan hệ giữa hai nước.

Ngày 5/1, Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin, đang ở thăm Việt Nam đã tham dự lễ kỷ niệm 35 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh bảo vệ biên giới Tây-Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng (7/1/1979-7/1/2014), nhấn mạnh: “Không thể kể hết được sự hy sinh, mất mát to lớn cũng như tình cảm và trách nhiệm của những người lính quân tình nguyện Việt Nam” vì tự do, độc lập dân tộc của nhân dân Campuchia.

Tinh nghia sat son Viet Nam - Campuchia

Quân tình nguyện Việt Nam tiến vào Phnom Penh - Ảnh: Corbis Sygma

Trước đó, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam 26-28/12/2013, Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng cảm thán: “Có lẽ tôi cần 300 giờ, 300 ngày để nói hết những gì đã xảy ra từ quá khứ cho đến nay” khi ông mở đầu cuộc nói chuyện với 700 cựu quân nhân, chuyên gia Việt Nam ở Campuchia.

Thủ tướng Hun Sen nói, dù bất cứ đổi thay nào diễn ra, quan hệ Campuchia và Việt Nam sẽ mãi không thay đổi. Lịch sử đã xác tín, nếu không có sự hỗ trợ tình nguyện của Việt Nam, Campuchia sẽ không được giải phóng và hồi sinh. “Nếu lúc đó không có sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam thì Campuchia không có độc lập, không xây dựng lại được đất nước. Thời đó, Việt Nam phải trả giá rất cao, vừa hy sinh tính mạng của rất nhiều người, vừa hy sinh cả tài sản, chính trị, ngoại giao. Chúng tôi không thể quên, khi đó Việt Nam cũng bị cấm vận. Vì giúp giải phóng Campuchia, vì người dân và đất nước Campuchia, Việt Nam phải hy sinh… Hơn ba mươi năm trôi qua, việc đưa Ieng Sary, Khieu Samphan ra tòa án quốc tế xét xử, nghĩa là người ta đã chấp nhận sự đúng đắn của Việt Nam”.

Phóng sự của VTV về việc tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia

Những ngày này, đất nước Campuchia phải tập trung đối phó với cuộc khủng hoảng chính trị gay gắt, hậu quả của những cuộc biểu tình kéo dài trên phạm vi cả nước do đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) của ông Rainsy phát động để đòi bầu cử lại. Trong bối cảnh đó, ý nghĩa của 35 năm đánh đổ chế độ diệt chủng vẫn là sự kiện trọng đại.

 THIỆN ĐẠO (Theo TTXVN, AFP, BBC)

Tội ác của Khmer Đỏ ở nhà tù S.21 (nay là Bảo tàng chiến tranh Tuol Sleng)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI