Tình đã cho không lấy lại bao giờ

22/11/2015 - 07:34

PNO - Những lá thư tình trong thế giới phẳng đã khác. Có thể qua email, tin nhắn, inbox… tuy nhiên, làm sao có thể lưu trữ từ ngày này qua tháng nọ.

Ông Kim Thánh Thán, thế mà hay. Những suy nghĩ lẩn thẩn, vụn vặt, chẳng có “triết lý” gì ghê gớm, nhưng ngẫm đi ngẫm lại mới thấy sâu sắc biết chừng nào. Rằng, “Cơm nước xong vô sự, lục lọi hòm bát, thấy các văn tự mới cũ, có đến mấy trăm bức. Những người thiếu nợ đó, hoặc chết rồi, hoặc còn sống, tóm lại đều không sao trả nổi. Vắng người liền lấy lửa trộn lộn đốt sạch. Ngửng nhìn trời cao, vắng ngắt không mây. Há chẳng sướng sao!”.

Đốt sạch những “của nợ” đó, cảm thấy nhẹ lòng. Giữ lại chẳng thể đòi được nợ, trong lòng cứ mãi canh cánh nỗi phiền muộn. Ấy là tâm thế của một người biết sống vui với đời. Tự mình tìm cho mình cho niềm vui ngay trong tầm tay, chứ nào phải đâu xa.

Tuy nhiên, với những lá thư tình ngày cũ, không ai nỡ chọn cách “ứng xử” như thế chăng?

Có người bảo, với phụ nữ, sau khi đã về nhà chồng, thư tình ngày trước không khác gì giẻ lót nồi, giấy nhóm bếp. Họ không cần phải nhớ đến những du dương mật ngọt của thời thề non hẹn biển nữa. Họ quên. Buột phải quên đi hình bóng người cũ thấp thoáng trong lá thư ngày cũ đặng toàn tâm, toàn ý cho cuộc sống mới.

“Nếu biết rằng tôi đã có chồng/ Trời ơi người ấy có buồn không?”. Câu hỏi của T.T.Kh., tôi tin chỉ thoáng qua trong chốc lát, sau đó, sẽ quên. Làm sao có thể chung sống với người này lại thả hồn về hình bóng của dĩ vãng mộng mị xa vời vợi?

Cứ mưa cho ấm chỗ nằm

Đem thơ nhóm bếp đỡ đần sớm mai

Thơ ấy, chính là những lá thư tình của ngày hoa niên nắng còn xanh trên tà áo mới, môi còn thơm mà mỗi lời thốt ra còn reo vang như tiếng ngọc.

Bây giờ, đã xa.

Vào một chiều hiu hắt gió, tôi cũng bắt chước Kim Thánh Thán. Lục lọi lại ngăn tủ, trong bề bộn những tờ giấy nát, vẫn còn đó những lá thư tình. Bùi ngùi và đọc lại. Những dòng chữ viết nắn nót, cẩn thận đầy yêu thương, nhung nhớ tưởng chừng như người ngọc còn ngồi cận kề.

Đọc những lá thư ấy, tự dưng lại thương cho tuổi trẻ còn nuôi dưỡng nhiều mộng đẹp thơ ngây. Ngày ấy, tưởng rằng, “chỉ có cái chết mới chia lìa lứa đôi”. Tưởng là tưởng thế. Đến một ngày, cũng con đường đó, vòm cây đó, nắng mai đó nhưng hai người rẽ ngã khác nhau.

Không rõ, thế hệ thời @ này yêu nhau thế nào.

Các cô cậu nam thanh nữ tú có còn thắp ngọn nến thơm, trải trang giấy pơluya trên mặt bàn, cầm bút lá rông hoặc lá tre chấm mực tím viết lại những câu thơ như ngụ ý lòng mình? Ánh nến sáng lờ mờ, khói thơm nhẹ mới tạo ra sự huyền ảo của tình yêu học trò, bây giờ có còn không? Họ có còn chép những câu thơ tình tứ của Xuân Diệu: “Anh chỉ có một tình yêu thứ nhất/Anh cho em, kèm với một lá thư/ Em không lấy, và tình anh đã mất/ Tình đã cho không lấy lại bao giờ”.

Tinh da cho khong lay lai bao gio

Tưởng tượng đến hình ảnh đó, tôi cảm thấy lòng rầu rầu như tơ chùng vào một chiều ngột gió. Hình ảnh đó, hiền lành, đáng yêu và trong trẻo biết chừng nào. Thư viết xong, thở phào sung sướng. Bỏ vào trong bao thư, tự làm lấy và sẽ gửi đến cho “nàng”.

Ông Đoàn Chuẩn tinh tế quá đi thôi: “Đêm hôm nay ngồi dưới ánh trăng thu, viết tơ lòng gửi tới cho nhau rồi ngày mai nhắn mây đưa tờ thư, tới em đôi mắt sầu kèm theo bao ý thơ”. Chỉ biết “nhắn mây” chứ thời ấy làm gì có “i meo” (e-mail). Cánh thư nhờ chú bồ câu làm “chim xanh” đưa hộ không biết có tới nơi. Thư qua bưu điện cũng không ngày một, ngày hai mà người thương nhận được.

Đọc Tuấn, chàng trai nước Việt của Nguyễn Vỹ, ta thấy rằng từ đầu thế kỷ trước, khoảng chừng năm 1910, đã có “chim xanh” rồi. Này nhá, cô Ba Hợi thò tay trong yếm: “rút ra phong thư bằng giấy Tây, mà cô đã viết đêm qua, và đã gấp lại thật nhỏ.

Cô đút thư trong bàn tay bé xíu của đứa em trai và nói thầm gì với nó. Cô bước đi thật nhanh, để em bé đứng lại sau, đưa thư cho cậu Bốn Thanh. Nó sợ sệt nói ấp úng: “Chị tui đưa cho chú cái này nè”. Chàng trai vui mừng và ngạc nhiên cầm giấy thì đứa bé đã chạy thật lẹ để theo kịp chị nó gần đến Cửa Bắc”. Thằng bé đó đích thị là “chim xanh”.

Tình yêu ấy sao lãng mạn đến thế.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI