Tại phiên chất vấn sáng 30/10, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã báo cáo nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.
Liên quan tới vấn đề cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, nhiều nội dung theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đã được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt. Đề án tổng thể sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã từ nay đến năm 2021 đang được triển khai. Cơ chế một cửa liên thông được triển khai có hiệu quả. Nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm và đơn giản hóa...
|
Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nêu nhiều vấn đề tồn tại trong các lĩnh vực, trong đó có việc tinh giản bộ máy hành chính |
“Việc tinh giản biên chế mới chỉ tập trung về số lượng mà chưa chú trọng tới chất lượng và vị trí việc làm. Số đầu mối không tăng nhưng chưa được sắp xếp tinh gọn. Chưa ban hành tiêu chí thành lập phòng, vụ, cục, tổng cục và tương đương thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ”, báo cáo nêu rõ mặt hạn chế trong lĩnh vực này.
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, tình trạng ô nhiễm môi trường tiếp tục được rà soát, đánh giá. Nhiều giải pháp kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường được tổ chức thực hiện. Nhiều vụ việc trọng điểm về ô nhiễm môi trường đã được xử lý. Hệ thống xử lý nước thải tập trung trong các cụm, khu công nghiệp tiếp tục được xây dựng, hoàn thiện.
Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường ở một số nơi vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn hạn chế. Việc di dời, hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất nằm trong các khu dân cư, vùng đô thị vào các khu, cụm công nghiệp còn chậm. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều làng nghề còn khá nghiêm trọng, chế tài xử lý chưa nghiêm“, báo cáo nêu.
Đối với lĩnh vực giáo dục và đào tạo, việc đổi mới tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đã mang lại những kết quả nhất định. Công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được đẩy mạnh. Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa, giáo dục phổ thông cơ bản được thực hiện theo lộ trình. Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và dự thảo các chương trình môn học được triển khai khá thận trọng...
Ngoài những kết quả đạt được, báo cáo nhận định, tiến độ xây dựng các đề án trong lĩnh vực giáo dục còn chậm so với kế hoạch. Chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu. Tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường không tìm được việc làm còn nhiều.
“Kỳ thi THPT quốc gia còn một số tồn tại nhất định như chất lượng ngân hàng đề thi, tính bảo mật trong quy trình thi dẫn đến xảy ra sai phạm nghiêm trọng tại một số địa phương ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của xã hội. Tỷ lệ phân luồng sau trung học cơ sở chưa đạt yêu cầu”, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc thông tin.
Đối với lĩnh vực y tế, theo báo cáo, thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh được đơn giản hóa. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được nâng lên; chất lượng chuyên môn cũng như thái độ ứng xử của cán bộ y tế có chuyển biến tích cực. Nhiều ứng dụng khoa học, công nghệ trong điều trị được sử dụng. Giá dịch vụ khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế đang dần đi đúng hướng....
Dù vậy, chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người dân. Tình trạng quá tải ở các bệnh viên tuyến trên chưa được khắc phục căn bản. Tình trạng thiếu điều dưỡng viên, mất vệ sinh môi trường bệnh viện còn phổ biến.
Đặc biệt, báo cáo nhắc tới việc các sự cố y khoa gây tổn hại sức khỏe người bệnh, thậm chí dẫn đến tử vong, tình trạng an ninh bệnh viện, bạo hành với cán bộ y tế tại bệnh viện vẫn còn xảy ra. Nguồn nhân lực tại y tế cơ sở còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, bán thuốc không theo đơn thuốc còn phổ biến.
Trong lĩnh vực tư pháp, chất lượng hoạt động điều tra, kiểm sát hoạt động điều tra và truy tố tiếp tục được tăng cường. Số vụ Viện kiểm sát yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự và số lượng, chất lượng các bản yêu cầu điều tra tăng. Nhưng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp còn để xảy ra trường hợp bị can bị oan trong giai đoạn truy tố.
“Còn trường hợp phải rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa, một số trường hợp truy tố thiếu căn cứ. Các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ bị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vẫn chiếm tỷ lệ lớn”, Tổng thư ký Quốc hội nói.
Minh Quang