Tình già

08/11/2014 - 17:15

PNO - PN - Bị “hỏi dồn” về bí quyết hạnh phúc, cụ ông 80 tuổi Hà Thế Đôn - nhân vật chính trong câu chuyện “tình già” vẫn được người dân thôn Cổ Tháp (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) truyền tai nhau, bật cười: “Vợ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Tinh gia

Vợ chồng cụ Hà Thế Đôn

Đôi chân “danh dự”

60 năm trước, ông là chàng lính trẻ đất Quảng, gặp bà trên đường theo đơn vị tập kết ra Bắc. Phải lòng nhau, hỏi cưới, rồi lần lượt sinh năm đứa con. Sau giải phóng, ông đùm đề vợ con rời Nam Định, trở về lập nghiệp nơi đất mẹ quê cha. Bà tính tình kỹ lưỡng, chi li, trong khi người xứ ông lại chất phác quê mùa, ông bao phen khổ sở vì những hiểu lầm giữa nàng dâu, nhà chồng. “Nhưng vượt qua cái thuở ban đầu là êm xuôi hết”, ông gật gù, rồi trìu mến nhìn về phía vợ.

20 năm nay, con cái lập gia đình, ra riêng, nhà chỉ còn hai vợ chồng già nhưng không lúc nào ngơi tiếng nói cười. 78 tuổi, bà Nguyễn Thị Dần vẫn thích bàn bạc, tính toán; trong khi ông thì chịu khó, lại chiều vợ nên bà chỉ cần “phát động” chuyện gì là lập tức có người nhiệt tình phụ việc, thực hiện. Nói là “bàn tính”, nhưng chỉ là chuyện lặt vặt, tủn mủn trong ngày. Ví như, “cái nồi kho cá cũ quá rồi, nhìn cũng kỳ, hay thôi mình mua cái mới?”, “Con Cún sắp vào đại học, mình thưởng nó cái gì cho xứng ông ha?”...

15 năm trước, bà bị tai nạn, gãy xương chân. Sau thời gian dài bó bột, dù đôi chân bà đã lành lặn nhưng ông quyết định không cho bà đi đâu xa nữa. Hễ bà lọ dọ ra đến ngõ, ông vội vã chạy ra níu lại, rồi dắt bà vô, ấn vào cái ghế để trước hiên, ra lệnh: “Ngồi yên đó nghỉ ngơi”. Chừng ấy năm bà quanh quẩn trong nhà, ông trở thành “đôi chân danh dự” của vợ - đúng như biệt danh con cháu đặt cho. Tuy không sống cùng, nhưng các con đều ở gần, ngày nào cũng mấy lượt sang thăm, để được che miệng khúc khích cười mỗi khi thấy ông bà chụm đầu bàn tính từng chuyện cỏn con.

Mỗi lần gia đình sum họp, con cháu lại thi nhau nhắc chuyện ông bà, mỗi người bổ sung một ý, rồi cười vang. Thân thuộc, hấp dẫn nhất là chuyện ông đi chợ, ngày nào cũng lặp đi lặp lại, cả nhà đều thuộc làu làu.

Sáng sớm, bà ngồi trên cái ghế gỗ dài giữa nhà, vừa bấm đốt tay vừa chau mày, rồi chậm chạp cất tiếng: “Bố nó ra chợ mua giúp tôi hai cái ca uống nước, một cái màu đỏ, một cái màu xanh, loại có quai nhé!”. Ngồi ngoài hiên, ông đằng hắng mấy tiếng, sửa soạn đáp lời thì bà thủng thỉnh nói thêm: “À, bố nó giúp tôi chọn cái ca cao cao, đừng như cái ca con Ngân mua cho, tôi bưng nước bị đổ hoài…”. Nghe mấy chữ nhấn nhá sau cùng, ông ngước hẳn mặt lên, hài hước: “Rõ!”. Rõ rồi, ông lại nhanh nhẹn bước xuống bậc tam cấp, leo lên chiếc xe đạp dựng trước sân, không quên nói với lại: “Tôi về liền, đừng có phiền thằng Trinh đấy!” rồi đạp thẳng ra ngoài ngõ. Bà nguýt một cái thiệt dài, giọng kẻ cả: “Xì, tôi mà thèm!”. Dặn vậy, nhưng khi ra đến chợ, ông vẫn phải chạy vô trong mua cho nhanh, đặng còn kịp quay xe trở về trước khi bà mon men chống gậy qua nhà đứa cháu nội, “phao tin”: “Ông nội bây đi chợ nửa ngày chưa thấy về”, rồi bắt tụi nhỏ đi tìm.

“Cứ bảo của bà nấu, ông sẽ ăn hết…”

Chị Ngân bán thuốc Tây ở cổng chợ, mỗi buổi chợ thong thả, ông lại ghé quầy, đọc một mạch thực đơn trong ngày để con gái mua giúp, còn ông tranh thủ ngồi lai rai uống trà với con rể. Hễ bữa nào sa đà, thì lập tức đứa cháu nội xuất hiện, giục ông “về với bà”. Về nhà, nhìn bà lủi thủi một mình, trách: “Nhà có hai người, ông đi đâu mà đi mất…”, ông lại tự răn mình rút kinh nghiệm. Vậy mà có lần, ông đi chợ cả “nửa ngày không về” thật. 11g trưa, bà quáng quàng bắt mấy đứa cháu nội đi tìm, nhưng không thấy. Biết ông thích đi xe buýt, bà bắt đầu đứng ngồi, lo ông ham vui leo lên xe, rồi đi lạc mất. Sai con trai gọi điện đến các tài xế quen để hỏi thăm, rồi bà sực nhớ, sai đứa cháu nội đảo tìm ở các tiệm sửa xe đạp. Y như rằng, ông loay hoay phụ sửa xe với anh thợ. Thấy ông mặt mày lấm lem dầu nhớt trở về, lại hay chuyện cái xe bị hỏng, hại ông dắt bộ xa lắc, bà day dứt mãi.

Lần xa nhau lâu ngày nhất của ông bà là cách đây một tháng, ông bị viêm bàng quang, phải nhập viện nửa tháng trời. Lần ấy, cứ thấy ông nhăn nhó sau mỗi lần tiểu tiện, bà sinh nghi. Hỏi mãi, ông mới thừa nhận là “có hơi đau một chút”, nhưng hễ bà đề nghị đi khám, ông lại nhất quyết là “hết đau rồi”. Ngấm ngầm theo dõi, bà đoan chắc ông có vấn đề về sức khỏe, rồi lẳng lặng sai con trai đưa ông đến bệnh viện. Nửa tháng trời ông nằm viện, chiều nào bà cũng gọi con gái đi chợ giúp, rồi nấu nướng, gói ghém cẩn thận, lần lượt nhờ từng đứa cháu mang ra cho ông. Bà dặn: “Cứ bảo của bà nấu, ông sẽ ăn hết…”. Mấy ngày ấy, không khí trong nhà khác hẳn. Dù biết bệnh tình ông không quá nghiêm trọng, nhưng thấy bà lặng lẽ hẳn đi, con cháu ai cũng xót ruột. Chỉ đến khi ông xuất viện trở về, bà mới móm mém cười, sai đứa cháu nội dắt chiếc xe đạp đi... giấu, rồi rành rọt phân công lịch đi chợ cho hai cô con gái.

“Phải để bụng thật đói thì mới ghé về ngoại, vì hễ thấy cháu, bà lại lấy hết thức ăn để dành ra, bắt ăn, dù đói dù no cũng phải ăn cho bà ngồi nhìn, không là bà giận”, dù thế, về ngoại vẫn là một trong những niềm vui trong ngày của cô cháu gái Trần Hồng Ngọc, bởi căn nhà của ông bà lúc nào cũng gợi cảm giác ấm áp. Ngọc chia sẻ, cả nhà đều di truyền tính hài hước, cẩn thận của bà; riêng các cậu đều ảnh hưởng ông tính chiều chuộng vợ.

 Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI