Tính hiệu quả của các mô hình giảm nghèo mới

27/09/2022 - 07:56

PNO - Trong giai đoạn 2021-2022, TPHCM có 44 mô hình giảm nghèo tiêu biểu, được đánh giá cao. Những mô hình này đã giúp người dân thoát nghèo ra sao và giải pháp nào để người dân thoát nghèo bền vững?

Phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM đã phỏng vấn ông Lê Văn Thinh - Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chương trình Giảm nghèo bền vững TPHCM - về những nội dung này.


*Phóng viên: Trong thời gian qua, các địa phương, đơn vị không ngừng nỗ lực, tìm kiếm các mô hình giảm nghèo bền vững. Ông đánh giá như thế nào về tính hiệu quả của các mô hình này?

- Ông Lê Văn Thinh: Nhìn chung, các mô hình giảm nghèo được áp dụng ở TPHCM thời gian qua đã mang lại hiệu quả không nhỏ. Các mô hình ở cộng đồng dân cư đều mang tính chủ động, sáng tạo, áp dụng giống mới, kỹ thuật mới, cây con mới… nhằm phát triển kinh tế hộ, giúp các hộ nỗ lực vươn lên, không ỷ lại vào sự hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước.

Việc triển khai các mô hình này cũng linh hoạt, gắn việc hỗ trợ vốn với việc tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức khoa học kỹ thuật, tạo ra nhiều cơ hội cho hộ nghèo, người nghèo tự vươn lên trong cuộc sống. Cũng có một số mô hình người có giúp người khó để san sẻ khó khăn với người nghèo. 

* Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, nhiều người ở TPHCM mất việc làm, rơi vào cảnh nghèo khó. Những trường hợp này được hỗ trợ ra sao, thưa ông?

- Dịch COVID-19 khiến việc thực hiện chương trình Giảm nghèo bền vững gặp rất nhiều khó khăn. Để không bỏ sót những trường hợp khó khăn, từ tháng 10/2022, sở đã rà soát, bổ sung gần 4.200 hộ nghèo, cận nghèo vào chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Như vậy, đầu giai đoạn 2021-2025, toàn thành phố có 58.019 hộ nghèo, cận nghèo, chiếm 2,29% tổng hộ dân. Đến cuối năm 2021, có 2.975 hộ ra khỏi diện nghèo, cận nghèo. Kết quả giảm nghèo năm 2021 chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra do dịch COVID-19 kéo dài lây lan trên diện rộng.

* Có ý kiến cho rằng tốc độ giảm nghèo của TPHCM nhanh nhưng nguy cơ tái nghèo vẫn còn. Ông nghĩ sao về nhận định này?

- Qua các giai đoạn, TPHCM có tốc độ giảm nghèo nhanh, hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo trước hạn từ 1-2 năm và tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm đều vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Qua đánh giá, chúng tôi nhận thấy, tỷ lệ hộ tái nghèo tương đối thấp. Tình trạng tái nghèo là do trong cuộc sống, có những chuyện không lường trước được, như thành viên trong hộ hoặc lao động chính trong hộ bị tai nạn, bệnh hiểm nghèo, ảnh hưởng đến kinh tế của hộ.

Thêm nữa, cũng còn một bộ phận người nghèo chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao trình độ học vấn, trình độ nghề, dẫn đến nguy cơ thất nghiệp, việc làm không ổn định; một số hộ nghèo có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào chính sách hỗ trợ, chưa có ý thức tổ chức làm ăn để vươn lên thoát nghèo một cách căn cơ, bền vững; một số hộ phấn đấu, tổ chức sản xuất nhưng còn mang tính nhỏ lẻ, mức vốn đầu tư không lớn nên hiệu quả chưa cao, thu nhập có tăng nhưng không theo kịp với tăng trưởng kinh tế, xã hội chung của thành phố. Do đó, khi UBND thành phố điều chỉnh chuẩn nghèo cho giai đoạn mới với mức cao hơn thì những hộ này lại rơi vào diện nghèo, cận nghèo.

Để khắc phục, nhất là tập trung các chỉ số thiếu hụt trong chuẩn nghèo đa chiều, chúng tôi đẩy mạnh công tác truyền thông để các hộ nghèo, hộ cận nghèo và người dân hiểu đầy đủ về các chế độ, chính sách chăm lo, hỗ trợ của chương trình Giảm nghèo bền vững, đồng thời làm cho các hộ dân thấy được nghĩa vụ, trách nhiệm phải nỗ lực, phấn đấu vươn lên thoát nghèo, không ỷ lại.

Chúng tôi cũng đề cao vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc chỉ đạo, điều hành công tác giảm nghèo bền vững; thường xuyên củng cố, kiện toàn ban chỉ đạo giảm nghèo bền vững các cấp, nhất là ở các xã, thị trấn, kể cả các tổ trưởng tổ tự quản giảm nghèo.

* Theo ông, cần có những giải pháp gì để công tác giảm nghèo ở TPHCM đạt hiệu quả cao và bền vững hơn?

- TPHCM đang từng bước hồi phục kinh tế và ứng phó linh hoạt với diễn biến dịch COVID-19. Tuy vậy, người dân vẫn còn e dè, chưa mạnh dạn trong tổ chức sản xuất, kinh doanh. Công tác giải ngân nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm còn chậm; một số người dân vẫn còn khó khăn trong tìm kiếm việc làm, ổn định công việc. Nhân sự làm công tác giảm nghèo ở cấp phường xã đang kiêm quá nhiều công việc nên công tác giảm nghèo cũng bị ảnh hưởng về chất lượng và tiến độ.

Chúng tôi đề xuất, UBND thành phố tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách phát triển kinh tế, hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo đang gặp khó khăn để ổn định cuộc sống, đẩy mạnh công tác cho vay vốn tín dụng ưu đãi để góp phần tăng thu nhập cho các hộ nghèo, cận nghèo.

Chúng tôi cũng đề xuất, UBND thành phố sớm bổ sung vốn từ ngân sách thành phố cho nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo và chương trình cho vay giải quyết việc làm năm 2021 và năm 2022 để kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của các hộ trong chương trình Giảm nghèo bền vững, đồng thời kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung cán bộ hoạt động không chuyên trách ở cơ sở theo đặc thù của từng địa phương.

Chúng tôi cũng đề xuất Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định về điều kiện, thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu, tăng mức hỗ trợ, thụ hưởng đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo.

* Xin cảm ơn ông. 

Tuyết Dân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI