Theo các thông tin ban đầu, cả hai vụ cháy này đều có điểm giống nhau là vi phạm các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC). Điều này cho thấy, sau nhiều năm xảy ra thảm họa ITC, cuộc sống người dân ở các tòa nhà cao tầng vẫn chưa an toàn hơn.
Nhận nhà nhưng đành phó mặc cho số phận
Chung cư, nhà cao tầng là nơi tập trung đông người, được xếp vào nhóm công trình có nguy cơ cháy cao. Từ nhiều năm qua, các quy định, quy chuẩn về quản lý, xử phạt vi phạm an toàn PCCC tại các công trình cao tầng, nhà chung cư liên tục sửa đổi, bổ sung. Thế nhưng, từ quy định đến thực tế đang có một khoảng cách lớn. Nguy cơ cháy chung cư, nhà cao tầng vẫn rình rập khắp nơi.
Trước khi “thảm họa” chung cư (CC) Carina xảy ra, cách nay khoảng hai tháng, hàng trăm cư dân ở CC Hưng Ngân (Q.12) một phen hú vía khi bất ngờ một căn hộ trong CC này bốc cháy. Khi cư dân phát hiện thì khói đã bao trùm tòa nhà. Hàng trăm người tháo chạy tán loạn. Nhiều người bị kẹt trong thang máy. Rất may cảnh sát PCCC có mặt kịp thời dập lửa và giải cứu các nạn nhân ra ngoài.
|
Cách nay khoảng hai tháng, hàng trăm cư dân Hưng Ngân cũng một phen hú vía khi một căn hộ trong CC bất ngờ cháy |
Trước đó vài tháng, hỏa hoạn cũng xảy ra tại CC Saigon Pearl (Q.Bình Thạnh) và CC Nhất Lan (Q.Bình Tân). May mắn, cả hai vụ cháy này người dân đều phát hiện sớm, kịp thời thoát ra nên không xảy ra thương vong.
|
Cư dân Saigon Peal hốt hoảng bỏ chạy khi xảy ra cháy |
Dù thuộc nhóm đối tượng cần được tăng cường đảm bảo an toàn nhưng vấn đề an toàn PCCC tại các tòa nhà CC hiện nay dường như đang bị xem nhẹ. Đó là tình trạng đưa dân vào ở khi công trình chưa nghiệm thu PCCC. “Đây là chuyện chỉ xảy ra ở Việt Nam. Trên thế giới tôi không thấy ai làm vậy” - một kỹ xây dựng nhận định, khi trao đổi với báo Phụ Nữ.
Khi báo Phụ nữ liên tục phản ánh vấn đề này, khoảng giữa năm 2017, Cảnh sát PCCC TP.HCM đồng loạt kiểm tra, công bố, nhiều người giật mình khi biết có đến 12 CC chưa được nghiệm thu PCCC đã đưa dân vào ở. Cảnh sát PCCC TP.HCM hứa xử lý nghiêm.
|
Cư dân dự án The Park Residence phản ánh chủ đầu tư chưa nghiệm thu dự án đã bắt họ nhận nhà vào ở |
Cứ tưởng tình hình sẽ được cải thiện. Thế nhưng, khoảng cuối năm 2017, gần 1.000 cư dân ở hai CC: Đạt Gia Residence (Q.Thủ Đức) và The Park Residence (H.Nhà Bè) tiếp tục kêu cứu vì bị chủ đầu tư ép nhận nhà vào ở khi công trình chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Nhiều tháng đấu tranh không thành, người dân đành liều mình nhận nhà, phó mặc cho số phận.
"Dễ dãi" cơ quan chức năng "xơi" - "Nguy hiểm" cư dân phải gánh chịu?
Do được xếp vào nhóm công trình có nguy cơ cháy cao, nên Quy chuẩn Quốc gia Việt Nam về an toàn cháy cho nhà và công trình quy định khá khắt khe so với các công trình khác. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến các quy chuẩn an toàn, phòng chống cháy nổ. Tuy nhiên, giữa quy chuẩn và thực tế dường như đang có khoảng cách lớn.
Theo lãnh đạo một công ty tư vấn giám sát xây dựng có trụ sở trên địa bàn Q.1, căn cứ theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06), áp dụng cho các công trình xây dựng nhà CC thì cửa chính căn hộ trong CC phải làm bằng vật liệu có khả năng chống cháy không nhỏ hơn 45 phút.
Theo vị lãnh đạo này, với quy định trên, 45 phút là khoảng thời gian đủ để lực lượng Cảnh sát PCCC có mặt triển khai công tác chữa cháy, cứu hộ khi xảy ra cháy. Bên cạnh đó, khi một căn hộ xảy ra cháy, với thiết kế giữ lửa như trên thì chắc chắn lửa và khói không cháy lan sang các căn hộ bên cạnh hoặc lối đi chung, hành lang thoát hiểm... không làm ảnh hưởng đến việc thoát nạn của cộng đồng cư dân.
|
Cửa chính nhiều căn hộ chung cư được làm bằng gỗ |
Ngoài ra, QCVN 06 còn quy định với cửa thoát hiểm phải có khả năng chống cháy ít nhất 70 phút. Đối với các tiêu chuẩn chống cháy dành cho vách ngăn, trần nhà... còn cao hơn. Như vậy, nếu công trình thiết kế đúng quy chuẩn kỹ thuật, khi xảy ra cháy cư dân sẽ có ít nhất 115 phút để thoát ra ngoài, trong lúc chờ lực lượng chức năng triển khai phương án chữa cháy. Tuy nhiên, rất nhiều CC xây dựng hiện nay đều không thực hiện đúng quy chuẩn. Thậm chí nhiều CC lắp đặt cả cửa gỗ, cửa vật liệu MDF...
Theo ghi nhận của chúng tôi, vật liệu chống cháy bán trên thị trường hiện nay có giá khá cao. Cụ thể, giá vật liệu chống cháy dày khoảng 12 mm có giá bán trên thị trường khoảng 1,3 triệu đồng/m2. Một bộ cửa chống cháy cần khoảng 6m2, cộng thêm sơn chống cháy cho bộ cửa khoảng 300.000 đồng/m2. Như vậy, một bộ cửa chống cháy đúng quy chuẩn có giá gần 10 triệu đồng. Phải chăng để tiết kiệm các chủ đầu tư đã “đơn giản hóa” quy định này, cơ quan chức năng thì dễ dãi và nguy hiểm cư dân phải gánh chịu?
Nhận định về công tác phòng cháy hiện nay, ông Nguyễn Văn Đực - Ủy viên Ban Chấp hành Tổng Hội xây dựng Việt Nam nói: “Luật PCCC hiện nay rất “đầy” nhưng chưa đủ thoát nạn sinh tồn”.
|
Theo ông Nguyễn Văn Đực, nguyên nhân vụ cháy CC Carina thiệt hại nghiêm trọng còn do thiết kế có vấn đề |
Theo ông Đực, công tác PCCC trong các CC hiện nay được thẩm duyệt rất kỹ trên giấy nhưng khi ứng dụng vào thực tế lại khác. Điển hình là tình trạng CC chưa thẩm duyệt PCCC đã đưa dân vào ở. Đây là việc sai hoàn toàn.
Ngoài ra, luật hiện nay quy định nhiều nhưng chưa đủ. Công tác PCCC hiện nay chủ yếu chỉ thực hiện việc phòng và chống là chính. Còn vấn đề thoát nạn và cứu nạn lại phụ thuộc vào năng lực, đạo đức của chủ đầu tư và tư vấn thiết kế là chính. Đó là lý do có nhiều CC đáng lẽ thiết kế tầng hẩm phải có khoảng hở nhưng lại thiết kế kín; CC phải làm thoát khí theo chiều ngang nhưng lại làm thoát khí theo phương thẳng đứng (giếng trời) như cách CC Carina đang thực hiện. Chỉ cần cháy nhỏ khói sẽ bị hút lên cao khiến cả CC bị ngộp khói. Nhiều người chưa chết cháy đã chết ngạt. Những vấn đề này hiện nay luật hoàn toàn không có quy định.
Phan Trí - Bích Trần