Tình già dưới mái nhà siêu nhỏ

01/10/2020 - 08:30

PNO - Dưới mái nhà khoảng 7,5m², ông bà Nguyễn Văn Tôn - Trịnh Thị Y đã sống trọn nghĩa tình chồng vợ.

Thương thì ráng mà chịu khổ

Tầm 8-9g sáng mỗi ngày, bà Trịnh Thị Y (75 tuổi, ngụ phường 4, quận 10, TPHCM) lại bày biện rau cá ra trước hiên nhà để chuẩn bị nấu thức ăn cho bữa trưa. Cạnh đó, ông Nguyễn Văn Tôn (83 tuổi), chồng bà Y lui cui sắp xếp đôi dép của vợ cho ngay ngắn, không quên buông vài tiếng càm ràm. Nghe chồng nhằn, bà Y không khó chịu mà nở nụ cười hiền hòa, rồi loay hoay bỏ tỏi vào nồi phi cho thơm.

Bà Trịnh Thị Y nấu món canh mà chồng yêu thích nhất. Mỗi ngày, bà đều phải nấu cơm ở trước hiên nhà do căn nhà quá nhỏ
Bà Trịnh Thị Y nấu món canh chồng bà yêu thích nhất. Mỗi ngày, bà đều phải nấu cơm ở trước hiên nhà do căn nhà quá nhỏ

Biết cha lại cằn nhằn mẹ, chị Nguyễn Thị Xuân cười trừ: “Ông già khó tính, lại bị lãng tai, chỉ có mẹ tôi mới sống nổi. Tôi từng chịu không nổi phải bỏ đi chỗ khác ở một thời gian”. Tôi quay sang hỏi bà Y chuyện ông hay nói này nói nọ, bà lại cười và bảo: “Tính ông khó từ xưa giờ, ăn cơm cũng la, dép để không ngay ngắn cũng la, nhà dơ cũng la… Nhưng, ổng la vậy rồi thôi. Tôi nghe không để bụng thì cũng không thấy buồn phiền”.

Hôm tôi đến, bà Y nấu canh chua thơm cá lóc, món canh mà ông Tôn yêu thích nhất. Mặc kệ tôi ngồi khơi chuyện, bà cứ chăm chú cắt từng cọng hành, đảo từng miếng cá, nêm nếm món ăn. Chốc lát, bà ngẩng đầu lên nhìn tôi cười, rồi kể vài mẩu chuyện về ông.

Bà Y vừa nhóm bếp vừa trò chuyện về cuộc sống gia đình
Bà Y vừa nhóm bếp vừa trò chuyện về cuộc sống gia đình

Bà nói ông khó từ hồi trẻ cho đến tận bây giờ. Đụng chuyện, ông cứ càm ràm, bà cứ im. Mấy chục năm sống chung, bị chồng nhiếc móc, bà khóc đúng một lần. Hỏi tại sao lần đó khóc, bà thẹn thùng: “Ức quá nên khóc…”.

Ông thừa nhận bản thân khó tính, thường xuyên “bắt nạt” vợ. Quá khứ nghèo khổ, phải ở đợ nhà người khác đã rèn ông vào nếp kỹ tính. Lúc ông 10 tuổi, má ông khóc, nói không nuôi nổi ông nữa và có ý cho ông đi “ẵm em” ở nhà giàu. Nghe má nói, ông nín thinh làm theo.

Đến nhà chủ, người ta bắt ông đi chợ nấu cơm, ẵm em bé. Thế là, cậu bé nhỏ xíu, phải cong bụng lên ẵm đứa con bụ bẵm của bà chủ. Có lúc, ông phải một tay đưa võng, một tay nhóm bếp nấu cơm. Nấu xong, ông phải bày biện lên bàn tròn, lấy lồng bàn đậy lại để bà chủ đi đánh bài tứ sắc về ăn. Hôm thắng lớn, bà chủ vui vẻ khen cơm ông nấu ngon, nhà cửa sạch sẽ, ngược lại, hôm nào thua bài, bà cằn nhằn, chửi bới người ở. Bởi vậy, ông phải để ý trước sau, nhà cửa bàn ghế không có một hạt bụi, cơm trắng canh ngọt. Dần dà, tính nết kỹ lưỡng ăn sâu vào con người của ông.

Ông Tôn kể chuyện từng đi ở đợ lúc 10 tuổi, lý giải sự khó tính của bản thân
Ông Tôn kể chuyện từng đi ở đợ lúc 10 tuổi, lý giải sự khó tính của bản thân

Dứt câu chuyện cũ, ông cười hể hả: “Vợ tôi nấu ăn ngon nhưng sao ngon bằng cơm tôi nấu”. Nghe ông chắc nịch khẳng định, bà cũng chỉ nhoẻn miệng cười theo. Phải bao dung nhiều lắm, thương ông nhiều lắm, bà mới không bận tâm những lời nói chạm tự ái một người phụ nữ.

Mà thật, hồi ấy bà thương ông nhiều đến độ ông cảm được rồi quay sang lấn lướt. Một cô gái Sài Gòn hẳn hoi mà lại ưng anh thợ hồ quê Long An, không nhà không cửa, thì hẳn không chỉ dừng ở mức tình yêu bồng bột. Hai ông bà người đầu xóm người cuối xóm, đi ra đi vào đụng mặt nhau hoài, ưng cũng để trong bụng không dám nói. May mà, sau đó, một người đứng ra mai mối cho hai bên thổ lộ.

Căn nhà nhỏ xíu của vợ chồng ông Tôn chỉ rộng đúng một người đi
Căn nhà nhỏ xíu của vợ chồng ông Tôn chỉ vừa cho một người ra vào

Thấy con gái yêu người nghèo khó, cha của bà nhất định không chịu gả. Bà năn nỉ thì bị cha đánh đòn. “Cha vợ chê tôi nghèo không cho tôi cưới bà ấy. Ông già vợ nói, ổng mà còn sống thì tôi đừng hòng mơ đến con gái ổng. Thiệt tình, đến lúc ông già vợ qua đời, tôi mới được bà già vợ thương tình gả con gái”, ông Tôn nhớ lại.

Giọng chùng xuống, ông Tôn nói: “Bà ấy thương tôi thì ráng mà chịu khổ. Lấy tôi, bà ấy làm lụng không ngơi nghỉ. Trước đó, bà làm thợ thêu nhưng không đủ sống nên lặn lội vào trung tâm Sài Gòn làm nghề sơn tủ sắt. Tay nõn nà thêu thùa phải chà giấy nhám, chảy cả máu”.

Tổ ấm dưới mái nhà siêu nhỏ chông chênh

Không có nhà cửa, ông Tôn cũng dám lấy vợ, bà Y cũng dám ưng lời cưới hỏi. Một mâm cơm nhỏ nên nghĩa vợ chồng, rồi cả hai dắt díu ở đậu nhà người thân. Thấy hoàn cảnh ông bà khốn khó, người dì của ông Tôn gọi vợ chồng ông đến và chỉ tay về cái hẻm để lu nước rộng chưa đầy 1m, nói: “Tụi bây khổ quá, tao cho miếng đất đó, cất cái chòi ở tạm”.

Nhà nhỏ, mấy chục năm qua, bà Y phải nấu cơm ở hiên nhà
Nhà nhỏ, mấy chục năm qua, bà Y phải nấu cơm ở hiên nhà

Miếng đất nhỏ xíu mà vợ chồng ông Tôn mừng rơn, nhanh chóng dựng chòi, lợp lá. Hai đứa con, một gái một trai lần lượt ra đời trong hoàn cảnh ông Tôn cứ bị bắt đi quân dịch. Mỗi người một nơi, bà Y một mình nuôi con nhưng không than oán, ông Tôn nơi xa không chút ngã lòng.

Ấy vậy, ông trời cứ liên tiếp thử thách, bắt ông bà sống nghèo còn thêm nỗi đau mất con. Đứa con trai kháu khỉnh lên 4 tuổi mất sau một cơn bệnh thập tử nhất sinh. Bà đau đớn, ông mạnh mẽ cho bà tựa nương. Những mất mát, thiếu thốn chỉ siết chặt tình cảm vợ chồng, chứ chưa lần nào rạn nứt.

Ông có hay cằn nhằn nhưng sâu thẳm thương bà không lời nào diễn tả. Miếng bánh ngon ông nhét túi để dành cho bà, nhà xập xệ ông dành cho bà chỗ an toàn nhất… Những lúc bà nằm viện, ông nhất định phải ở lại chăm nuôi, lo cơm nước cho vợ. Đêm hôm trái gió trở trời, bà chỉ cần ho hục hặc vài tiếng, ông trên gác cao liền mắt nhắm mắt mở chạy xuống.

Vợ chồng ông Tôn ngồi trước ngôi nhà siêu nhỏ của gia đình
Vợ chồng ông Tôn ngồi trước ngôi nhà siêu nhỏ của gia đình

Từ thời xuân sắc đến lúc già cỗi, bà vẫn sống yên bình với ông dưới nếp nhà có diện tích khoảng 7,5m². Căn nhà nằm kẹp chặt giữa 2 ngôi nhà kiên cố của hàng xóm trong con hẻm 25, đường Vĩnh Viễn, phường 4, quận 10, TPHCM. Ngôi nhà chỉ rộng 1m và khoảng dài 7,5m, có thêm 3 gác gỗ tạm bợ. Dù đã qua nhiều lần sửa chữa, ngôi nhà vẫn chực chờ đổ sập.

Ông Tôn dẫn tôi đi vào nhà. Trong bóng tối, tôi cố len giữa những vật dụng cũ kỹ để rảo bước thật nhanh theo ông lão. Nhà nhỏ, sống quen lại thành rộng, ông đi phăng phăng. Đến chiếc cầu thang dẫn lên gác gỗ, ông chững lại để nhắc tôi: “Thang nhà này khó đi lắm, đi không quen sẽ không dám đi đâu. Bà nhà tôi sợ đi thang này lắm. Tôi đi quen rồi, không sợ nữa”.

Căn nhà chỉ có những vật dụng cũ kỹ, không có chút tài sản đáng giá
Căn nhà chỉ có những vật dụng cũ kỹ, không có chút tài sản đáng giá

Sàn gỗ cũ mục, bạt nhựa che chắn phai màu nhưng tất thảy đều sạch bóng, bởi chủ nhà rất kỹ tính. Trong nhà ngoài cửa đều sạch trơn, đến con hẻm, ông Tôn cũng mỗi ngày quét 2 lần. “7g tối, tôi lên gác ngủ, đến 2-3g sáng, không ngủ được nữa, tôi lại xuống dưới quét dọn nhà cửa, hẻm hốc. Đến 12g trưa, tôi ăn cơm xong thì lên gác ngủ cử trưa, chiều thức dậy lại quét thêm lần nữa”, ông Tôn chia sẻ.

Ở căn gác thứ hai, ông Tôn dừng lại thật lâu, rồi bùi ngùi chia sẻ: “Từ hồi được chính quyền hỗ trợ tiền sửa chữa, nhà mới đỡ dột, tối ngủ, mưa gió mới đỡ sợ. Lúc trước, đang ngủ mà trời mưa, vợ chồng, con cái lồm cồm ngồi dậy ôm mền mà chạy xuống dưới”. Hiện tại, UBND phường 4 vẫn hỗ trợ gia đình ông bà rất nhiều và hoàn tất các thủ tục để tiến hành sửa chữa ngôi nhà thêm một lần nữa.

Bà Y vẫn chăm chút từng bữa cơm cho gia đình
Bà Y vẫn chăm chút từng bữa cơm cho gia đình

Nhà nghèo, ông bà chăm chỉ cũng vẫn nghèo. Hệt như cái nghèo thích làm bạn với ông bà. Bù lại, ông bà sống chan hòa nên hàng xóm láng giềng thương mến. Nhà không có gì ngoài 3-4 chiếc tivi cũ, quạt cũ… được bà con xung quanh thương mà cho tặng. Ngẫm lại, nỗi khổ về vật chất lẫn tinh thần ở ngôi nhà nhỏ này đều được khỏa lấp bằng tình thương, nghĩa vợ chồng.

Bài và ảnh: Lâm Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI