Tính gia trưởng của chồng… già

09/08/2021 - 15:23

PNO - Sau mỗi lần “va chạm”, gia đình tôi lại tìm cách tự hòa giải. Thường là chồng tôi chủ động rủ rê, rồi chở hai mẹ con ra một quán cà phê rộng rãi có cảnh đẹp.

Tôi nhỏ hơn chồng 20 tuổi. Nhiều người lo ngại giùm tôi về khoảng cách tuổi tác xa quá sẽ dẫn đến xung khắc về ý tưởng, cách sống. Nhưng điều đó không xảy ra, vì cả hai vợ chồng tôi đều biết tự điều chỉnh.

Thường là sau bữa tối, vợ chồng tạm ngừng mọi việc trong nhà để cùng cô công chúa nhỏ quây quần bên bàn trà, đàm đạo, tranh luận đủ thứ chuyện. 

Tôi lấy chồng người miền Bắc, nên đã nhiễm thói quen uống trà của chồng. Trong buổi “trà đàm”, chúng tôi thường nhắc tới những chuyện vui buồn, mâu thuẫn trong ngày và giải quyết ngay, trước khi đi ngủ. Chồng tôi có tính gia trưởng, rất khó chịu. Chị em người miền Nam quen lối sống đơn giản, phóng khoáng thường than “chịu hết nổi”.

Đơn giản như bữa cơm hằng ngày, tôi nấu xong thường giục chồng ăn trước, còn mình thì ngồi nghỉ mệt, xem nốt tập phim bộ hay tranh thủ gội đầu cho con, nhưng chồng tôi không chịu, muốn phải đầy đủ cả nhà mới cầm đũa.

Anh ấy là người chụp hình cho hai mẹ con tôi
Anh ấy là người chụp hình cho hai mẹ con tôi

Bữa cơm, bao giờ ổng cũng nói: “Mời hai mẹ con ăn cơm nhé!” và cũng muốn vợ phải mời cơm người trong nhà trước khi ăn. Lúc đầu tôi không thích, bữa ăn mà cũng mất công mời người này, người kia nữa. Sau thấy ông chồng tôi nhắc nhở và tỏ vẻ bực mình, tôi làm theo, riết rồi quen. 

Con gái tôi hồi nhỏ, mỗi lần ăn cháo, uống sữa lại đòi mẹ mở máy tính cho coi ca nhạc mới chịu ăn. Chồng tôi phản đối vì sợ con bị hư mắt và đau bao tử. Vậy là vợ chồng lại xung khắc, cãi lộn và phần thua luôn thuộc về tôi.

Chồng tôi là “dân bàn giấy”, nhưng lại thích làm những việc lặt vặt trong nhà như lượm củi, giặt đồ, rửa chén, nên hay bị tôi la. Những việc ấy là của phụ nữ, tôi tranh thủ làm nhoáng chút là xong, chồng đụng vô vừa vất vả, vừa không kỹ, mất công tôi làm lại.

Chuyện này, thường gây cho vợ chồng cãi lộn, giận dỗi mấy ngày liền. Sau này tôi chấp nhận cho chồng phụ phơi đồ, gấp đồ bỏ vô tủ hoặc rửa chén, lặt rau. 

Quen rồi, mỗi khi chuẩn bị nấu ăn, không có chồng phụ lại thấy buồn. Tuy vậy, chồng tôi dở nhất là việc cho con ăn. Không hiểu sao anh ấy quá vụng về, lúc nào cũng đổ tháo ra nền nhà hoặc cơm cháo dính lem luốc trên mặt mũi con.

Tôi bực mình quá, nói lẫy: “Bố chỉ giỏi việc đâu đâu. Chứ ở nhà cho con ăn không xong”. Đôi khi tôi đem so sánh chuyện chồng mấy đứa bạn biết nấu cơm ngon, giỏi việc nhà, chồng tôi buồn: “Biết vậy sao mẹ còn chọn bố? Bố chỉ giỏi việc chuyên môn thôi, còn việc nhà dở tệ hại”.

Biết chồng nói lẫy, tôi chỉ cười. “Chọn chứ sao không! Vì từ ngày quen biết nhau được vài tháng, mẹ đã yêu và nhất định phải có được bố mà”. 

Yêu nhau vậy mà có lần tôi bị chồng… đánh. Cái tát nhẹ hều, chỉ chạm khẽ vào má, nhưng tôi thấy ánh mắt chồng vô cùng giận dữ. Đó là lần tôi la mắng ông ngoại vì tật hay hút thuốc, nói hoài không nghe. Bữa đó ba tôi vừa hút thuốc, vừa ôm con gái nhà tôi vào lòng. Tôi sợ quá, rồi đổ lên đầu ông già hơn 80 tuổi những câu nói có phần hỗn hào.

Ba tôi cười, trách con gái: “Bay chỉ nói tào lao”, rồi bỏ về. Lập tức tôi nhận từ chồng cái bạt tai, tuy không đau nhưng tôi hận lắm. Bị chồng mắng là “hỗn hào với cha mẹ”, tôi ấm ức trong bụng. Ba tôi còn ba năm nữa là chín mươi tuổi, cả họ đều mong được mừng lễ đại thọ cho ông, vậy mà cứ hở ra là hút thuốc, uống rượu.

Chồng tôi quay ra xin lỗi vợ, nhưng vẫn thòng một câu: “Thiếu gì cách góp ý với ông ngoại. Em làm vậy là hỗn. Anh cấm!”. 

Tôi nhận đan thủ công cho một cửa hàng mây, tre. Công việc phụ, chỉ là làm thêm kiếm tiền mua sữa cho bé. Một chiều mưa tầm tã, chủ cửa hàng gọi điện nói tôi chở gấp lô hàng xuống cho kịp đưa đi. Tôi đang mệt, nhưng mặc áo mưa ráng đi, chồng tôi nhất định không cho.

Nghĩ rằng chồng không biết chỗ mà chở giùm, tôi quyết đội mưa chở hàng đi vì muốn giữ uy tín với bạn hàng. Chồng tôi thì quá lo cho sức khỏe của vợ. Sắp cự cãi với nhau thì may quá, anh chủ đại lý chạy xe tải lên gom hàng.

Tôi không muốn nhờ chồng làm việc nhà. Người lớn tuổi thường hay đãng trí, đun nước thì nước sôi lúc nào không hay, tới hồi ấm cạn mới biết. Nhờ coi nồi thịt gà, mà đun cả buổi sáng, cháy đen thui không ăn được nữa.

Mỗi lúc như vậy, tôi thường la hét và chồng chỉ im lặng. Sau này chồng chọn việc đi chợ, lặt rau, làm gà, vịt… phụ vợ, tránh những việc kia ra.

Sau mỗi lần “va chạm”, gia đình tôi lại tìm cách tự hòa giải. Thường là chồng tôi chủ động rủ rê, rồi chở hai mẹ con ra một quán cà phê rộng rãi có cảnh đẹp.

Chúng tôi cùng dắt con đi dạo, uống nước, trò chuyện việc trên trời dưới đất, kết cục là tôi ôm hôn ông chồng già một miếng, khen ổng vẫn còn “trẻ”. Rồi tối đến, cả nhà lại quây quần quanh bộ bàn ghế đá ngoài sân, ngắm trăng, thưởng thức trà Bắc. 

Nguyễn Lan Quy 

(xã Phú Lộc, tỉnh Phú Thọ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI