Tình cha con qua những thước phim chẳng thể bỏ lỡ

11/04/2020 - 18:23

PNO - Trong nhiều bộ phim về tình cảm cha con, có lúc, cả hai dễ dàng trò chuyện, đối thoại nhưng đôi khi, họ thương nhau nhưng lại chẳng thể mở lời.

Điện ảnh có nhiều thước phim đẹp về tình cha con. Từ câu chuyện “gà trống nuôi con”, ông bố mắc chứng tâm thần bị kết án tù nhớ con quay quắt, đến người cha tìm cách nói dối con trai mỗi ngày chỉ vì mong con không bị người khác làm tổn thương... tất cả đều kể những câu chuyện xúc động, ẩn chứa thông điệp sâu sắc.

1. Late Spring (đạo diễn Ozu Yasujiro, 1949)

Nếu bạn đang tìm kiếm một bộ phim nhẹ nhàng, thơ mộng nói về tình cha con thì Late Spring (tạm dịch: Xuân muộn) là lựa chọn hợp lý. Late Spring không cho người xem có cảm giác vỡ oà, tâm đắc với các cú twist (nút thắt câu chuyện) mà như một bản nhạc chỉ độc các nốt trung.

Nữ diễn viên
Nữ diễn viên Setsuko Hara vào vai cô con gái Noriko, 27 tuổi.

Đạo diễn Ozu tập trung kể câu chuyện của giáo sư Shukichi Somiya (Chishu Ryu đảm vai) – người đàn ông goá vợ và cô con gái Noriko (Setsuko Hara), 27 tuổi nhưng chưa muốn kết hôn. Noriko ở nhà lo vài công việc gia đình phụ cha, cô cho rằng chuyện một ai đó tái hôn là điều hết sức kinh tởm. Cô không nghĩ cha mình sẽ làm thế.

Cho đến một ngày, giáo sư bảo con gái hãy lập gia đình đi vì ông cũng sẽ tái hôn. Noriko buồn chán vì cô đã tự hứa với lòng sẽ không lập gia đình, chỉ muốn bên cạnh phụng dưỡng cha suốt cuộc đời. Cách cha đi bước nữa như thể “phản bội” sự hi sinh của cô.

Một vài cảnh quay trong phim Late Spring:

 

Noriko sau khi nhìn thấy cha gặp người phụ nữ mà ông giới thiệu là mẹ kế, ban đầu cô khó chịu nhưng thấy nụ cười của cha, cô cũng đồng thuận đến những buổi mai mối mà dì sắp xếp trước đó. Noriko đồng ý kết hôn khi cha nói rằng, ông đã có người lo lắng cho mình phần đời còn lại, con gái hãy tự lo cho cuộc sống tương lai.

Noriko rời khỏi nhà để bắt đầu cuộc sống hôn nhân với chồng nhưng điều cô không hề biết là cha mình sẽ sống lủi thủi một mình. Ông không tái hôn mà chỉ dựng lên vở kịch để khiến con gái an lòng. Cảnh người cha ngồi một mình trong góc phòng tối mỉm cười hạnh phúc vì cuối cùng, con gái đã chịu kết hôn khiến người xem xúc động.

Late Spring được xem là phim thành công nhất của đạo diễn người Nhật, Ozu. Đây cũng là tác phẩm giúp nữ chính Setsuko Hara chiếm trọn tình cảm của khán giả vì độ xuân sắc, nét diễn toát ra sự kiều diễm, thanh thoát.

2. La vita è bella – Life is beautiful (đạo diễn Roberto Benigni, 1997)

Có bao giờ bạn tự hỏi, lời nói dối vô hại có ý nghĩa như thế nào trong cuộc sống? Hãy xem La vita è bella (tựa Việt: Cuộc sống tươi đẹp) để hiểu rằng những lời nói dối vô hại có sức mạnh thay đổi cả cuộc đời của một đứa trẻ.

La vita è bella lấy bối cảnh nước Ý trong những năm 1930 khi chế độ chính trị có những rối ren nhất định. Cuộc sống của Guido Orefice (do chính đạo diễn phim thủ vai), một người trẻ Do Thái, ban đầu khá bình yên. Anh mải miết biến những tình huống oái oăm thành cái cơ hội hay ho để tiếp cận tiểu thư Dora. Guido nhiều lần thoát nạn trong gan tất trước mặt người phụ nữ anh yêu nhờ sự thông minh, khéo léo của mình. Cuối cùng, anh “cướp” được Dora trong chính đám cưới của cô và vị trưởng giả khác.

Màn đối thoại giữa người cha và con trai trong phim.
Màn đối thoại giữa người cha và con trai trong phim.

Cả hai sống hạnh phúc bên cậu con trai bé bỏng Joshua. Đến một ngày, đám binh lính phe Phát xít bắt Guido Orefice và con trai đến trại tập trung trong ngày sinh nhật của Joshua. Dora tìm cách chạy theo chồng con đến một trại tập trung cho nữ giới cạnh bên.

Clip trích đoạn trong La vita è bella:

 

 

Guido lúc này bịa ra nhiều câu chuyện để đánh lừa con trai của mình. Anh giao kèo cả hai cùng chơi một trò chơi, nếu Joshua làm đúng theo luật, cậu sẽ được cha chấm điểm và khi đạt đến 1000 điểm, cậu sẽ nhận được chiếc xe tăng. Guido liên tục bị đàn áp nhưng anh luôn tìm cách cổ tích hoá các tình huống xấu xí để Joshua không bị tổn thương bởi nghịch cảnh. Những lời nói dối của Guido với con trai nghe hài hước nhưng đằng sau đó là nỗi lo lắng và tình thương vô bờ của người cha dành cho con.

La vita è bella thắng Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất Oscar cho Nam diễn viên xuất sắc nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 71.

3. The pursuit of happyness (Gabriele Muccino, 2006)

The pursuit of happyness (tựa Việt: Mưu cầu hạnh phúc) lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật của triệu phú Chris Gardner, người vô gia cư tìm kiếm cơ hội đổi đời tại Mỹ. Phim có sự tham gia của Will Smith trong vai người cha và cậu con trai Christopher (Jaden Smith).

Trailer phim The pursuit of happyness:

 

 

San Francisco vào năm 1981 là cuộc chạy đua của những người vô gia cư tại Mỹ tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn. Chris Gardner lúc này vì không lo được cuộc sống đầy đủ cho vợ con nên người vợ bỏ nhà đi. Anh và cậu con trai sống trong cảnh khốn cùng với nhiều biến cố ập đến. Chris Gardner không có tiền mua đồ ăn cho con, anh bị chủ nhà đuổi khỏi căn hộ đang sống vì không có tiền trả tiền thuê nhà, bị công an bắt giam vì đỗ xe không đúng nơi quy định ngay trong đêm trước ngày phỏng vấn xin việc...

Will Smith bên cạnh triệu phú
Will Smith bên cạnh triệu phú Chris Gardner.

Liên tiếp những biến cố ập đến nhưng Chris Gardner luôn tỏ ra lạc quan và chính trong nghịch cảnh, anh dạy cho con trai nhiều bài học ý nghĩa. Chris Gardner chưa bao giờ đổ những bực dọc, gánh nặng từ cuộc sống lên con trai mà xem đó là thử thách của cuộc đời mình. Vì anh nghĩ, những gì anh dạy cho con trai lúc này sẽ là những bài học cho cháu anh trong tương lai.

Nhờ sự phấn đấu không ngừng nghỉ, Chris Gardner đã tìm được công việc môi giới chứng khoán và từ vị trí nhân viên, anh lập công ty riêng.

Trong một lần chia sẻ với báo chí, triệu phú Chris Gardner nói ông cố gắng sống một cuộc đời đầy nghị lực hằng mong con của mình nhìn vào đó làm gương. Ông muốn con tự hào về cha của nó và tin rằng nếu nỗ lực sẽ chiến thắng số phận.

Phim giúp Will Smith nhận được đề cử cho hạng mục Nam diễn viên chính xuất sắc tại Quả cầu vàng và Oscar nhưng tiếc rằng, anh không giành chiến thắng.

4. Điều kỳ diệu từ phòng giam số 7 (đạo diễn Lee Hwang Kyung, 2013)  

Nếu chỉ nghe nội dung chính của phim, khán giả dễ liên tưởng đến I am Sam của đạo diễn Jessie Nelson, vì chuyện phim cũng kể về hoàn cảnh người cha thiểu năng sống cùng con gái. Tuy nhiên, câu chuyện người cha của đạo diễn Lee Hwang Kyung hoàn toàn khác biệt.

Ryu Seung Ryong vào vai người cha thiểu năng Yong Goo, anh sống cùng con gái Ye Seung (Kal So Won đóng). Trong lần nọ, vì thấy bé gái đang mang chiếc cặp có hình thuỷ thủ mặt trăng mà con gái thích, người cha chạy theo nhưng không may, bé gái tự vấp ngã, tử vong sau đó. Người cha vô tình bị cho là đã bắt cóc, hãm hiếp và giết em.

Bé gái xấu số là con của Cục trưởng Cục cảnh sát, do đó, dù Yong Goo có nói lời phân bua cũng khó làm nguôi cơn giận trời gián của viên cảnh sát.

Hình ảnh trong Điều kỳ diệu từ phòng giam số 7:

 

 

Yong Goo vào tù và sống cuộc đời như một "nguồn suối mát" ngay ở chốn tù tội. Anh yêu thương mọi người, nhiều lần cứu giúp người khác. Trong phòng giam số 7, mọi người cảm động trước cách sống của Yong Goo, họ tin anh không sát hại bé gái. Từ cảm động thành thương xót hoàn cảnh vì Yong Goo không được gặp con gái, mọi người nghĩ kế để hai cha con được gặp nhau.

Sự xuất hiện của cô gái bé bỏng Ye Seung tại phòng giam lấy nước mắt của khán giả. Cuộc gặp gỡ của hai cha con như câu chuyện cổ tích giữa đời thực nhưng kết phim không như mơ. Yong Goo vẫn bị thi hành án vào đúng ngày sinh nhật con gái. Trước lúc chia tay con, Yong Goo đã kịp tặng con chiếc cặp in hình thuỷ thủ mặt trăng.

Nhờ thể hiện xuất sắc vai người cha thiểu năng, nam diễn viên Ryu Seung Ryong nhận được tượng vàng Daesang – giải thưởng quan trọng nhất tại lễ trao giải Baeksang 2013.

5. Hope (đạo diễn Lee Joon Ik, 2013)

Chiến thắng hạng mục Phim hay nhất tại giải thưởng Rồng xanh lần thứ 34 là kết quả không thể xứng đáng hơn dành cho Hope của đạo diễn Lee Joon Ik. Bộ phim tạo ra một cơn chấn động màn ảnh Hàn vì tái hiện vụ án ấu dâm đáng lên án trong năm 2018.

Gia đình 3 thành viên gồm người cha Dong Hoon (Seol Kyeong Gu đóng), mẹ Mi Hee (Eom Ji Won) và cô con gái 8 tuổi, So Won (Lee Re). Cả 3 sống tại thị trấn bình yên bình của Hàn Quốc. So Won ngày ngày tự đi đến trường mà không cần người thân đưa đón. Cha cô bé dồn sức cho công việc tại nhà xưởng còn vợ anh lo toan cửa hàng và hạn chế đi lại vì đang mang thai.

Clip trong phim Hope:

 

 

Trên con đường đến trường ngỡ bình yên, một ngày, So Won bị người đàn ông hãm hiếp, bạo hành man rợ. Cô bé nhập viện trong tình trạng hoảng loạn với những gì đã xảy ra. So Won có nhiều phát ngôn khiến người xem đau đớn khi nói cơ thể con đã “dơ bẩn”, “chỉ muốn chết cho xong”, “muốn tất cả chỉ là giấc mơ”...

Dong Hoon và Mi Hee tự trách bản thân, ân hận vì đã để con gái đến trường một mình. Người cha Dong Hoon bật khóc khi đứa con gái dễ thương, quấn quýt bên anh ngày nào giờ đây xa lánh, nói anh “cút đi”. Dong Hoon tìm mọi cách đưa con trở về cuộc sống bình thường. Anh mặc đồ thú bông đồng hành với con đến trường, ca hát, tạo nhiều tình huống để con gái cười trở lại. So Won sau đó bắt đầu cảm thấy an tâm hơn khi có cha bên cạnh. Cô bé cười đùa nhưng thỉnh thoảng có nhiều biểu hiện đau khổ, chưa thoát ra được những ám ảnh từ vụ bị cưỡng hiếp.

6. Like father, like son (đạo diễn Hirokazu Kore-eda, 2013)

Với điện ảnh Nhật Bản, đạo diễn Hirokazu Kore-eda được xem là người tiếp theo khai thác tốt chủ đề phim gia đình sau đạo diễn Ozu Yasujiro. Hirokazu với Like father, like son là một dấu mốc của điện ảnh Nhật Bản khi đoạt giải của ban giám khảo (Jury Prize) tại LHP Cannes 2013. Về sau, với Shoplifters, đạo diễn người Nhật tiếp tục khẳng định khả năng khi thắng hạng mục Phim hay nhất tại LHP Cannes lần thứ 71, năm 2018.

Tuy Shoplifters được nhiều người biết đến hơn nhưng Like father, like son lại là bộ phim về tình cha con không thể bỏ qua của đạo diễn Hirokazu.

Hai gia đình tráo nhầm con chụp hình cùng nhau.
Hai gia đình tráo nhầm con chụp hình cùng nhau.

Like father, like son bắt đầu với cảnh Keita, 6 tuổi đang trả lời một số câu hỏi để vào một trường tiểu học có tiếng tại Nhật. Những câu trả lời của Keita hầu như do cô giáo dạy kèm hướng dẫn. Nếu Keita nói thường xuyên được chơi thả diều cùng cha thì ngoài đời, cha cậu đi làm trọn cuối tuần, không có thời gian nghỉ ngơi.

Chuyện phim bắt đầu gay cấn khi các gia đình phải xét nghiệm máu để hoàn tất thủ tục cho con vào trường thi cặp vợ chồng nhận kết quả Keita không trùng khớp nhóm máu với họ. Gia đình Keita sớm nhận ra họ bị trao nhầm con và một gia đình nghèo khổ khác đang nuôi con ruột của họ. Cả hai gia đình gặp nhau và nỗi buồn ngập ngụa với gia đình Keita khi sự khác biệt giữa 2 gia đình quá lớn. Hai đứa trẻ lớn lên với một bên, Keita được học nhạc, được ăn ngon, mặc đẹp còn Ryusei sống trong gia đình lao động nghèo khổ, đông con.

Một số cảnh quay trong Like father, like son:

 

 

Chuyện phim không dừng lại, với sự khác biệt đẳng cấp mà nêu bật ra nhiều sự khác biệt khác. Gia đình đông con dù thiếu thốn nhưng người cha tưởng chừng thô lỗ lại giàu tình cảm. Còn với ông bố bận rộn Ryota, anh nhiều tiền nhưng thiếu sự quan tâm, không hiểu con trai Keita.

Like father, like son đặt ra câu hỏi hóc búa về tình thân trong gia đình. Có phải tình thân chỉ được hình thành với người có chung huyết thống hay qua quá trình nuôi dưỡng, sẽ biến sự xa lạ thành thân quen? Hai người cha trong câu chuyện có 2 cách yêu thương con khác hẳn nhau, vừa bù trừ, vừa đối nghịch. Họ học từ nhau cách để yêu thương những đứa trẻ đúng nghĩa.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI