Tình một nghĩa hai

25/03/2013 - 17:29

PNO - PN - Bà Nguyễn Thị Chiến đã U60. Bà làm nghề mua bán ve chai, góa bụa đã lâu, lại có hai người con trai bị bệnh tâm thần ra vào trong căn nhà lá rách nát. Gia cảnh bà, nhiều người nói trông “thấy rầu”, nhưng ông Lâm Văn Chín (61...

“Hụ hợ”, nghe nhẹ tênh nhưng trên thực tế không phải vậy, nhất là khi chứng tâm thần phân liệt của hai con bà Chiến trở nặng. Người anh tên Cao Linh, 34 tuổi, bị bệnh cách đây mười năm, người em tên Duy Phương bệnh đã bốn năm. Có lần, Phương đi chơi khuya, ông bà nhốn nháo chạy tìm. Không gặp, ông bà đành quay về, ruột nóng như thiêu. Hôm sau, may có người quen đưa Phương về trong bộ đồ mới. Thì ra, Phương đã lột bỏ quần áo, “trần như nhộng” đi khắp các nẻo đường.

Nhiều lần, ông và bà dỗ ngọt Linh, Phương đi du lịch bằng xe buýt để đưa hai cậu vào bệnh viện. Hàng tháng, ông bà đùm túm thức ăn đi thăm. Nhìn cách ông ép ăn, rờ rẫm xem con ốm mập thế nào, ai cũng tưởng bệnh nhân là con ruột, chẳng ai ngờ, chỉ là con riêng của vợ. Khi đưa hai con về nhà, việc chăm sóc rất vất vả, vì bệnh của Linh và Phương chưa dứt hẳn. Bà hô ông ủng, tìm mọi cách để con chịu uống thuốc, ăn uống, nghỉ ngơi, vệ sinh. Những khi bà đi mua ve chai, ông nhập vai mẹ với hàng tá việc nội trợ. Bà chẳng nói cảm ơn, mà chỉ chọc ghẹo một câu khiến ông làm bao nhiêu vẫn không thấy mệt.

Tinh mot nghia hai

Bà Chiến - ông Chín đang cố gắng hoàn tất những "hạng mục" cuối của ngôi nhà mơ ước

5 năm trước, ông tỏ tình, bà nói gia cảnh bề bộn, nghèo khó như vậy, ông đã thấy trước, bà không giấu điều gì, nếu ông đã chọn thì phải chịu, miễn than. Nói vậy, nhưng bà luôn tìm cách bù đắp cho ông, ít nhất là bằng nụ cười.

Với nhiều cặp “rổ rá cạp lại”, con cái thường là chướng ngại vật, nhưng trường hợp bà Chiến - ông Chín lại khác. Duyên cớ ông bà gặp nhau là thế này: Hồi đó, ông Chín có người con gái gả về xã Hương Mỹ, cách nhà vài cây số. Ông thường xuyên sang chơi với cháu ngoại rồi để ý bà mua ve chai chung xóm. Nghĩ mẹ mình đã mất, bà Chiến lại hiền hậu, lo làm ăn nên cô con gái cũng muốn tác hợp cho cha. Rồi các con ngày càng quý mến cha mẹ hai bên. Khi ông Chín đi làm xa, lúc tỉnh táo, Linh cũng bấm điện thoại gọi cho dượng vì nhớ. Ông nghe vừa thương vừa mừng vì con đỡ bệnh, mẹ sẽ nhẹ gánh đôi phần.

Ngày biết tin được suất xây nhà tình thương, bà định chẳng nhận vì nghĩ không đủ tiền bù để xây nhà. Bà điện thoại báo ông (khi đó ông đang ở TP.HCM làm bảo vệ). Ông khuyên bà đừng để vuột cơ hội tốt và vội vã về quê xúc tiến việc xây cất. Con của ông, người thì trộn hồ, bưng gạch, người thì dặn dò: “Nếu dì thiếu tiền, nhớ báo con”. Cuối tháng Giêng năm Quý Tỵ, ông bà đã có căn nhà khang trang, không còn lo gió bão.

Trước khi tái giá, bà Chiến báo với gia đình của người chồng quá cố. Hỏi về kinh nghiệm “bước qua dư luận”, bà Chiến nói: “Già trẻ gì cũng cần hơi ấm. Khi tôi gánh ve chai không nổi, ổng chạy xe tới rước về; khi tôi bệnh, ổng đi mua thuốc… Có ai phụ giúp tôi bằng ổng đâu”. Ông Chín tiếp lời: “Sống với bả, bị bóc lột quá nên tui ốm mất mấy ký. Nhưng mà “trái dừa điếc đeo dai” lắm, tui không bao giờ bỏ bả. Cả hai cùng xác định như vậy nên vô cùng quý những gì đang có”.

Chia tay ra về khi mặt trời đã tắt, tôi nhớ mãi lời bà hồi chiều về bí quyết giữ hòa khí gia đình: phải chờ nhau ăn cơm chung, phải nhường nhịn, đi nước dưới…

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI