Tinh lọc, tái thiết giá trị văn hóa lễ hội

01/03/2021 - 06:47

PNO - Đã hai mùa lễ hội im vắng vì dịch COVID-19. Nhưng an ủi thay, công chúng đã không còn phải tiếp nhận những hình ảnh phản cảm, xấu xí trong và sau lễ hội như từ trước đến nay…

Đền Trần (phường Lộc Vượng, TP.Nam Định) năm nay không tổ chức lễ khai ấn như mọi năm mà chỉ có phần nghi lễ truyền thống tại cung Thiên Trường, dành cho các cụ cao niên làng Tức Mặc. Ấn đền Trần vẫn được phát cho người dân và khách thập phương có nhu cầu, nhưng theo một cách khác: ban quản lý đền bố trí khu vực riêng để phát ấn. Việc phát ấn diễn ra trong trật tự, mỗi người xếp hàng, giữ khoảng cách hai mét. Trường hợp người dân muốn xin ấn số lượng lớn cũng có thể đặt trước với nhà đền và cử đại diện đến nhận. 

Những năm trước, cứ đến mùa lễ hội tháng Giêng, các phương tiện truyền thông lại đầy rẫy những hình ảnh không đẹp về việc người dân “cướp ấn đền Trần”, cướp phết tại Hội phết Hiền Quan (Phú Thọ); cảnh chen lấn, giành khách xô bồ ở lễ hội chùa Hương; những tiêu cực, phản cảm về lợi dụng tâm linh để trục lợi, cờ bạc trá hình, rác thải sau lễ hội… phản ánh những hình ảnh đáng xấu hổ về “người Việt xấu xí” qua lễ hội tưởng chừng không cách gì thay đổi được. 

Lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa của dân tộc, đừng biến những giá trị văn hóa thành phản cảm - Ảnh: T.Q.
Lễ chùa đầu năm là nét đẹp văn hóa của dân tộc, đừng biến những giá trị văn hóa thành phản cảm - Ảnh: T.Q.

Không chỉ thế, hình ảnh chen lấn nhếch nhác trước nhiều cơ sở thờ tự cũng là vấn đề đau đầu. Bên ngoài một cơ sở thờ tự nổi tiếng linh thiêng là hàng quán chen chúc, người mua kẻ bán tụ tập chen lấn, giành khách gây ra khung cảnh hết sức hỗn loạn. Lối vào miếu Bà chúa Xứ (H.Nhà Bè, TP.HCM) sực nức mùi thức ăn, hàng quán bán các loại mắm, cá khô bốc mùi nồng nặc. Cứ một đoạn lại có một người ngồi ăn xin, có cả những người cố tình mặc áo nhà Phật để mong cầu chúng sinh bố thí. 

Những hình ảnh xấu xí này tái diễn suốt nhiều năm, cơ quan quản lý không thể không biết! Có cầu tất có cung, nhưng quản lý thế nào để tôn vinh giá trị của không gian văn hóa tâm linh cũng là vấn đề cần được các nhà quản lý văn hóa lưu tâm. 

Trong mùa dịch bệnh, những lễ hội đầu năm đều bị hoãn. Nhiều đình/chùa, cơ sở tôn giáo cũng đóng cửa để phòng dịch COVID-19. Mùa lễ hội im ắng, đổi lại cho sự thiếu vắng thiệt thòi về văn hóa tinh thần này là những hình ảnh văn minh, lịch sự, sạch đẹp hơn từ các cơ sở thờ tự. Khi đền chùa đóng cửa, người dân vẫn có nhiều cách thực hành tín ngưỡng, niềm tin tâm linh của mình: hành hương, bái vọng trước cổng đền; cầu nguyện từ xa, tại nhà, hạn chế tụ tập, tiếp xúc …

Du khách dâng hương đầu năm tại đền Hùng (Phú Thọ)
Du khách dâng hương đầu năm tại đền Hùng (Phú Thọ)

Có vậy mới thấy, việc bày tỏ lòng thành với các đấng bề trên đâu phải lúc nào cũng cần đến phẩm vật xa hoa, nhang khói nghi ngút, chen lấn để được quỳ trong điện Phật. Niềm tin ấy là từ tâm mỗi người. Đi lễ chùa trong sự thong thả mới đúng là một sự cảm ngộ. Trong nhiều lý do được nêu ra để lý giải cho tình cảnh hỗn loạn, phản cảm tại các lễ hội có vấn đề nhận thức của người dân. Nhận thức của cộng đồng là yếu tố khó thay đổi trong một sớm một chiều. 

Nhưng qua hai mùa COVID-19, ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân đã được nâng cao. Truyền thông liên tục gửi đi những thông điệp tích cực, nâng cao ý thức phòng dịch của cộng đồng. Những quy định chặt chẽ, kịp thời, và việc giám sát, quản lý nghiêm khắc của cơ quan chức năng có hiệu quả ngay lập tức. Như vậy, rõ ràng vai trò của quản lý văn hóa vô cùng quan trọng. Ai được quyền cướp lộc cướp ấn nếu không được phép? Ai có thể tranh giành/chèo kéo khách nếu được giám sát, xử lý nghiêm? Sự cuồng tín, cúng bái vô tội vạ của người dân có phải cũng là sự “tiếp tay vô hình” của quản lý các cơ sở thờ tự? 

Trải qua hai mùa lễ hội im vắng vì dịch COVID-19, nhìn ở hướng tích cực, đó là khoảng thời gian để tinh lọc, tái thiết những giá trị văn hóa lễ hội. Là thời gian để các nhà làm quản lý văn hóa trả lời và tìm giải pháp cho câu hỏi: Vì sao trong dịch bệnh, mọi việc đều có thể kiểm soát được rất nhanh, mà có những vấn đề qua bao nhiêu năm vẫn không thể quản lý được? 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI