Tình hình Ukraine: Thủ tướng Yatsenyuk từ chức để trở lại?

12/04/2016 - 07:57

PNO - Tổng thống Poroshenko bác bỏ việc giải tán Quốc hội khi đang dính líu tới "Hồ sơ Panama", còn Thủ tướng Yatsenyuk lại đang nhận được sự ưu ái của Mỹ.

Tổng thống Ukraine bác bỏ giải tán quốc hội

Ngày 10/4, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã bác bỏ việc giải tán quốc hội, tuyên bố vẫn muốn tiếp tục làm việc với quốc hội hiện tại.

Phát biểu trên kênh truyền hình Ukraine, Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh ông tôn trọng quốc hội hiện tại và không muốn xung đột với cả quốc hội lẫn chính phủ.

Trước đó, Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk đã thông báo quyết định từ chức ngày 10/4, chỉ chưa đầy 2 tháng sau khi ông vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội.

Tinh hinh Ukraine: Thu tuong Yatsenyuk tu chuc de tro lai?
Tổng thống Poroshenko tuyên bố vẫn muốn tiếp tục làm việc với quốc hội hiện tại.

Ông Yatsenyuk đưa ra một số lý do để rút lui như "cuộc khủng hoảng chính trị giả tạo", và các chính trị gia không muốn mang lại những thay đổi thực sự cho đất nước.

Trước sự bất ngờ này, đảng "Khối đối lập" Ukraine cho rằng việc Thủ tướng Yatsenyuk quyết định từ chức có nghĩa là chính quyền đương nhiệm đã sụp đổ, việc thay thế chính phủ cũng sẽ không xoay chuyển được tình hình, vì vậy quốc gia Đông Âu này cần tổ chức bầu cử quốc hội trước thời hạn (ngày 6/9) nhằm thành lập một chính phủ mới có thể giúp Ukraine thoát khỏi khủng hoảng.

Cùng ngày, nghị sĩ Anton Gerashchenko thuộc đảng "Mặt trận nhân dân" cho biết Quốc hội Ukraine ngày 12/4 sẽ bỏ phiếu bãi nhiệm ông Yatsenyuk, thành lập liên minh mới, sau đó đề cử ứng viên thủ tướng mới.

Tổng thống Poroshenko đã yêu cầu Thủ tướng Yatsenyuk từ chức do người dân mất lòng tin đối với ông về vấn đề chống tham nhũng và khắc phục tình trạng trì trệ của nền kinh tế Ukraine.

Trong 1 năm rưỡi qua, Quốc hội và Chính phủ Ukraine đã gây thiệt hại to lớn cho mỗi người dân và cả đất nước Ukraine, như lạm phát lên tới 50%, đồng nội tệ hryvnia mất giá, thuế tăng gấp 7 lần, trong khi nợ quốc gia tăng lên 1.500 tỷ hryvnia.

Để tránh cuộc khủng hoảng chính trị trở nên sâu sắc, Tổng thống Poroshenko cũng đã đề xuất cải tổ liên minh và thành lập chính phủ mới.

Tổng thống Poroshenko và Thủ tướng Yatsenyuk được cho là luôn ở tình trạng “bằng mặt nhưng không bằng lòng”. Theo giới phân tích, hai nhà lãnh đạo cao nhất của Ukraine luôn ở tư thế đối đầu với nhau. Họ không thể làm gì mà không có nhau, nhưng nếu có cơ hội họ sẵn sàng loại bỏ nhau một cách không thương tiếc.

Tinh hinh Ukraine: Thu tuong Yatsenyuk tu chuc de tro lai?
2 lãnh đạo Ukraine luôn ở trong tư thế đối đầu.

Thủ tướng Yatsenyuk từ chức chỉ là giả tạo

Tuy nhiên, đứng trước việc Thủ tướng Yatsenyuk từ chức, ông Dennis Schedrivy - blooger chính trị Ukraina nói với Sputnik, mặc dù ông Arseniy Yatsenyuk tuyên bố từ chức Thủ tướng Ukraina hôm 10/4, song đây có thể là một phần trong cuộc chơi chính trị lớn hơn, và ông ta vẫn có thể ở lại làm lãnh đạo đất nước.

"Cần nhớ một điều rằng, khi nói đến Ukraina, không có gì thực sự là chắc chắn" - Dennis giải thích. "Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều nhận ra đây là một phần của trò chơi lớn hơn. Đây không phải là lần đầu tiên ông Yatsenyuk có ý định từ chức".

Blogger nói thêm, mặc dù có thể đã nộp đơn từ chức, song Quốc hội và Tổng thống Ukraina vẫn phải chấp thuận thì đơn từ chức mới có hiệu lực.

Một điểm khác quan trọng cần nhớ là không có điều gì diễn ra ở Ukraina mà không có sự chấp thuận của một số cường quốc bên ngoài, đặc biệt là Mỹ, nước kiểm soát cơ bản chính trường Ukraina. "Cho đến khi chính phủ Mỹ chấp thuận cho ông Yatsenyuk từ chức, thì mọi việc chưa có gì là thực sự chắc chắn" - Dennis nói.

Trong khi đó, Nhà Trắng thông báo Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thảo luận với Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk tầm quan trọng của việc tiếp tục kế hoạch cải cách kinh tế và tiến tới trở thành một quốc gia độc lập về năng lượng mà Kiev đang tiến hành.

Mỹ cho biết hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tầm quan trọng của việc thành lập một nội các mới ở Ukraine cam kết thực hiện những cải cách cần thiết, đặc biệt là những cải cách được Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Liên minh châu Âu (EU) đề xuất.

Hơn nữa, sự ra đi này của Thủ tướng Ukraine nhằm đúng vào lúc tình hình Ukraine đang căng thẳng và những bất ổn chính trị đã kéo theo hàng loạt các bất ổn khác về kinh tế và xã hội tại đất nước này.

Một điều đáng chú ý, thời điểm Thủ tướng Ukraine từ chức cũng vào thời điểm Tổng thống Petro Poroshenko đang hứng chịu một cú sốc liên quan tới tài liệu bị rò rỉ Hồ sơ Panama có liên quan tới việc trốn thuế của công ty kẹo của ông từ trước khi ông giữ chức Tổng thống.

Việc Tổng thống Ukraine tuyên bố sẽ minh bạch các khoản tài chính ở Nhật Bản cũng tạo ra sự thất vọng cho người dân nước này.

"Niềm tin đã bị mất, và nó đã được thay thế bởi sự nghi ngờ", ông Tymofiy Mylovanov, Hiệu trưởng Trường Kinh tế Kiev nhận xét.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI