|
Vợ chồng GS Lê Quang Vịnh |
Có lần, tôi vô tình chứng kiến cảnh anh Lê Quang Tự Do - Phó cục trưởng Cục PTTH và TTĐT ngồi cắt móng chân, móng tay cho mẹ; vợ anh - một biên tập viên của VTV, thì chải tóc cho mẹ chồng - bà Kim Khánh, vợ giáo sư (GS) Lê Quang Vịnh. Ông bà vốn có một cuộc tình rất đẹp, một đời hạnh phúc bên nhau, mãi đến lúc này. Hàng ngày ông vẫn đẩy xe đưa vợ đi dạo dưới những hàng cây trong chung cư, cùng cười vui nói với nhau những câu chuyện như chưa bao giờ lùi vào quá khứ.
Từ một tấm áo
Bác Vịnh kể: “Tôi lấy được Khánh là nhờ gặp anh Hai Tân (Trần Trọng Tân, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương) vào mùa Thu năm 1970”. Thời gian đó, GS Lê Quang Vịnh bị giam ở căn hầm trong khu tù đặc biệt tại Côn Đảo. Mỗi ngày tù nhân ở khu đặc biệt chỉ được ra ngoài tắm nắng vỏn vẹn nửa giờ. Một hôm, khi những người tù đang thong thả hứng khí trời thì cai ngục giục giã vào hầm gấp.
Hầm bác Vịnh nằm cuối dãy nên có thể cố tình đi chậm để nấn ná xem chuyện gì đang xảy ra. Hóa ra hôm ấy có thêm một tù nhân mới. Một “ông cụ” gầy nhom, dáng vẻ cổ quái, quần đùi, ở trần, râu tóc bạc trắng. Ông bước đi nhẹ nhàng, bình tĩnh giữa đám lính hùng hổ áp giải. Nhìn cảnh ấy, bác Vịnh vừa thương vừa phục người tù mới.
Ngày hôm sau, đến giờ tắm nắng, bác Vịnh bước ra ngoài và nghe có tiếng ngâm thơ bằng giọng Huế ngọt và đậm vẳng ra từ phòng người tù mới: “Huế ơi quê mẹ của ta ơi/Nhớ tự ngày xưa thuở chín, mười…”. Bác Vịnh nán lại ngoài cửa phòng giam ấy. Bên trong chợt im lặng, như biết sự có mặt của người bên ngoài. Người tù mới cất giọng Huế, hỏi: “Có phải Lê Quang Vịnh đó không?”. Hỏi ra mới biết, người tù ấy là một nhà báo, nhà giáo dạy trường Đảng, gốc Huế. Tình đồng hương đã dễ dàng kéo họ lại gần nhau.
Cuối năm, trời càng về khuya càng lạnh. Nửa đêm bác Vịnh nghe văng vẳng tiếng rên hừ hừ “lạnh quá, lạnh quá” của người bạn tù bên cạnh vọng qua tường đá. Người bạn tù ấy đến đây chỉ với một chiếc quần đùi cũ, thân già làm sao chống lại cái lạnh mùa đông? Bác Vịnh đã chờ khi anh bếp phát cơm buổi sáng, nhờ anh chuyển giúp cái áo dài tay cho người bạn tù mới.
Hôm sau đi tắm nắng, Lê Quang Vịnh nhận được một lọn lá bàng cuộn chặt như kén sâu, bay từ khe cửa phòng bên cạnh đến chân mình. Lá bàng rất sẵn ở Côn Đảo. Mọi thứ đều bị cấm tiệt trong phòng giam nhưng lá bàng thì được phát thoải mái để người tù sử dụng cho việc… đi vệ sinh. Bác Vịnh nhặt lên, trên chiếc lá là mấy câu thơ: Áo lọt phòng giam, áo đến đây/Ôm hôn áo mới nhớ câu này/Yêu nhau gửi áo cho nhau mặc/Mẹ hỏi qua cầu để gió bay.
Những câu thơ đầy xúc cảm ấy khiến Lê Quang Vịnh cảm động đến nỗi gửi ngay thêm cái quần dài cùng bộ cho người bạn tù. Sở dĩ bác Vịnh chỉ tặng áo mà không tặng quần vì quần áo ở chốn lao tù này rất hiếm. Đó lại là một trong hai bộ đồ mà mạ (mẹ) bác Vịnh trong lần duy nhất được vào thăm con đã đem vào. Bác Vịnh không ngờ sự sẻ chia chân tình đó đã làm cho người bạn tù cảm động đến nỗi về sau đã ngỏ lời: 'Mai mốt ra khỏi nơi này, về chung nhà với tôi nhé. Nhà tôi có em gái…'.
Tìm nhau
Lần đến thăm nhà bác Lê Quang Vịnh, tôi thật sự ấn tượng với vẻ thẳng thắn, sắc sảo của bác Khánh - cô gái Kim Khánh năm xưa được giới thiệu với bác Vịnh. Bác Khánh đang phải điều trị vài căn “bệnh già” nhưng mắt vẫn tinh anh, trí nhớ có thể xem là “hàng độc” ở tuổi xưa nay hiếm. Bác có thể nhắc rành rẽ từng chi tiết nhỏ trong những câu chuyện về chồng mình, người mà chỉ cần nhìn vào mắt của bác Khánh cũng có thể thấy ngay sự thương yêu và ngưỡng mộ.
|
Vợ chồng GS Lê Quang Vịnh thời trẻ |
Những người quen GS Lê Quang Vịnh đều biết về cuộc tình đáng ngưỡng mộ của hai bác. Bác Vịnh ra khỏi nhà tù Côn Đảo năm 1975, ở tuổi 40, tuổi trẻ trôi qua không một mảnh tình vắt vai. Tuy GS Lê Quang Vịnh từng nhận được tình yêu đơn phương rất đẹp của con gái GS Tôn Thất Dương Kỵ, mà nhà thơ Anh Thơ đã viết thành một áng thơ tình, từng có mối tình đơn phương nữ anh hùng Trần Thị Lý dành cho ông… nhưng tình yêu từ hai phía ở cái tuổi ngoài tuổi 40 của ông chỉ duy nhất với Kim Khánh.
Lần đầu bác Vịnh gặp bác Khánh là khi về TP.HCM nhận công tác trong ngành giáo dục. Ngày đến gặp cấp trên của mình tại nhà riêng, bác Vịnh bất ngờ nhận ra đó là người anh mình yêu kính trong tù ngày nào: ông Hai Tân. Bác lặng đi vì xúc động khi nhận ra bộ đồ Hai Tân đang mặc lúc đó chính là món quà bác tặng trong hầm đá.
Khi từ nhà ông Hai Tân ra về, bác bắt gặp một cô gái có đôi mắt sắc sảo đang ngồi tựa cột nhà đọc sách, mái tóc buông thả dịu dàng. Hai người gật đầu chào nhau, như thể đã thân quen. Một chuyến ra Hà Nội họp mặt, bất ngờ cô gái ấy đến tìm gặp bác Vịnh. Cô là Kim Khánh, em gái ông Hai Tân. Chiều muộn, Khánh chủ động rủ GS Vịnh đưa đi chơi Hà Nội. Họ mới lần đầu trò chuyện, tìm hiểu nhau mà cứ có cảm giác đã thân tình từ lâu.
'Khi về chung một nhà, tôi có kể Khánh nghe lần anh Hai Tân dò ý tôi chuyện “mai mốt tự do về chung nhà'. Khánh bật cười, hồn nhiên: 'Khi anh em gặp lại, anh Tân đã kể với em về một người tử tù tài hoa, trọng nghĩa tình. Chính vì những câu chuyện ấy, Khánh đã quyết tâm phải gặp Lê Quang Vịnh khi có dịp'. Bác Vịnh kể, cười lớn. Bác Khánh ngồi bên cạnh cũng cười tủm tỉm.
Thương nhau hơn vì những đơn giản
Trong câu chuyện với hai bác, tôi rất ngạc nhiên vì bác Khánh có thể nhớ chính xác chuyện hàng chục năm trước, chồng mình có đến 175 con giun trong bụng lúc vào bệnh viện điều trị sau khi ra tù. Nhà tù Côn Đảo rất mất vệ sinh, thiếu thốn nên hầu hết tù nhân đều bị bụng ỏng vì giun. Bác Khánh còn nhắc chính xác những thói quen hàng ngày của chồng, nhưng lại không đề cập đến những khó khăn, vất vả mình phải trải qua khi chu toàn việc gia đình để chồng yên tâm lo việc nước.
Ở Huế có một bảo tàng gia đình đậm dấu ấn về một thời đấu tranh sôi nổi của thanh niên, sinh viên, của những người tù Côn Đảo… mà bác Vịnh là một trong những nhân chứng sống. Bảo tàng có lưu giữ nhiều kỷ vật, bài báo, sách, tài liệu… của GS Lê Quang Vịnh và bạn bè. Ít người biết, để có bảo tàng ấy, bác Khánh là người không quản lặn lội hàng ngàn cây số, tìm đến từng địa phương, gặp từng người bạn, xin từng kỷ vật.
Bác Khánh âm thầm, lặng lẽ làm những việc ấy, chỉ để một ngày có được món quà tinh thần vô giá cho chồng mình khi về hưu. Món quà ấy thật sự không chỉ có ý nghĩa lớn lao với gia đình bác, mà còn với nhiều học sinh, sinh viên và những người muốn tìm hiểu thêm về tuổi trẻ miền Nam từ những đêm không ngủ, đến những ngày kiệt sức ở Côn Đảo nhưng vẫn luôn giữ vững niềm tin và ước mơ về tự do, hạnh phúc.
Ước mơ và niềm tin ấy còn được GS Lê Quang Vịnh gửi gắm vào hai người con với hai cái tên Lê Quang Tự Do và Lê Quang Hạnh Phúc. Không phụ lòng tin của người cha anh hùng, hai anh chị đều là những người thành đạt, phục vụ cho xã hội. Anh Tự Do hiện là Phó cục trưởng Cục PTTH và TTĐT, sống ở Hà Nội; chị Hạnh Phúc là chuyên viên trong lĩnh vực kiến trúc ở TP.HCM.
Điều đáng trân trọng hơn cả ở gia đình GS Lê Quang Vịnh trong mắt nhiều người, không phải là câu chuyện về một ông bố mang án tử hình, từng ngồi tù Côn Đảo và giữ những cương vị cao ở trung ương, cũng không phải ở công danh, sự nghiệp của hai người con; mà là sau tất cả những thăng trầm của cuộc sống, những thành viên trong gia đình ấy vẫn luôn dành cho nhau tình yêu thương và sự tôn trọng, thể hiện qua những việc làm hết sức gần gũi, chân thành. Cụ thể như cái hình ảnh ấm áp chúng tôi từng được chứng kiến, đã nêu ở đầu bài viết. Chỉ cần như thế cũng đủ để nhận ra hai chữ Hạnh Phúc.
Võ Thu Hương
GS Lê Quang Vịnh - nguyên Trưởng ban Tôn giáo của Chính phủ - thời trẻ là một nhà giáo yêu nước lãnh đạo phong trào học sinh đấu tranh chống chính quyền Ngô Đình Diệm, bị bắt và kết án tử hình, sau được giảm xuống chung thân, tù đày 15 năm ở Chí Hòa và Côn Đảo. Ông từng là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm thi ca nổi tiếng, cổ vũ tinh thần chiến đấu của sinh viên, thanh niên Việt Nam như Tiểu đội anh hùng (thơ của Tố Hữu), Lê Quang Vịnh người con quang vinh (ca khúc của Nguyễn
Tài Tuệ)…