Tình nghĩa này dài suốt trăm năm...

11/01/2020 - 06:03

PNO - Chẳng năm nào bà không theo xe về thăm “người mình”. “Tình nghĩa này dài suốt trăm năm” - bà nói khi tôi dìu bà đi trên đoạn đường nắng gắt.

“Từ Hóc Môn qua Củ Chi, ngược lên Tây Ninh, đâu đâu cũng có “người mình”. Các cháu ngày nay và mai sau nữa sẽ không quên đâu”, giọng bà Năm Đang run run như chính bà đang chống gậy bước trên con đường đá.

Ăn hết cơm của “người mình”

“Đây nhà Út Thông, năm rồi sân chất đầy rơm cuộn, nay đã dọn ra sau hè. Thông bị tai biến, tay chân bên trái không còn lanh lẹ được như trước. Hồi xưa Thông có chút xíu, giờ tóc cũng đã bạc như tui. Chị Út má Thông làm giao liên cho cánh phụ vận mình, hiểm nguy treo lơ lửng trên đầu, nhưng cái gì cũng xung phong đi trước”, bà Năm Đang (tên thật Trần Thị Tốt) nói khi xe vừa tới xã An Nhơn Tây, H.Củ Chi. 

Út Thông mà bà nhắc đến là ông Lê Văn Thông, 66 tuổi, dáng người hom hem, lật đật chạy ra ôm chầm lấy bà, quở: “Yếu như này rồi đi chi cực vậy. Nếu Năm không về, má con cũng hiểu mà”. Bà Năm Đang xua tay: “Đâu có được. Chân còn nhúc nhích là còn về thắp cho má bây nén nhang. Hồi xưa chị Út bao phen sống chết che chở tau...”. Hai dì cháu, hai mái đầu bạc rơm rớm nước mắt. 

Khoảnh khắc hạnh ngộ của bà Năm Đang và Bà mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông cùng sự chứng kiến của bà Ba Son
Khoảnh khắc hạnh ngộ của bà Năm Đang và Bà mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông cùng sự chứng kiến của bà Ba Son

Đi thêm một quãng là qua ấp Đồng Lớn, xã Trung Lập Thượng, H.Củ Chi. Bà Năm Đang chỉ tay về căn nhà rợp bóng cây xanh của vợ chồng ông Phạm Văn Thử - bà Lê Thị Ngót, kể: “Cánh phụ vận mình ăn hết cơm rau chỗ này đây. Ba má Thử là chị Tua và anh Hai Song có cái gì thì cho chị em tui cái nấy. Còn nhớ, những hôm dẫn đường gặp trạm gác, anh Hai biểu “bây cứ tự nhiên như con tau” rồi tỉnh bơ đi qua mặt lính gác. Chắc anh chị ấy cảm tình với kháng chiến là vì có con trai, con dâu cùng lứa tụi tui đều vào cứ”. 

Bà Ngót nay đã 75 tuổi, chân bước khập khiễng ra nắm tay bà Năm Đang kéo vô nhà: “Cái bàn gỗ, khu bếp, mớ rổ rá cũ mèm, còn giữ được cái nào em giữ hết nè Năm. Hồi xưa má chồng em thương Năm lắm”. Bà Năm Đang lấy khăn lau mắt và rằng: “Mai mốt tụi chị không còn thì còn sắp nhỏ bên Thành Hội, các cháu nó sẽ không quên căn nhà này đâu”. 

Chân đau sao cản được lòng mình

Thoáng thấy bà Năm Đang chống gậy ngang ngõ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông vịn vách tường đứng dậy vẫy tay. “Cứ thấy bây về là bao nhiêu chuyện hồi xưa trở lại trong tâm trí tau, những bữa chia nhau nắm cơm, đêm họp bị chỉ điểm, vô tù nhận lãnh đòn roi... Ráng khỏe nghen Năm, đặng còn được gặp nhau ở kiếp này” - má Nông nhắn nhủ. 

Ở vùng “đất thép” Củ Chi, câu chuyện về “Bà Pháo Binh” gan góc Kiều Thị Nông và bậc sinh thành là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Tý đã khiến nhiều thế hệ đi sau cảm phục. Hai má con, hai nữ anh hùng “sáng gánh, chiều bưng” khắp hang cùng ngõ hẻm; đào hầm, đào giao thông hào, tằn tiện gom góp nuôi giấu cán bộ cách mạng.  

Mọi năm, cứ vào những ngày cận tết, tôi vẫn theo chân bà Năm Đang cùng các thành viên Ban Liên lạc phụ vận Sài Gòn - Gia Định (tổ chức nòng cốt của Hội LHPN TP.HCM ngày nay) về ngõ Hóc Môn, Củ Chi, lên tỉnh Tây Ninh thăm các cơ sở nuôi giấu, bảo bọc cán bộ phụ vận thời kháng chiến. Đông lắm các dì, các chị như Năm Đang, Tám Nhỏ, Út Thảo, Ba Son, Út Anh, Út Hường, Ba Đoan, Hai Phượng... những người phụ nữ từng một thời “vào sinh ra tử”. Thế mà, Tết năm nay chỉ còn có ba người góp mặt là bà Năm Đang, bà Tám Nhỏ (Nguyễn Kim Phụng) và bà Ba Son (Bùi Thị Son). Tuổi của họ đều đã ngót nghét 90, gần đất xa trời. 

Bị va quệt xe, chân đau suốt mấy tháng nay, nhưng bà Tám Nhỏ vẫn nhất quyết: “Có nhằm nhò gì, còn đi được là phải về thăm “người mình” chớ”. Ngoài những phần quà do Thành Hội chuẩn bị, bà Tám Nhỏ mua thêm nhiều chai nước mắm mang theo để tặng các gia đình. Bà Ba Son được coi là trẻ khỏe nhất nhóm, nhưng đường đất mấp mô, bụi mù, nên cứ vài chục bước lại phải dừng để thở.

Còn bà Năm Đang sống một mình tại Q.2. Năm ngoái bà bị trượt ngã, gãy chân phải. Trong lúc bà chống tay đứng dậy kêu người cứu giúp thì gãy luôn cổ tay phải. Chân trái của bà bị thoái hóa khớp, tấm lưng cũng đã còng như dấu chấm hỏi. Vậy mà, chẳng năm nào bà không theo xe của Thành Hội về thăm “người mình”. “Tình nghĩa này dài suốt trăm năm” - bà nói khi tôi dìu bà đi trên đoạn đường nắng gắt. 

 Mẫn Nhi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI