Tinh hoàn... đi lạc 20 năm khiến người đàn ông bị ung thư tinh hoàn nặng nề

11/04/2017 - 11:53

PNO - Mới đây, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vừa phẫu thuật cho một bệnh nhân nam bị ung thư tinh hoàn từ tinh hoàn đi lạc 20 năm.

Cách đây vài tháng, anh N.H.T (32 tuổi) bị đau bụng dưới kéo dài nhưng điều trị nhiều lần không khỏi. Đau không nổi nên anh đến khoa Tiết niệu của Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM để khám bệnh.

Khi thăm khám, các bác sĩ phát hiện anh T. chỉ có một tinh hoàn, các bác sĩ làm xét nghiệm, siêu chụp CT thì biết được anh T. có khối u tinh hoàn to 10 cm nằm trong bụng dưới.

Tinh hoan... di lac 20 nam khien nguoi dan ong bi ung thu tinh hoan nang ne

Bên cạnh đó anh T. có tiền sử bị tinh hoàn ẩn từ nhỏ. Năm 10 tuổi, anh T. đã được phẫu thuật tại một bệnh viện tỉnh để đưa tinh hoàn bên phải xuống bìu. Tuy nhiên, bìu bên trái thì không đưa được xuống bìu do không tìm thấy tinh hoàn.

Anh cũng không biết tinh hoàn này nằm yên trong bụng mình. Cứ tưởng tình trạng bệnh của mình đã khỏi.

Anh không ngờ bây giờ tinh hoàn ẩn này lại “biến” thành khối u ung thư... Nguy hiểm hơn, khối u tinh hoàn của anh T. là khối u ác tính, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ khối u.

TS BS Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu, Bệnh viện Đại học Y Dược, cho biết: “Vì lúc nhỏ bệnh nhân bị tinh hoàn ẩn nhưng không được cảnh báo mức độ nguy hiểm bệnh, thông thường người bị tinh hoàn ẩn có nguy cơ ung thư của tinh hoàn nằm trong ổ bụng cao gấp 4 lần so với tinh hoàn nằm trong bìu. Trường hợp này anh T. cần được theo dõi kỹ từ khi phát hiện bệnh. Đến nay đã hơn 20 năm, khi anh T. đau nhiều, đến khám thì đã muộn”

Hiện tại, sức khỏe anh T. đã ổn định, bệnh nhân được xuất viện nhưng thời gian tới anh cần được xạ trị, hóa trị theo phác đồ để khống chế ung thư. Tuy nhiên, tiên lượng của bác sĩ trong trường hợp này là thời gian sống của anh T. chỉ tầm khoảng vài năm nữa vì bệnh của anh khi được phát hiện đã quá chậm.

Tinh hoan... di lac 20 nam khien nguoi dan ong bi ung thu tinh hoan nang ne
TS BS Nguyễn Hoàng Đức, Trưởng khoa Tiết niệu chia sẻ về trường hợp nam giới bị ung thư tinh hoàn vì tinh hoàn ẩn

Theo TS BS Đức, nguyên nhân gây ung thư tinh hoàn chưa rõ. Tuy nhiên, người bị tinh hoàn ẩn có nguy cơ ung thư tăng gấp 4-8 lần so với tinh hoàn nằm trong bìu.

Khả năng ung thư tinh hoàn đối bên ở những người bệnh đã bị ung thư tinh hoàn là 1-2%. Nam giới bị vô sinh thì khả năng bị ung thư tinh hoàn cao gấp 3 lần so với nam giới có sức khỏe bình thường.

Nam giới có độ tuổi từ 20-35 tuổi có nguy cơ bị ung thư tinh hoàn rất cao. Cứ 263 người đàn ông sẽ có 1 người bị ung thư tinh hoàn.

Theo một thống kê tại Mỹ, năm 2016, quốc gia này có 8720 trường hợp nam giới bị ung thư tinh hoàn, 380 người tử vong do bệnh này.

Bác sĩ Đức khuyến cáo, khi chăm sóc con, nếu các bà mẹ nghi ngờ ở bìu con mình không có hoặc thiếu tinh hoàn thì phải đưa trẻ đi khám ngay để bác sĩ có thể can thiệp kịp thời.

Tinh hoàn ẩn ít gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé khi còn nhỏ, nhưng lớn lên thì rất nguy hiểm. Vì vậy phát hiện và xử lý tinh hoàn ẩn càng sớm càng tốt để tránh tinh hoàn ẩn có thể gây ung thư tinh hoàn, khả năng sinh con sau này của bé cũng bị ảnh hưởng.

Nam giới cần tự khám tinh hoàn của mình hàng ngày, nếu phát hiện thấy khối cứng bất thường ở tinh hoàn thì phải đến bác sĩ để thăm khám, kiểm tra ngay để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh (nếu có). Ngoài ra, việc đi kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng là một việc hết sức cần thiết.

Từ khi còn là bào thai, tinh hoàn được hình thành tại hai bên chậu hông, trong quá trình phát triển, tinh hoàn theo ống bẹn tụt dần xuống bìu từ tuần thứ 29, 30 của thai kỳ. 

Tinh hoàn ẩn hay còn gọi là tinh hoàn lạc chỗ bẩm sinh là khi trẻ được sinh ra, tinh hoàn vẫn nằm trong ổ bụng, hoặc "vướn" lại trên đường đi mà không xuống được bìu.

Tinh hoàn lạc chỗ không có khả năng sinh tinh dù cho nó vẫn có khả năng chế tiết được Testosteron. Khả năng tinh hoàn ẩn hóa ung thư tăng từ 5-60 lần, cao nhất ở những tinh hoàn nằm trong bụng

Hiện tại, y học chưa xác định được nguyên gây ra tinh hoàn ẩn. Các chuyên gia cho rằng trong đa số các trường hợp bị tinh hoàn ẩn là do một sự kết hợp của di truyền, sức khỏe bà mẹ và một số yếu tố môi trường.

Vì tinh hoàn ẩn thường nằm trong ổ bụng, hau ở đường đi xuống bìu nên một người nếu thấy hai bên tinh hoàn chênh lệch bất thường, hoặc dùng tay sờ vào bìu không cảm nhận được tinh hoàn thì nên đến bệnh viện ngay để được kiểm tra và phát hiện kịp thời.

Tinh hoàn ẩn cần được phát hiện sớm và điều trị khi bệnh nhân được một tuổi. Sau một tuổi, tinh hoàn ẩn không thể tự di chuyển xuống bìu được mà bắt đầu có sự thay đổi về cấu trúc và chức năng theo hướng xấu đi.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI