'Tinh gọn' bộ máy nhìn từ quản lý an toàn thực phẩm: Vẫn cồng kềnh, chồng chéo

09/10/2017 - 09:01

PNO - Để giải quyết các bất cập tồn tại thời gian dài, đòi hỏi phải có cơ chế và thời gian. Ban chỉ vừa thành lập 6 tháng với đủ khó khăn về biên chế, nhân sự, phương tiện, kinh phí khi thực hiện chia tách từ các sở.

Quản lý an toàn thực phẩm vẫn cồng kềnh, chồng chéo. Trong khi đó, mô hình Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM dường như đã đi tiên phong theo tinh thần “tinh gọn” của Hội nghị Trung ương VI lại chưa được nhìn nhận vai trò đồng bộ ở cấp quốc gia, khiến công tác bảo đảm an toàn thực phẩm chưa thay đổi.

'Tinh gon' bo may nhin tu quan ly an toan thuc pham: Van cong kenh, chong cheo
Lực lượng kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại TP.HCM

“Đây là một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, bản thân tôi cũng bất ngờ trước số lượng hàng ngàn con heo bị tiêm thuốc, xảy ra đồng loạt tại lò mổ quy mô lớn nhất thành phố”. Đó là phát biểu của bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (BQL ATTP) TP.HCM - trong cuộc đối thoại với chúng tôi liên quan đến vụ việc phát hiện 3.750 con heo (của 13/21 thương lái) bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi, TP.HCM).

Lực lượng tại chỗ “bất lực”, quản lý thuốc thú y bị buông lỏng

- Thưa bà, bà có thể cho biết diễn tiến mới nhất liên quan đến việc xử lý 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại huyện Củ Chi vừa qua?

- Bà Phạm Khánh Phong Lan: Tất cả các chỉ đạo của UBND TP.HCM liên quan đến vụ việc này đã và đang được các sở ngành khẩn trương thi hành. Việc tiêu hủy số heo bị tiêm thuốc an thần không đơn giản. Cơ quan chức năng cần phải bảo đảm các yêu cầu về thủ tục, quy trình, an toàn môi trường và khả năng tiếp nhận nên đòi hỏi phải có thời gian.

'Tinh gon' bo may nhin tu quan ly an toan thuc pham: Van cong kenh, chong cheo
Bà Phạm Khánh Phong Lan

Do lãnh đạo TP đã kịp thời chỉ đạo các biện pháp bình ổn thị trường, không để tình trạng khan hiếm, nâng giá thịt heo trong thời gian cơ sở giết mổ Xuyên Á bị tạm dừng hoạt động, nên giá thịt heo trên thị trường ổn định, nguồn cung vẫn bảo đảm. Tuy nhiên, ghi nhận sức tiêu thụ có ít hơn, vì tâm lý e ngại của người dân.

- Bà nghĩ sao khi vụ việc do Đoàn Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường phía Nam (C49B) và Chi cục Thú y (trực thuộc Sở NN-PTNT TP.HCM) phát hiện vào tối 28/9?

- Bà Phạm Khánh Phong Lan: Tôi cho rằng đây là một vụ việc đặc biệt nghiêm trọng. Bản thân tôi cũng bất ngờ trước số lượng hàng ngàn con heo bị tiêm thuốc an thần, xảy ra đồng loạt tại lò mổ quy mô lớn nhất TP.

Điều này chứng tỏ sự bất lực của lực lượng chức năng tại chỗ, là đội ngũ thú y, cần phải chấn chỉnh ngay. Nếu không thì đừng nói gì đến chuyện bảo đảm an toàn thực phẩm với thịt heo đã nhiễm ngay từ nguồn.

Và không phải chỉ có cơ sở Xuyên Á, chúng ta không loại trừ khả năng hành vi này vẫn thực hiện ở các lò mổ khác, trong và ngoài TP. Đặc biệt, các lò mổ lậu, thường sử dụng an thần để không ai nghe tiếng heo kêu trong quá trình giết mổ, cũng như trước quá trình vận chuyển heo.

Do đó, theo tôi, cần tăng cường hiệu quả việc kiểm tra giết mổ và thẳng tay tiêu hủy nếu phát hiện sai phạm. Ngoài ra, tôi cho rằng cũng phải nghiêm túc xem xét việc quản lý thuốc thú y, ở đây là thuốc an thần, hiện đang bị buông lỏng.

- Tất nhiên lỗi trước tiên do thú y, và vẫn biết rằng việc kiểm soát thịt vào TP đang do ngành nông nghiệp nắm giữ, nhưng trong vụ này, không lẽ không có vai trò của BQL ATTP TP.HCM, thưa bà?

- Bà Phạm Khánh Phong Lan: BQL ATTP vẫn theo dõi chặt vụ việc, có phương án chốt chặn không cho thịt bẩn ra thị trường và tham mưu cho UBND TP quyết định xử lý tiêu hủy. Đồng thời, chúng tôi cũng nhận được chỉ đạo của Bộ NN-PTNT trong suốt vụ việc.

Việc phân cấp trong quản lý đã được quy định trong quy chế hoạt động thống nhất giữa các sở ngành. Trong đó, Sở NN-PTNT, với Chi cục Thú y, chịu trách nhiệm các khâu chăn nuôi, giết mổ và kiểm dịch đầu vào. Còn BQL ATTP chịu trách nhiệm từ lúc thịt ra thị trường, vào các chợ đầu mối, siêu thị... Thật ra, nếu từng mắt xích làm tốt thì mô hình này vẫn bảo đảm. Thế nhưng, vấn đề là khi một khâu bị buông lỏng, thì hậu quả sẽ là sự thất bại của toàn bộ quy trình.

Đây cũng là một bài học, mà các sở ngành, gồm nông nghiệp và BQL ATTP phải bàn bạc, phân công lại nhằm bảo đảm tất cả các khâu được kiểm soát.

Mô hình FDA mới có thể thay đổi thật sự

- Cũng qua vụ việc trên, bà nghĩ sao về tính bất cập trong xử lý vi phạm an toàn thực phẩm hiện tại, mà theo nhiều người đánh giá vẫn còn nhẹ tay?

- Bà Phạm Khánh Phong Lan: Tôi xin hỏi ngược lại, nếu không có BQL ATTP TP, thì liệu vụ việc vừa qua sẽ xử lý như thế nào? Vì nếu chỉ căn cứ máy móc theo Nghị định 90 (do Chính phủ ban hành ngày 31/7/2017 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y) thì sẽ có khả năng số lượng heo này vẫn tiếp tục tiến ra thị trường. Các quy định về xử phạt hiện nay còn nương nhẹ các hành vi vi phạm, không đáp ứng những thực tế ngày càng phức tạp.

- Trở lại mục đích thành lập BQL ATTP TP.HCM là muốn quy trách nhiệm quản lý về một mối, tức là có người thực sự làm việc, thực sự chịu trách nhiệm. Như thế, hiện nay việc quản lý thực phẩm còn mang “tinh thần” này không, thưa bà?

- Bà Phạm Khánh Phong Lan: Để giải quyết các bất cập tồn tại cả một thời gian dài, đòi hỏi phải có cơ chế và thời gian. Ban chỉ vừa thành lập 6 tháng với đủ khó khăn về biên chế, nhân sự, phương tiện, kinh phí khi thực hiện chia tách từ các sở.

Như đã nói, ban là mô hình duy nhất trong khi cơ chế vẫn như cũ ở cả trung ương và các tỉnh thành khác. Thí dụ như các quy định về xử phạt thì chưa được thay đổi. Nhưng ban khắc phục sự chồng chéo bằng cách tổ chức mô hình các đội quản lý an toàn thực phẩm liên quận huyện. Do khó khăn về trụ sở nên chỉ bố trí một đội cho ba quận thay vì mỗi đội một quận. Đồng thời, chúng tôi thực hiện phối hợp tại chỗ với quận huyện, tránh trùng lắp.

Thời gian qua, ban đã thực hiện quy chế phối hợp với các quận huyện, triển khai công tác an toàn thực phẩm đến từng địa bàn. Khi thống nhất cả 3 chuyên ngành, ban đã xây dựng và triển khai các định hướng tập trung công việc, như bếp ăn tập thể, suất ăn cho khu công nghiệp, trường học, xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn, đẩy mạnh thông tin truyền thông... Có thể nói, chúng tôi đã bắt nhịp vào công việc với tốc độ nhanh nhất có thể.

Ban vẫn làm việc trên tinh thần trách nhiệm là đầu mối trong công tác an toàn thực phẩm. Nhưng điều đó không có nghĩa là thiếu trách nhiệm của ngành khác. Ngành nông nghiệp vẫn trực tiếp phụ trách khâu nuôi trồng, giết mổ và kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi; ngành công thương vẫn lo việc chống hàng gian, hàng giả và gian lận thương mại, kể cả thực phẩm. Ngành y tế vẫn quản lý hệ thống bệnh viện để xử lý cấp cứu ngộ độc... Ban quản lý vẫn đang phối hợp các ngành trong hoạt động chung của Ban chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM.

- Hội nghị Trung ương VI vừa rồi nhận định “tổ chức bộ máy vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, kém hiệu lực, hiệu quả; chức năng, nhiệm vụ của một số tổ chức còn chồng chéo; cơ cấu bên trong chưa hợp lý”. Bà có nghĩ mô hình BQL ATTP TP.HCM đã đi tiên phong đúng với tinh thần này? Cứ mang tư duy tổ chức việc quản lý an toàn thực phẩm hiện nay ra đối chiếu với nhận định của Hội nghị Trung ương VI, và nhìn từ một sự kiện cụ thể mới xảy ra, sẽ thấy rõ chuyện tinh giản bộ máy đâu có dễ phải không thưa bà?

- Bà Phạm Khánh Phong Lan: Đơn giản là nói thì dễ, làm mới khó. Chúng tôi đang bắt tay vào làm và đúng là gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nếu không có người đi tiên phong thì làm sao có thay đổi?

Tuy nhiên, tôi thấy nếu có thể thống nhất ở cấp trung ương như mô hình FDA (cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm) như ở các nước thì mới thật sự thay đổi. Với mô hình FDA mới có được các quyết sách phù hợp và đồng bộ, không chồng chéo nhau.

Còn nếu chỉ ở cấp độ TP.HCM, thì vẫn rất hạn chế. Vì chúng ta chỉ là đơn vị triển khai trong phạm vi thành phố, mà an toàn thực phẩm thì liên quan đến rất nhiều địa phương, ban ngành.

- Chuyện quản lý thực phẩm dường như vẫn chưa thoát ra được mớ “chằng chịt” gồm công thương, nông nghiệp, rồi nào là Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm TP.HCM? Vậy trong những chồng chéo đó, xin bà cho biết vai trò của BQL ATTP TP ra sao?

- Bà Phạm Khánh Phong Lan: BQL ATTP TP.HCM đã và đang thể hiện là đầu mối quản lý an toàn thực phẩm cho TP, tăng cường tính thường trực, khẩn trương và kịp thời.

Tuy nhiên, ban là mô hình thí điểm của TP thôi, cho nên mọi định chế khác từ trung ương đến địa phương vẫn giữ nguyên. Thí dụ như hệ thống ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm, gồm đại diện các ngành ở tất cả các cấp trung ương, tỉnh thành, quận huyện, phường xã. Dĩ nhiên, cùng với đó là các hạn chế do chế độ kiêm nhiệm giống như các ban chỉ đạo khác.

Ở cấp thành phố của ta, Trưởng BQL ATTP giữ vị trí Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong vụ việc vừa qua, ban chỉ đạo đã thể hiện vai trò khi kịp thời tham mưu cho UBND TP quyết liệt xử lý tiêu hủy heo tiêm thuốc an thần, đóng cửa lò mổ để chấn chỉnh...

- Xin cảm ơn bà.

Nghiên cứu bổ sung mức phạt nghiêm khắc

Xét đề nghị của Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm ngay sau khi phát hiện 3.750 con heo bị tiêm thuốc an thần trước khi giết mổ tại cơ sở giết mổ Xuyên Á (huyện Củ Chi), UBND TP.HCM đã có công văn khẩn chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với đoàn thanh tra khẩn trương tiêu hủy toàn bộ số heo đã được cơ quan chức năng phát hiện, xác định bị tiêm thuốc. 

Thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố công khai danh sách 13 thương lái vi phạm và phải có biện pháp kiểm soát chặt sản phẩm thịt heo từ nguồn các thương lái trên khi vào địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tham mưu hình thức xử phạt và tạm dừng hoạt động cơ sở giết mổ Xuyên Á để chấn chỉnh theo định hướng cơ sở giết mổ tập trung hiện đại của thành phố. Sở Tư pháp có trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị bổ sung quy định các mức xử phạt nghiêm khắc vi phạm hành chính đối với hành vi nêu trên. Sở Công thương có biện pháp bình ổn thị trường, không để tình trạng khan hiếm, nâng giá thịt heo trong thời gian cơ sở giết mổ Xuyên Á tạm dừng hoạt động

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI