Tình già

13/02/2014 - 19:25

PNO - PN - Không mấy cặp vợ chồng già được cùng nhau đi đến cuối đời. Thông thường, các cụ ông về với tổ tiên trước, để người bạn đời lại cho con cháu. Cũng có cặp vợ chồng, sau mấy chục năm chung sống đến lúc già mới thấy...

edf40wrjww2tblPage:Content

MỐI TÌNH CỦA CÔ GÁI MỒ CÔI

Thím Bảy có tên khai sinh là Nghiêm Thị Tâm, sinh năm 1937, quê ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Hơn mười tuổi đã mồ côi cha mẹ, cô bé vùng đất chiêm trũng này sống nhờ vào tình thương của họ hàng và dân làng. Tâm một mình kiếm sống rất cơ cực. Có lúc, cô phải vào chùa ở nhờ để kiếm cơm ăn qua ngày. Năm 18 tuổi, cô quyết tâm thoát khỏi lũy tre làng, đi tìm tương lai. Cô xin vào làm công nhân Nông trường Sông Bôi, tỉnh Hòa Bình. Cũng năm ấy, một đơn vị bộ đội miền Nam vừa tập kết ra Bắc năm 1954 được điều về nông trường. Những chàng lính Nam bộ trẻ trung, chất phác và siêng lao động đã chiếm được cảm tình của các nữ công nhân nông trường. Cô Tâm cũng quen một chàng như vậy, tên Đinh Văn Nên, còn gọi là Bảy Nên, theo phong tục miền Nam.

Họ quen nhau, rồi thương yêu, cô Tâm đưa Bảy Nên về làng thăm họ hàng. Sự kiện bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc hồi đó còn mới lạ. Ai cũng phản đối, nói nào là “nó” già hơn cô những mười tuổi, nghe nói chồng miền Nam ăn nhậu dữ, hay đánh vợ con, rồi mai kia “nó” về Nam luôn thì mình ở giá... Bị tác động nhiều quá, hai người đã tính thôi nhau. Nhưng rồi thấy Bảy Nên hiền lành, chất phác, hết lòng giúp đỡ mình trong công tác, làm điểm tựa cho mình những lúc cô đơn, cô lại không nỡ. Cái duyên cũng đến, đám cưới đời sống mới được tổ chức ngay tại nông trường vào mùa xuân năm 1961. Đại diện nhà trai là lãnh đạo đơn vị bộ đội. Đại diện nhà gái là đội sản xuất nữ. Cô Tâm thật sự thấy Bảy Nên là người chồng tuyệt vời. Anh là một cán bộ năng nổ, một người chồng, người cha chu đáo, gương mẫu.

Trước khi tập kết ra Bắc, quê Bảy Nên ở P.Tam Hiệp, TP. Biên Hòa, Đồng Nai. Sau ngày giải phóng miền Nam, năm 1977, cấp trên điều động ông về công tác tại Nhà máy mía đường Nước Trong và nghỉ hưu năm 1990.

 Tinh gia

Thím Bảy chăm lo cho chồng từ sáng sớm

GHỀNH THÁC

Vợ chồng thím Bảy có bảy người con, năm trai hai gái. Thời bao cấp, nuôi được bấy nhiêu người con ăn học nên người là một kỳ tích.

Thời đó, Nhà máy mía đường Nước Trong do Cuba viện trợ sau giải phóng miền Nam, đang rất cần một cán bộ quản lý có kinh nghiệm, chú Bảy Nên đã được tín nhiệm đề cử. Công việc mới mẻ, đầy khó khăn đã chiếm hết thời gian của chú, việc nuôi con nhỏ và chăm sóc gia đình, chú buông trọn cho vợ, thỉnh thoảng mới ghé qua nhà.

Không có nhiều tiền, chú thím chọn mãi mới mua được thửa đất vừa ý tại ấp Bình Long, xã Thái Bình, cách thị xã Tây Ninh hơn mười cây số. Nơi đó chỉ lưa thưa mấy nóc nhà, đầy cỏ hoang, rừng cao su già cỗi. Con gái lớn của chú thím là Đinh Thị Nga, lúc đó đã có gia đình riêng, phải gửi hai con gái nhỏ bên nhà bà ngoại. Một bữa, thím Bảy đi thị xã có việc, ở nhà bọn cướp lẻn vào, trói hai đứa cháu lại, lục tung nhà cửa, lấy tài sản. Được hàng xóm báo tin, thím Bảy chạy về nhà thì đã thấy nhà cửa tan hoang, hai đứa cháu khóc ngất.

Năm 1983, tai họa tiếp tục ập xuống gia đình. Chị Nga đưa hai con gái đi thăm em ở Khánh Hòa bị lật xe. Bốn ngày sau mới có tin về Tây Ninh, chú thím thuê được xe ra đến nơi thì mọi sự đã xong. Con gái tử nạn, cháu gái bị thương. Thấy chồng ngất xỉu, thím Bảy cố gồng mình giữ tỉnh táo để lo công việc.

Thấm thoắt hơn 30 năm chèo chống vì con, năm 1990, chú Bảy về hưu. Vợ chồng được bên nhau, nhưng lại đối diện với những gian khổ mới.

 Tinh gia

Cô Nghiêm Thị Tâm nhớ lại thời tuổi trẻ

TÌNH GIÀ

Buổi sáng, 4g là thím Bảy đã lọ mọ dậy đun nước. Sau khi lau rửa sạch sẽ cho chồng, cũng đã gần 7g. Thím ra quán cà phê trước nhà, nhờ ai đó vô phụ khiêng chú Bảy ra chiếc ghế bố đặt ngoài hiên. Lót khăn, mền dưới lưng chồng, cột cái bịch ni lông sạch cho ông đi tiểu, lúc đó thím mới lo vệ sinh cá nhân. Chú Bảy chỉ còn một chiếc răng trên, bốn chiếc răng dưới, nên mỗi bữa dù cơm, cháo, rau, thịt gì cũng phải nghiền ra, đút chừng vài muỗng.

Hôm nay có khách, xui xẻo nhằm ngày chú Bảy mệt trong người, đêm khó ngủ, nên "quậy" tưng bừng. Thím Bảy cười, nói vui. “Quậy riết, hai đứa cháu ngoại tới nhà ngủ chung cũng ớn luôn. Ổng ghen nên chửi tôi đó”. Cả khách lẫn chủ cười lăn. Bà lão sắp bát tuần rồi còn theo ai được nữa mà ghen? Hỏi thím, vậy chú chửi gì? Thím bảo: “Ngọng líu rồi, chửi thều thào thôi. Phải tôi mới nghe được. Lúc đầu là ổng nói tục. Tiếp theo “Mày chỉ mong tao chết để theo thằng khác chớ gì?”. Cười ra nước mắt". Thím Bảy thật lòng: “Mấy bữa trước, ổng chửi quá, chịu không thấu, thím tính bỏ nhà đi với con gái. Nhưng giận thì nghĩ vậy, chớ cái tình vợ chồng, tình đồng chí, làm sao bỏ đi cho được”.

Từ năm 2004 bị tai biến nằm một chỗ tới nay, chú Bảy trông hết vào bàn tay tháo vát, thủy chung của vợ. Lúc mới nghỉ hưu, thím Bảy còn tham gia công tác phụ nữ, hội người cao tuổi ở xã, nhưng khi chú bệnh nặng, đi hết viện này tới viện kia thì thím nghỉ hẳn. Những ngày tháng cuối đời, cặp vợ chồng già bên nhau đi hết bệnh viện này tới bệnh viện khác. Lương hưu của hai vợ chồng cộng lại được 6,2 triệu đồng, thấy trên ti vi quảng cáo loại thuốc nào, thím cũng tìm mua cho chú uống, nhưng vẫn cứ đi viện liên miên, mỗi lần vài tháng.

Những ngày này, thím Bảy cảm ơn Trời Phật đã cho mình sức khỏe để làm bóng mát che chở chồng. Cái tình của đôi vợ chồng già thật đáng trân trọng.

PHƯƠNG QUÝ
Bài 3: Sâu như đạo vợ chồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI