PNO - Hẳn nhiên, phải còn để ý tới nhau mới biết người ta đau ốm, để mà muốn thăm. Thậm chí, dù chỉ là thông qua bạn bè mà biết tin thì lòng cũng phải không yên, nên mới muốn gặp...
Người xưa của chồng nằm viện, chồng rủ tôi cùng đi thăm. Chắc anh muốn mọi sự rõ ràng minh bạch, để khỏi có ai xì xào. Tôi tự nhủ vậy, nhưng lòng vẫn gợn. Tình cũ. Tôi không có tình cũ để mà biết nỗi nhớ, sự vấn vương về nó ra sao. Hẳn nhiên, phải còn để ý tới nhau mới biết người ta đau ốm, để mà muốn thăm. Thậm chí, dù chỉ là thông qua bạn bè mà biết tin thì lòng cũng phải không yên, nên mới muốn gặp.
Tôi đã cố gắng nghĩ theo chiều hướng tích cực, kiểu như chia tay rồi, coi nhau được như bạn bè thì cũng là người đáng nể. Hơn nữa, người xưa đã có chồng và nghe nói chồng người xưa rất tốt tính và chu đáo.
Nhưng đâu phải chỉ là thăm hỏi với hộp sữa và chục trái cam tươi. Chồng nói, nằm viện người ta thường chán ăn, nên nếu có được món yêu thích thì bệnh nhân sẽ mau hồi sức hơn. Nói về món ăn mà dùng từ “yêu thích”, nghe thật lung linh. Tôi buột miệng hỏi: “Cô ấy thích món gì?”. “Xúp bí đỏ” - chồng tôi nói, rồi kể hồi đó, khu trọ sinh viên của anh thường nấu bí đỏ với đậu xanh hoặc đậu phụng, nêm muối thì thành món mặn ăn với cơm, còn nấu với đường thì thành món chè ăn vặt.
“Anh có muốn em nấu xúp bí đỏ cho cô ấy không?” - tôi hỏi. Chồng nhìn tôi với ánh mắt thay lời cảm ơn, vì được thấu hiểu. Cùng với nỗi gợn trong lòng, tôi đi chợ, tìm mua trái bí đỏ về hầm xương. Bí ngọt, nước xương ngọt, thành một cà-mèn ngọt thơm. Ngồi sau xe, ôm eo chồng trên đường vào bệnh viện, tôi tự hỏi mình đang làm gì đây, đang diễn vai gì đây? Một người tử tế vô tư lự, một phụ nữ bản lĩnh tự tin hay đơn giản là một người đàn bà đang canh giữ chồng theo cách nào đó? Chưa kể chồng của cô ấy nữa. Người đàn ông có hàng ria con kiến, nhìn thấy chồng tôi xách cà-mèn đi vào phòng thì mỉm cười bắt tay, rồi đi ngay ra ngoài hành lang, nơi tôi đang đứng với dáng vẻ của một phụ nữ hiện đại. Phụ nữ hiện đại không nên tỏ ra ghen tuông vô lối, miệng mỉm cười an nhiên, thái độ hết mực tôn trọng chồng và hẳn nhiên là yên tâm về chồng.
Chào chị, người đàn ông râu con kiến nói. Chào anh. Tôi đáp lời và lại tự hỏi có phải ông cũng đang diễn, như tôi - bất đắc dĩ phải đóng vai kẻ hiểu biết, thấu tình hay đơn giản là ông đã quá mệt bên giường bệnh nên sự hiện diện của chồng tôi là cơ hội để được nghỉ ngơi chốc lát, mặc kệ đời. Không biết ông có cho rằng, tôi là mụ điên, lẽo đẽo theo chồng, để nhìn ngó hạnh phúc của mình trong cơn tung hứng?
Rồi cũng đến ngày người xưa của chồng tôi bình phục, xuất viện về nhà, chấm dứt thăm hỏi. Kết thúc. Ngày qua ngày, chúng tôi trò chuyện về nhiều việc xảy ra, nhưng cả chồng và tôi đều không nhắc lại, cứ như những lần thăm hỏi người xưa của chồng và ba lần tôi nấu món xúp bí đỏ là một bí mật nên được niêm phong. Cơn gợn trong lòng tôi rồi cũng êm, nhưng không có nghĩa là tôi quên, chỉ là tôi nhớ bằng suy nghĩ mới mẻ hơn về chồng mình và tình yêu dành cho chồng cũng khác. Thật khó diễn tả điều này, như thể tôi đã rơi khỏi giấc mơ tuyệt vời, đối diện với thực tế là chồng không sâu sắc, tinh tế như mình tưởng; như thể hình ảnh tuyệt vời của chồng lâu nay là tôi tự đo ni, may áo, ép chồng mặc, chứ nào anh có vừa vặn với tấm áo.
Chẳng có gì đáng kể ra đây, nếu chỉ là chuyện thường tình của một người đàn bà là tôi chín chắn, trưởng thành hơn trong đời sống hôn nhân. Nhưng, chiều hôm đó, giờ tan tầm, tôi đụng mặt người đàn ông có hàng ria con kiến ở ngay cổng cơ quan. Tưởng ông đợi ai, hóa ra ông đợi tôi. Không có lý do gì để ông ấy gặp tôi cả, ngoại trừ… Tôi lạnh người, lẽ nào chồng tôi vẫn tiếp tục gặp vợ ông ta?
Ảnh minh họa
Vợ tôi đòi ly hôn. Họp lớp, tôi gặp lại người yêu cũ, vậy mà vợ tôi làm toáng lên. Trong khi cô thấy đó, người yêu cũ của cô ấy tới thăm mấy lần ở bệnh viện, còn đem theo cả món ăn kỷ niệm ngày xưa... À, phần liên quan tới chồng tôi chỉ là chuyện mà tôi đã biết. Vậy thì hôm nay, ông tìm tôi làm chi?
Xin lỗi làm phiền, nhưng chỉ có cô mới giúp được thôi. Nhờ cô nói với vợ tôi vài câu. Cô ấy từng được cô thấu hiểu, cảm thông mà. Tôi ngớ người hồi lâu mới hiểu ý ông ấy muốn gì. Cơn ớn lạnh vừa tan lại dậy lên một cơn khác.
Tôi không thể gặp cô ấy để mà nói dối là mình không hề ghen tuông. Cô ấy và tôi chỉ khác nhau cách thể hiện, dù chẳng rõ là cách nào được hơn. Ý nghĩ chợt thấp thoáng trong đầu tôi, biết đâu nhờ làm toáng lên mà chồng bớt vô tâm. Có chút lăn tăn, tôi có nên cho chồng biết về cuộc gặp và lời nhờ cậy của người đàn ông kia. Gia đình đang yên mà mình khơi nhắc, nhỡ đâu sinh chuyện… Phân vân, rồi tôi chọn im lặng, coi như một lần nữa, tôi tự niêm phong. Điều quan trọng là gia đình tôi vẫn đang yên ấm, tôi không muốn có bất kỳ sóng gió nào.