Vội vã đóng những trang tin tức, ông Merle Pribbenow (Virginia, Hoa Kỳ) dồn tất cả sự quan tâm của mình vào bức thư điện tử với tiêu đề The first day Saigon was locked down kèm những hình ảnh do một người bạn cư ngụ tại phường Đa Kao, quận 1 chuyển cho ông vào sáng 10/7.
Những trái tim của bạn bè năm châu hướng về TPHCM
“Ôi, trời ơi Sài Gòn của tôi!”, Pribbenow thốt lên khi cảnh tượng vắng lặng của thành phố mà ông từng gắn bó xuất hiện trên màn hình. Chỉ vào tấm ảnh chụp Công trường Lam Sơn, người đàn ông ngoài bát tuần trả lời thư bạn: “Hằng ngày tôi vẫn phải lách qua rừng người và xe cộ để vòng ra sau lưng Nhà hát Thành phố, thế mà bây giờ… không thể tưởng tượng được. Xin tiếp tục thông tin cho tôi về thành phố của chúng ta. Cảm ơn K. nhiều”.
Merle Pribbenow cũng cho biết các biện pháp giãn cách vì COVID-19 đã được dỡ bỏ ở nơi ông sống, nhưng người dân buộc phải đeo khẩu trang tại các cửa hàng, trên máy bay, xe buýt và tàu điện.
|
Thực phẩm từ các chương trình do kiều bảo tổ chức được đưa đến các khu vực cách ly ở TPHCM, nơi có người dân đang cần hỗ trợ - Ảnh: Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM |
Hơn lúc nào hết, TPHCM đang nhận được sự an ủi rất lớn bởi tấm lòng của những cư dân xa xôi mà nó từng cưu mang. Từ Adelaide (Úc), bà Judith Orr - người sáng lập Quỹ HOPE chuyên giúp đỡ người yếu thế trong xã hội - tâm sự: “Một thành phố tráng lệ mà tôi từng gọi là nhà, giờ đây vô cùng lặng lẽ. Làm thế nào tất cả những con người dũng cảm này xoay xở, chỉ trong một vài tuần?”.
Rồi một cách vô thức, bà hỏi thăm ngay những con người vốn là đối tượng bà quan tâm hàng đầu ở Việt Nam: “Liệu người bán vé số, hàng rong, công nhân vệ sinh đường phố… sẽ ra sao? Việc phong tỏa thành phố này thật sự là một khó khăn bởi hầu hết các gia đình, người dân Sài Gòn nào cũng đều sống dựa vào sự “mở rộng” của kinh tế và lòng người”.
Người phụ nữ từng lăn lộn trên các vỉa hè giúp người nghiện ma túy trong thời HIV/AIDS tung hoành đã không quên nhắn cho chúng tôi những địa chỉ luôn sẵn lòng hỗ trợ nhân đạo. Đó là một nhà hàng của người bạn bà ở phường Thảo Điền (TP.Thủ Đức), một nhà hàng khác tại “Phố Tây” Bùi Viện (quận 1) cũng luôn sẵn sàng gửi gạo đến người khó khăn. Tương tự Pribbenow, bà Judith cho hay, tất cả bạn bè năm châu của họ đều đang hướng về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và sẵn lòng giúp đỡ.
“Gửi cho tôi thêm một tấm ảnh nữa của Sài Gòn”, bà nhẹ nhàng nói trước khi kết thúc cuộc gọi. Xem hình chụp chiếc xe đạp chở nhánh lan hồ điệp dựng chỏng chơ giữa bốn bề đường phố lặng im, bà buông thông điệp của hy vọng trong tiếng thở dài: “Chúng ta cần phải đón nhận đại dịch này cùng nhau, với một tình yêu thương cao cả và tôn trọng tất cả mọi người. Cung cấp vắc xin hàng loạt là ưu tiên vào lúc này. Ôi, Sài Gòn, đó là tất cả những gì tôi muốn nhìn thấy một lần nữa. Một thành phố yên bình, mang vẻ đẹp của sự hội nhập lớn mà tôi từng biết”.
Quê hương mỗi người chỉ một
Ở một tâm thế khác, tình cảm dành cho TPHCM rung lắc mạnh hơn nơi những người sắp rời xa thành phố trong hoàn cảnh này. Và sự ngậm ngùi được anh bạn tôi thể hiện bằng hành động thiết thực. Xa gia đình ở Queensland (Úc) gần hai năm cho ước mơ về Việt Nam khởi nghiệp trong ngành thực phẩm, Tú Trần gặp nhiều khó khăn sau năm lần bảy lượt COVID-19 bùng phát.
Sáng 11/7, anh báo tin chiều cùng ngày sẽ bay về Sydney sau hai lần xét nghiệm âm tính. Anh nhờ tôi phân phát giúp một số thịt bò cho người quen đủ để cầm cự qua hai tuần cách ly xã hội. “Mỗi cư dân khi xa thành phố này vẫn cứ ám ảnh, tự hỏi xem mình có đang bỏ rơi ai đó không? Có lẽ tôi đã bỏ rơi thành phố của tôi rồi”, giọng anh run rẩy, đôi mắt đỏ hoe có thể nhìn thấy rõ qua màn hình điện thoại.
|
Ông Nguyễn Ngọc Luận - Việt kiều Úc - trao quà hỗ trợ bà con gặp khó khăn trong mùa dịch - Ảnh: Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM |
Vừa nghe tin TPHCM có lệnh giãn cách, không chờ đợi sự kêu gọi, ông Phạm Phú Bình, một kiều bào sống ở California (Hoa Kỳ), đã tự nguyện ủng hộ ngay 1.000 đô la Mỹ để hỗ trợ người nghèo. Số tiền đó đã trích ra mua 11 thùng mì ly để tiếp tế cho ký túc xá khu B Đại học Quốc gia TPHCM (nơi ăn ở học tập của 140 sinh viên Lào, Campuchia và Việt Nam đang gặp nhiều hạn chế trong sinh hoạt và thực phẩm do đã được trưng dụng làm khu cách ly tập trung), còn lại được chuyển đến những hộ nghèo gặp khó khăn trong đại dịch ở quận 10.
Thời gian qua, Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 được Chính phủ thành lập cũng đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng mạnh mẽ của cộng đồng người Việt tại nhiều nơi trên thế giới. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Bộ Ngoại giao, kiều bào ta tại nhiều địa bàn khác nhau trên thế giới đã tích cực quyên góp ủng hộ cho Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19.
Đó là tấm lòng hướng về quê hương của ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn Cầu, cùng các thành viên trong câu lạc bộ Vietnam Business Migrant Australia ở Melbourne (Úc), với số tiền ủng hộ quỹ vắc xin lên đến 300 triệu đồng và 7.800 đô Úc.
Đó là chút nghĩa tình của ông Justin Bùi Trung Hậu, Chairman of Realms Co., Ltd., kiều bào Úc, với 20 triệu đồng đóng góp cho quỹ vắc xin, hy vọng có thể giúp thêm nhiều người được tiêm ngừa COVID-19, để chúng ta sớm quay lại cuộc sống hạnh phúc, an toàn như trước.
Đó còn là sự ủng hộ của gia đình giáo sư Đặng Lương Mô, người Việt Nam ở Nhật Bản, với số tiền 20 triệu đồng, cùng lòng tin sẽ có thêm rất nhiều kiều bào cùng chung tay để có thể tạo nên một sự khác biệt lớn trong việc thay đổi tình hình dịch bệnh theo chiều hướng tích cực.
Ngoài 50 triệu đồng cho quỹ vắc xin, ông Steve Bùi, người Việt Nam ở Nhật Bản đại diện Quỹ Steve Bùi & Friends, Công ty Phương Long Nhiên - Vũng Tàu và Công ty Cosmos Japan Creation JSC còn trao tặng 500 chai nước xịt khoáng trị giá 100 triệu đồng cùng 5.040 chai nước điện giải trị giá 126 triệu đồng hỗ trợ các y, bác sĩ tuyến đầu chống dịch.
Gia đình tiến sĩ Phan Bích Thiện, kiều bào Hungary, Phó Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary, cũng đã trao tặng 100 triệu đồng cho Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), để ủng hộ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong nước.
Ông Đinh Vĩnh Cường, người Việt Nam ở Nhật Bản, Chủ tịch Tập đoàn 365GROUP đã khởi xướng hai chương trình: “Bữa cơm 0 đồng” và “Gian hàng 0 đồng” tại quận Tân Bình, TPHCM. Chương trình hỗ trợ cộng đồng đã vận động 50 doanh nghiệp và cá nhân phục vụ nhu cầu mua sắm thiết yếu của người dân địa phương với kinh phí tổ chức đợt M1 hơn 200 triệu đồng và gần sáu tấn gạo. Hơn 30 mặt hàng từ thực phẩm khô, đến các thực phẩm tươi, gia vị, rau củ quả, trứng, nước mắm, nước suối… tất cả đều có giá 0 đồng.
Bên cạnh đó, bà Phan Thị Viễn Phương - đại diện nhà hàng Ớt Đỏ - cũng trao tặng 100 suất ăn mỗi ngày thứ Ba, Năm, Bảy hằng tuần kể từ ngày 5 đến 20/7 cho đội hình tình nguyện phản ứng nhanh phòng, chống dịch bệnh của Đoàn Thanh niên quận Tân Bình và các điểm trực phong tỏa.
Ông Lê Bá Linh - Ủy viên Ban Chấp hành Hội Hữu nghị Việt - Thái TPHCM, Chủ tịch Công ty cổ phần Pacific Foods - đã trao 10 triệu đồng và một tấn gạo hỗ trợ lực lượng phòng, chống dịch và người dân khu vực bị phong tỏa tại phường 13, quận Tân Bình. Trước đó, ông cũng đã ủng hộ chương trình ATM gạo ở nhiều nơi, với mong muốn “của ít lòng nhiều” sẽ tiếp sức người dân khu vực bị phong tỏa vượt qua giai đoạn ngặt nghèo này.
Ngoài việc tham gia ủng hộ vật chất và kinh phí cho những hoạt động ý nghĩa, bà Ngô Phẩm Trân, người Việt Nam định cư tại Đài Loan (Trung Quốc), Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Kinh tế Văn hóa Giáo dục Đài - Việt, còn trao tặng học bổng hỗ trợ các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vượt khó học giỏi trên địa bàn quận Tân Bình. Năm suất học bổng bán phần ngành kỹ sư cơ khí và kỹ sư quản lý công nghiệp, mỗi suất trị giá 200 triệu đồng, nằm trong chương trình phát triển nguồn nhân tài chất lượng cao cho TPHCM nói chung và quận nói riêng.
TPHCM đang thực sự khó khăn, vô cùng khó khăn, nhưng những đóng góp hết sức quan trọng, kịp thời của các cá nhân và doanh nghiệp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài - dù bản thân họ cũng đang bị ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch - là hành động thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, nghĩa đồng bào của dân tộc Việt Nam. Tấm lòng đó còn cho thấy quê hương mỗi người chỉ một trong trái tim mình. Tình yêu thương đó đã khiến bất cứ ai cũng thấy ấm lòng, và không ngừng hy vọng vào sức sống tiềm tàng và vô cùng mãnh liệt của những con người đã từng sống, đang sống và sẽ sống ở thành phố giàu nghĩa tình này.
Quốc Ngọc - Hồng Hạnh