Tình già sai ở chỗ nào?

11/07/2021 - 06:00

PNO - Không ai sống dùm được cho ai, nếu không cộng hưởng được niềm vui cho những người xế bóng, xin hãy trân trọng hạnh phúc của họ, đừng góp lời khó nghe.

Họ là đôi bạn già đúng nghĩa. Ông năm nay đã 68, bà 64 tuổi, đã nghỉ hưu, con cái đuề huề. Bạn đời của cả ông và bà đều không may mất sớm. 

Vợ ông mất khi ông chưa đến tuổi về hưu. Bận rộn với công việc, con cái, phải lo kinh tế gia đình nên ông cũng không nghĩ gì ngoài việc vừa sắm vai là ba, vừa sắm vai mẹ. Cũng may, hai đứa con của ông hiếu thuận, nhưng khi chúng có gia đình thì ông hiểu phải để chúng tự lập. Ông ở một mình trong căn nhà cũ, nỗi cô đơn thấm thía.

Bà cũng vậy, hai con gái lấy chồng ở riêng. Một mình bà ra vào trong căn nhà trống với nỗi buồn không người chia sẻ. Họ gặp nhau ở lớp khiêu vũ thể thao, trở thành cặp nhảy ăn ý.

Những câu chuyện ngoài đời, những tâm tư tuổi già bỗng chốc lại có người lắng nghe, chia sẻ, an ủi, ông như trẻ lại, bà cũng khỏe ra. Nhưng thiên hạ thì xì xào bàn tán.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kể cũng lạ. Rõ ràng ông không có vợ, bà không có chồng, họ đến với nhau hoàn toàn hợp tình, hợp lý và hợp pháp, nhưng nhiều người ngoài cuộc lại thích xía vào chuyện người khác. “Trời, già vậy rồi mà còn…”. “Đã cặp bồ, còn cặp với ông già hầu hạ cho mệt thân…”. “Mai mốt đi không nổi nữa tha hồ hối hận…”.

Những câu nói ác ý lửng lơ. Những nụ cười mỉa mai khi thấy sáng sáng họ đi tập thể dục cùng nhau hay đồng hành trong chuyến từ thiện.

Con cái ông bà đã ngồi lại với nhau khi ông khăng khăng nói sẽ tổ chức đám cưới. Bốn đứa con không bàn trước mà cùng gặp nhau ở quan điểm: Đồng ý với hạnh phúc của ba mẹ, nhưng đám cưới thì… thôi.

Một cái đám cưới sẽ đi kèm với đó là biết bao trách nhiệm quàng lên vai ông bà, mà ông bà thì đã có tuổi. Đằng nào ông bà nhà cũng gần nhau, vui thì có thể gộp lại ở cùng một vài hôm, khó ở bực dọc lại chia ra, ai về nhà đó.

Những buổi sum họp của con cháu hai nhà sẽ đón ông bà cùng có mặt. Thay vì đám cưới, con cháu làm mấy mâm cơm mời những người bạn thân thiết như lễ ra mắt nho nhỏ. Mình sống đời mình, mình vui với hạnh phúc của mình lo gì những đàm tiếu xung quanh.

Ông bà ngồi nghe các con phân tích, nước mắt đều rơm rớm. Bao nhiêu năm đi qua những chông chênh gian khổ, giờ được các con thấu hiểu, chia sẻ, sao mà xúc động.

Thế rồi ông vẫn về nhà ông. Bà vẫn ở nhà bà. Bữa cơm nấu ăn chung, một quãng đường ngắn giữa hai nhà đi bộ qua coi như một lần thể dục cho sức vóc nhanh nhẹn hơn.

Sau bữa cơm của ông bà là câu chuyện nhẩn nha về cuộc đời, về các con, về đứa cháu bi bô đang tập nói. Sau bữa sáng là tách trà ấm… Ông bà khỏe hẳn ra, mắt lấp lánh niềm hạnh phúc, con cái an tâm nhìn ba mẹ nắm tay nhau chầm chậm già đi.

Cuộc đời con người, trẻ có tình trẻ, già có tình già. Trẻ cần một tổ ấm để nương mình sau những vấp váp trong mưu sinh, thì người già cần tri kỷ. Có đôi khi chỉ là lấy hộ chai dầu gió khi cảm mạo, nấu một bát cháo kèm một lời ân cần khi ốm đau, hay có người ngồi kế bên nghe những câu chuyện chẳng đâu vào đâu đã kể đi kể lại đến thuộc làu.

Không ai sống dùm được cho ai, nếu không cộng hưởng được niềm vui cho những người xế bóng, xin hãy trân trọng hạnh phúc của họ, đừng góp lời khó nghe. 

Đinh Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI