Tỉnh đói vẫn chi cả trăm tỷ đồng vào lễ hội

27/06/2018 - 13:00

PNO - Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Thanh Hóa vừa có công văn gửi Sở Tài chính tỉnh này, khái toán kinh phí tổ chức các hoạt động hướng tới kỷ niệm 990 năm ra đời danh xưng Thanh Hóa.

Con số đưa ra khiến dư luận giật mình: 104,722 tỷ đồng. Trong đó, 82 tỷ đồng sẽ lấy từ ngân sách.

Con số 104 tỷ đồng ấy, theo tờ trình của Sở VH-TT-DL tỉnh Thanh Hóa, sẽ được chi cho việc tổ chức kỷ niệm 600 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 590 năm vua Lê Thái Tổ đăng quang, tưởng niệm 585 năm ngày mất của vị vua này, lễ hội Lam Kinh 2018, tổ chức cuộc thi sáng tác, in sang đĩa CD-DVD các ca khúc viết về Thanh Hóa…

Tinh doi van chi ca tram ty dong vao le hoi
Lễ hội Mai An Tiêm ở Thanh Hóa.

Nếu so với dự án nạo vét sông Sào Khê (H.Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) - đội vốn từ 72 tỷ đồng lên 2.600 tỷ đồng, làm nóng cả nghị trường Quốc hội chiều 28/5 - thì con số 104 tỷ đồng có vẻ không phải là con số lớn. Nhưng nếu mang 104 tỷ đồng ấy ra mua gạo, ta có thể mua được hơn 5.000 tấn gạo và đây chính là điều dư luận đặc biệt quan tâm, đặt câu hỏi về việc liệu có nên và có cần thiết phải chi một số tiền lớn như thế để tổ chức các hoạt động mừng 990 năm ra đời một danh xưng, một đơn vị hành chính.

Cần biết rằng, mới đầu năm nay thôi, nhân dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất, UBND tỉnh Thanh Hóa đã làm công văn xin Chính phủ hỗ trợ 677,67 tấn gạo để cứu đói cho 45.178 nhân khẩu của tỉnh. Thanh Hóa hiện nay vẫn là tỉnh chưa có khả năng tự chủ tài chính, hằng năm vẫn phải ngửa tay xin tiền ngân sách để cứu đói cho dân nghèo.

Chỉ riêng trong năm 2017, tổng thu ngân sách của Thanh Hóa là 13.000 tỷ đồng nhưng lại chi lên tới hơn 23.000 tỷ. Cũng trong năm 2017, Thanh Hóa lập dự án xây dựng công viên văn hóa xứ Thanh, mức đầu tư 2.360-2.520 tỷ đồng, tùy theo phương án.

Kiểu vung tay quá trán, tiêu tiền như cỏ rác trên không chỉ diễn ra ở Thanh Hóa mà ở nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh nghèo, thậm chí là ở những tỉnh nghèo nhất cả nước. Sơn La nằm trong nhóm các tỉnh nghèo nhất Việt Nam vẫn lập đề án xây dựng tượng đài 1.400 tỷ đồng; Quảng Trị cũng xin 30 tỷ đồng để làm công viên Fidel Castro; Bình Định cũng xây tượng đài 118 tỷ đồng.

Nếu tiếp tục liệt kê, chúng ta sẽ có một danh sách dài những công trình hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng đã, đang và có thể sẽ được thực hiện ở những tỉnh nghèo, trong khi người dân vẫn còn thiếu thốn. Chưa kể, những công trình ngàn tỷ ấy, sau khi hoàn thành, lại có nguy cơ bị bỏ hoang mà tượng đài vua Đinh Tiên Hoàng trị giá 1.500 tỷ đồng ở Ninh Bình là ví dụ điển hình.

Ông cha ta có câu “Của đau con xót”. Phải chăng vì những đồng tiền ấy không phải do mình làm ra, không phải do mình chắt chiu, thắt lưng buộc bụng mà có nên người ta mới quyết chi dễ dàng đến thế? Và phải chăng, có dự án thì mới có “chấm mút” nên người ta mới nhiệt tình đến vậy? Tất nhiên, tượng đài, công viên hay cổng chào đều là những công trình cần thiết cho sự phát triển của một địa phương, nhưng khi đặt chúng lên bàn cân với những yếu tố khác thì những con số trăm tỷ, ngàn tỷ ấy lại quá sức lố bịch.

Thành Nhân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI