Tính gia trưởng “di truyền”

29/01/2024 - 13:01

PNO - Chồng cũ cũng đã lập gia đình mới, hình như anh cũng bắt đầu ý thức được sự thay đổi. Nghe những điều đó từ vợ của chồng cũ, chị thấy rất mừng.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Gặp lại chị sau 8 năm, tôi ngạc nhiên khi chị đã trở thành mẹ đơn thân. Trước đây, sinh viên của khoa tôi vẫn luôn ngưỡng mộ chuyện tình của chị và anh. 2 người yêu nhau đến hơn 5 năm mới cưới, nhưng lại ly hôn chỉ sau 2 năm chung sống. Khi tôi hỏi lý do, chị buông lời nhẹ bẫng: “Không hợp thôi em”.

Chị nói, có những người đàn ông chỉ hợp để yêu chứ không hợp để làm chồng, làm cha. Hồi còn yêu, anh vẫn rất nhường nhịn và chiều chuộng chị. “Nhưng khi về chung một nhà, anh hiện rõ là người đàn ông được “di truyền” tính gia trưởng” - chị bảo. Chị cố giữ cuộc hôn nhân, thử ly thân trong 1 năm rồi quay lại, nhưng vấn đề vẫn thế. Vậy nên chị thà ly hôn. 

Cũng theo chị, nhiều người đàn ông được nuôi dạy trong môi trường... ỷ y vào vợ. Cha chồng chị luôn ngồi mâm trên, quyết hết mọi việc trong nhà, nhưng người làm thực sự lại là mẹ chồng chị. Đến lượt chồng chị, chỉ cần về nhà là anh ôm điện thoại, mặc kệ vợ cơm nước, dọn dẹp, lo lắng cho con cái. Nhưng con bệnh thì anh luôn đổ do vợ không biết chăm. Vì ảnh hưởng từ thế hệ trước, những người đàn ông như chồng cũ của chị coi việc trong nhà là “thiên chức đàn bà”. Những anh chồng này cũng không có tư duy phát triển - khi vợ làm gì sai là lập tức bắt lỗi hoặc quy kết "cô chỉ được có thế". 

Thời gian sau sinh, chị trầm cảm. Chị đã đọc rất nhiều sách, mong tìm cách thay đổi chồng, nhưng bất lực. Và một cú sốc xảy ra đã khiến chị quyết định phải khác đi.

Chị gái chị cũng từng là một người vợ hết lòng hy sinh cho chồng con. Suốt hơn 10 năm hôn nhân, chị gái chị chưa từng biết yêu thương bản thân mình, lúc nào cũng xuề xòa mọi thứ từ ăn mặc cho đến thuốc thang, chi tiêu. Trớ trêu thay, chị ấy mắc bệnh ung thư và ra đi ở tuổi còn rất trẻ. Không những đau lòng khi thấy chị gái đã sống một cuộc đời mệt nhọc, chị còn khó chịu khi nhìn anh rể và các cháu chẳng biết làm việc gì, vì trước đó chỉ biết sai bảo. 

“Tôi nhận ra mình nên sống cho ý nghĩa, vì chẳng biết mình sẽ sống được bao lâu. Tôi không muốn dành cả cuộc đời để hy sinh cho người khác” - chị nói. Chị đối diện với sự thật rằng chồng chị đã được bao bọc và nuôi dạy trong một gia đình nặng tính gia trưởng nên đến lúc trưởng thành cũng vô tình áp đặt những lời nói, hành vi đã tiếp thu từ mối quan hệ của cha mẹ. Khi yêu, anh và chị chỉ dừng lại ở hẹn hò, không có nhiều ràng buộc trách nhiệm nên không sao. Nhưng cưới nhau về thì từng chi tiết nhỏ cũng gây ức chế.

Tôi đã từng đọc những nghiên cứu tâm lý học về chuyện tính cách có thể thay đổi được, nhưng phải có sự nhận thức rõ ràng từ chính người đó để nỗ lực thay đổi bản thân. Tôi cũng từng chứng kiến bao phụ nữ bế tắc khi sống cùng người đàn ông được “di truyền tính gia trưởng”. Họ tìm cách thay đổi chồng, có khi đã có tiến bộ, nhưng rồi cũng chỉ được một thời gian ngắn thì lại rơi vào vòng lặp cũ.

Chị đã dũng cảm lựa chọn từ bỏ thật sớm. Tôi nhìn gương mặt rạng rỡ, vui vẻ tận hưởng cuộc sống hiện tại, trông chị trẻ hơn tuổi, rõ là chị đã đúng với cuộc đời mình. Con gái chị từng là em bé còi cọc, mang tiếng “khó nuôi” nhưng nay rắn rỏi, dẻo dai, rất tự lập. Chị có thời gian để đi du lịch, học nhiều thứ mới và phát triển sự nghiệp. Những khi chị đi công tác, chị nhờ bà ngoại đến giúp trông cháu. 

Chị kể, chồng cũ cũng đã lập gia đình mới, hình như anh cũng bắt đầu ý thức được sự thay đổi. Nghe những điều đó từ vợ của chồng cũ, chị thấy rất mừng. Chị thật lòng mong anh có thể hạnh phúc. Còn chị đã hoàn toàn thoải mái khi nhìn về quá khứ mà không còn những tổn thương hay vướng bận gì nữa. 

“Sau này, yêu ai, chị sẽ về nhà đấy xem cha mẹ họ đối xử với nhau thế nào, nếu tôn trọng lẫn nhau thì cứ thẳng bước mà tiến tới với con trai họ” - chị chốt lại bằng câu nửa đùa nửa thật. 

Cát Tường

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI