PNO - Trước Dòng sông kể chuyện, một vài chương trình nghệ thuật phục vụ du lịch của TPHCM đã được xây dựng, ra mắt nhưng đến nay vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả như mong muốn.
Chương trình nghệ thuật Dòng sông kể chuyện ra mắt hôm 6/8, được xác định là một trong những sản phẩm đặc trưng của TPHCM để thu hút du khách. Chương trình kéo dài khoảng 90 phút, tái hiện lại lịch sử 300 năm của đất Gia Định - Sài Gòn - TPHCM qua 5 chương, với sân khấu lên đến 140 mét, gồm 700 diễn viên tham gia, có sự góp mặt của nhiều loại hình nghệ thuật.
Chương trình nghệ thuật Dòng sông kể chuyện sẽ là một trong những sản phẩm đặc sắc phục vụ du lịch của TPHCM - Ảnh: H.T.
Sau khi TPHCM có chủ trương đưa nghệ thuật phục vụ du lịch vào cuối năm 2005, qua sàng lọc, 3 đơn vị được chọn phối hợp để thực hiện chương trình phục vụ du lịch gồm: nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen và Công ty Tổ chức biểu diễn nghệ thuật TPHCM. Rạp Kim Châu cũng được đề nghị tu bổ, sửa sang với kinh phí khoảng 13 tỉ đồng để phục vụ du khách. Thành phố sẽ thống kê, lấy ý kiến… để xem xét, quyết định đưa các chương trình vào thực tế thế nhưng sau đó không có kết quả.
Năm 2014, nhà hát nghệ thuật Phương Nam ra mắt chương trình Sắc màu phương Nam, với sự tham gia của 100 diễn viên, dài 90 phút. Chương trình được kết hợp xiếc tung hứng, thăng bằng, nhào lộn, đu trên không, dây lụa đôi, uốn dẻo kết hợp diễn rối que, rối người, rối tay, hát bội... mô tả sống động đời sống của người dân sông nước Nam Bộ. Với kinh phí đầu tư hơn 1 tỉ đồng - số tiền khá lớn vào thời điểm gần chục năm trước - chương trình cũng từng được dự kiến biểu diễn định kỳ tại sân khấu Sen Hồng, Nhà hát TPHCM, rạp tại công viên Gia Ðịnh phục vụ khách du lịch nhưng sau đó chưa thể thực hiện.
Tháng 4/2022, chương trình Sắc ấn ngọc Nam phương được nhà hát nghệ thuật hát bội TPHCM giới thiệu tại Nhà hát TPHCM. Nội dung kết hợp giữa hát bội và một số loại hình khác như múa, xiếc... Trong đó, hát bội chiếm khoảng 70% nội dung. Chương trình được đầu tư khá hoành tráng về phần nhìn với cảnh trí, ánh sáng, hiệu ứng sân khấu bắt mắt, dự kiến sẽ biểu diễn tại Nhà hát TPHCM định kỳ để phục vụ du khách. Nhưng đến nay vẫn chưa có lịch diễn trở lại.
Câu chuyện đường dài
Thực tế cho thấy, sự phối hợp giữa ngành văn hóa và du lịch là yếu tố quan trọng để đưa sản phẩm văn hóa tiếp cận với du khách. Ngành văn hóa dồn nhiều tâm huyết, nhân lực, kinh phí... để cho ra đời tác phẩm chất lượng nhưng làm sao để đưa sản phẩm tiếp cận rộng rãi với du khách trong nước và quốc tế phụ thuộc ở ngành du lịch, các công ty du lịch lữ hành.
Chương trình Sắc ấn ngọc Nam phương, ra mắt tháng 4/2022 - Ảnh: Thành Lâm
Trao đổi với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Nguyễn Văn Mỹ - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt - đã bày tỏ băn khoăn trước việc thiếu sự kết hợp đồng bộ, dẫn tới các hoạt động chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.
Có thể thấy, công tác truyền thông bài bản, quảng bá là điểm yếu của nhiều show diễn phục vụ du lịch hiện nay. Thiếu chiến lược truyền thông, không có điểm nhấn, cộng thêm thiếu sự hỗ trợ từ các đơn vị tổ chức tour khiến cho việc tiếp cận khách chưa hiệu quả.
Ông Trần Thế Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành Vietluxtour - cho biết, để một sản phẩm nghệ thuật phục vụ du lịch sống được thì điều quan trọng đầu tiên là đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của du khách. Bên cạnh đó, các chương trình phải được tổ chức thường xuyên thay vì chỉ trong những dịp đặc biệt. Nếu không có lịch diễn đa dạng, linh hoạt mà chỉ theo định kỳ/thời vụ thì rất khó cho đơn vị lữ hành trong việc tổ chức cho du khách xem chương trình trong thời gian lưu trú tại TPHCM.
Ông Trần Thế Dũng cũng nhấn mạnh, ngoài chương trình nghệ thuật, đặc biệt gắn với phát triển kinh tế đêm thì những yếu tố bổ trợ xung quanh cũng đóng vai trò rất quan trọng. “Trong những ngày diễn ra Lễ hội sông nước TPHCM thì bến Bạch Đằng rất rực rỡ, thu hút bởi ánh sáng, tàu thuyền qua lại. Nhưng qua giai đoạn này sẽ như thế nào? Chương trình nghệ thuật cũng cần không gian bổ trợ phù hợp” - ông chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Mỹ cho biết theo quan sát của ông ở nhiều nước, các chương trình nghệ thuật phục vụ du lịch thường do các đơn vị tư nhân thực hiện, có sự hỗ trợ của Nhà nước về địa điểm diễn, thuế… Bởi lẽ các đơn vị này gần du khách nhất nên nắm bắt được tâm lý, mong muốn của họ. Vấn đề kinh doanh buộc họ phải tổ chức hoạt động thường xuyên để tối ưu hóa lợi nhuận, liên tục cải tiến chương trình để có thể thu hút du khách…
Một mô hình khác, theo quan sát của ông Trần Thế Dũng, là Nhà nước đầu tư, hợp tác cùng tư nhân thực hiện. Khi đến giai đoạn chương trình hoạt động ổn định, Nhà nước có thể thu hồi vốn để tiếp tục đầu tư các dự án khác. Sự tác động đó của Nhà nước rất quan trọng trong việc hình thành và duy trì các sản phẩm văn hóa du lịch thực sự đặc sắc.