Tiến sĩ, bác sĩ (BS) Nguyễn Hoàng Đức - Trưởng khoa Tiết niệu, BV ĐHYD TP.HCM - cảnh báo: nếu không điều trị tinh hoàn ẩn sớm thì khi lớn lên, nguy cơ bị ung thư tinh hoàn cao gấp bốn - tám lần so với người có tinh hoàn ở vị trí bình thường và nguy cơ vô sinh cũng rất cao.
Ung thư do tinh hoàn ẩn sai vị trí trong 20 năm
Đầu tháng 4/2017, anh Nguyễn T. (SN 1985) đến khoa Tiết niệu, BV ĐHYD TP.HCM khám do đau bụng dưới kéo dài gần cả tháng, trong khi bình thường anh rất khỏe mạnh, ít bệnh vặt. Lúc đầu, anh cứ tưởng do ăn uống khó tiêu nên ra hiệu thuốc Tây gần nhà mua thuốc uống nhưng bệnh không thuyên giảm.
Nghe hàng xóm “chẩn đoán” bệnh của mình là sỏi thận, anh nấu hạt chuối hột, nước dừa với rau om uống, cũng không ăn thua. Anh đến cơ sở y tế địa phương khám cũng không ra bệnh nên người nhà đưa anh đến BV ĐHYD khám. Kết quả chụp CT khiến anh cùng gia đình bàng hoàng: anh T. có khối u tinh hoàn nằm trong bụng dưới với kích thước lên đến 10cm.
Khi đó, người nhà anh T. mới cho biết, anh bị tinh hoàn ẩn khi còn bé. Đến năm 12 tuổi, gia đình đưa anh đến BV tỉnh để phẫu thuật kéo tinh hoàn xuống bìu, nhưng BS chỉ giải quyết được tinh hoàn bên phải, còn bên trái thì “giữ nguyên hiện trường” do BS không tìm thấy “hòn bi” còn lại.
Vài ngày sau, T. xuất viện và không một ai giải thích hay cảnh báo cho T. hay người thân biết: phải tiếp tục đi khám để tìm “hòn bi đi lạc” đưa về đúng vị trí, nếu không, sẽ có nguy cơ vô sinh hay ung thư.
Vì thế, sau khi xuất viện, cả T. và gia đình đều an tâm vì nghĩ khiếm khuyết tế nhị của anh đã khắc phục xong. Sau 20 năm, khi cơn đau bụng kéo dài, anh T. đi khám, mới biết bị ung thư tinh hoàn.
BS Nguyễn Hoàng Đức xác định: “Anh T. bị ung thư tinh hoàn do tinh hoàn ẩn, nằm trong ổ bụng quá lâu. Lẽ ra, trước đây, BS phải cảnh báo cho bệnh nhân biết nguy cơ này khi không đưa được tinh hoàn trái xuống bìu”. Hiện, sức khỏe của anh T. đã tạm ổn, sắp tới sẽ được hóa trị, xạ trị.
3-5% trẻ mới sinh ra bị tinh hoàn ẩn
Tinh hoàn ẩn là bệnh lý rất thường gặp ở bé trai và là bất thường ở cơ quan sinh dục nam phổ biến nhất. Trong năm 2016 và ba tháng đầu năm 2017, BV Nhi Đồng 2 (TP.HCM) đã tiếp nhận 1.189 lượt trẻ đến khám tinh hoàn ẩn, trong đó có đến 871 trường hợp nhập viện.
Theo thạc sĩ, BS Phan Tấn Đức - quyền Trưởng khoa Niệu, BV Nhi Đồng 2, có trẻ bị tinh hoàn ẩn chỉ một bên, có trẻ bị tinh hoàn ẩn hai bên. Trong thời kỳ bào thai, tinh hoàn của bé trai nằm trong bụng.
Cùng với sự phát triển của bào thai, tinh hoàn sẽ di chuyển dần từ ổ bụng xuống hai túi da bìu. Đa số bé trai sinh ra có hai tinh hoàn nằm trong bìu, nhưng cũng có 3-5% số trẻ mới sinh ra, nhất là trẻ sinh non, tinh hoàn có thể đi lạc vào bẹn, vào ổ bụng.
Có những trường hợp, tinh hoàn dần dần “chạy” xuống bìu trước sáu tháng sau sinh, còn nếu ẩn luôn thì phải phẫu thuật để đưa về đúng vị trí. Vì vậy, ngay sau khi sinh, các bà mẹ nên kiểm tra xem con trai của mình có đủ hai “hòn bi” hay không.
Nếu không tìm thấy thì cần đưa trẻ đến BV kiểm tra sớm vì tinh hoàn ẩn sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như: tinh hoàn đi lạc vào nơi nhiệt độ cao hơn ở bìu sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh tinh của tinh hoàn, khiến trẻ đối diện nguy cơ vô sinh sau này.
Tinh hoàn ở trên cao dễ bị ảnh hưởng bởi chấn thương hoặc tình trạng xoắn tinh hoàn; chỉ có một tinh hoàn hoặc không có làm bìu hai bên không đối xứng, hoặc là hai túi rỗng sẽ dễ gây mặc cảm tự ti cho trẻ; cũng có thể xảy ra thoát vị bẹn do nguyên nhân tinh hoàn không di chuyển, lỗ bẹn không được đóng kín.
Nguy hiểm nhất là nguy cơ ung thư tinh hoàn từ tinh hoàn ẩn, nguy cơ này cao gấp bốn-tám lần so với người có tinh hoàn ở vị trí bình thường. Do đó, với bệnh lý này, phải điều trị càng sớm càng tốt. Trẻ qua sáu tháng tuổi là có thể điều trị bằng cách phẫu thuật để đưa tinh hoàn về hai bìu.
BS Phan Tấn Đức giải thích: “Điều trị càng sớm thì tỷ lệ thành công càng cao, vì khi trẻ càng lớn, cơ thể trẻ dài hơn nhưng mạch máu ở tinh hoàn ẩn không dài theo nên việc mổ kéo tinh hoàn xuống hai bìu sẽ khó thành công hơn. Thêm nữa, việc mổ trễ khi trẻ sau ba tuổi có thể khiến tinh hoàn bị teo, ảnh hưởng đến chức năng sinh sản sau này, cũng như ảnh hưởng tâm lý của trẻ”.
Điều đáng tiếc là trên thực tế, có rất nhiều trường hợp trẻ được điều trị tinh hoàn ẩn rất trễ. BS Phan Tấn Đức cho biết, vào mỗi mùa hè, có nhiều trẻ hơn sáu tuổi mới được cha mẹ đưa đến BV để chữa tinh hoàn ẩn do có những phụ huynh quan niệm: tinh hoàn ẩn sẽ xuống từ từ nên ráng chờ, hoặc có những bà mẹ sợ con còn nhỏ đã bị “dao kéo”, nên để đến lớn mới điều trị.
Ung thư tinh hoàn rất phổ biến ở nam giới từ 20-35 tuổi, với tỷ lệ mắc là 1/263 người. Năm 2016, tại Mỹ, có 8.720 trường hợp ung thư tinh hoàn được phát hiện và 380 người đã tử vong do bệnh lý nguy hiểm này.
Một số yếu tố nguy cơ gây ung thư tinh hoàn gồm: tinh hoàn ẩn; khả năng ung thư tinh hoàn còn lại ở những người bệnh đã bị ung thư tinh hoàn là 1-2%; bất thường gen như hội chứng Klinefelter 47 XXY; nam vô sinh có nguy cơ ung thư tinh hoàn cao hơn ba lần; ảnh hưởng của chất độc da cam.
Để phát hiện sớm ung thư tinh hoàn, nam giới cần tự khám tinh hoàn mỗi ngày giống như phụ nữ tự khám vú. Nếu phát hiện thấy khối cứng bất thường ở tinh hoàn thì phải đi khám ngay với BS chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
TS-BS Nguyễn Hoàng Đức
|
Thùy Dương