PNO - PN - Câu chuyện về sự hy sinh cho con cháu của ông Võ Văn Long đã đưa chúng tôi tìm đến nhà ông ở khóm 1, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
edf40wrjww2tblPage:Content
Ông Võ Văn Long - 80 tuổi vẫn phải "bán thân" vì con cháu
HỌA VÔ ĐƠN CHÍ
Ông Long, tên thường gọi là ông Ba Long, có bảy người con. Ông ở xứ ruộng nhưng không có mảnh đất cắm dùi, nên con cái người nào cũng nghèo xơ nghèo xác. 24 năm trước, trong lần vượt cạn, người con gái thứ tư của ông, chị Võ Thị Tiên, đã không giữ được sinh mạng, để lại cho vợ chồng ông đứa cháu ngoại côi cút Phạm Thị Ngọc Bích. Đau lòng vì mất vợ, con rể ông Ba Long đã nguyện ở lại cùng nhà vợ suốt đời để nuôi con gái. Nào ngờ, chưa hết một con trăng, anh đi biển, bị đột quỵ trên tàu. Bé Bích vừa đầy tháng đã mồ côi cả cha lẫn mẹ. Người con trai thứ năm của ông là anh Võ Đức Cường, lúc ấy chưa có vợ, đã nhận Bích làm con. Thấy cảnh nhà khó khăn, ông Ba Long bàn với vợ đi kiếm việc làm, cả nhà, trừ Cường, ai cũng có gia đình riêng và đều nghèo khổ. Mình Cường chạy xe ôm, nuôi bốn miệng ăn. Ông Ba Long nói: “Tôi bàn với bà nhà để tôi theo cô Đặng Thúy Nga, là người cùng khóm, lên Bạc Liêu giữ vuông tôm cho cô ấy, kiếm tiền gửi về. Lúc đó, Cường cũng thành thanh niên rồi, phải nghĩ đến chuyện vợ con. Vợ tôi gật đầu ưng thuận”.
Khi ra đi, ông Ba Long tính sẽ ở Bạc Liêu năm, sáu năm thôi, vậy mà tính đến nay, đã 24 năm tròn! Mười năm đầu là do cháu Bích đau bệnh, cần tiền thuốc thang. Sau đó là anh Cường lấy vợ. Anh Cường kể: “Lấy vợ về tưởng có người phụ đỡ, chăm sóc cha mẹ, con cháu, hóa ra suốt ngày đi chạy xe ôm, về nhà còn bị vợ chê nghèo, biểu tôi cho tiền đi sửa sắc đẹp, còn nói sẽ lấy chồng nước ngoài để đổi đời. Sinh con xong, cô ấy bỏ đi luôn không về. Ba tôi lại phải tiếp tục ở vuông tôm kiếm tiền phụ tôi nuôi má, cháu Bích và Võ Thái Hòa, con trai tôi”.
Gà trống nuôi con bốn năm, sau đó một phụ nữ cũng dở dang, thương tình gá nghĩa cùng anh Cường. Ngày ngày, chị buôn bán ở chợ Sông Đốc rồi về nhà cùng Bích nấu cơm, nhắc Hòa tắm giặt, học bài. Ba năm Cường có vợ mới, căn nhà ấm áp hơn. Anh Cường trầm giọng: “Dạo đó gần Tết, ba tôi gọi điện thoại về biểu cả nhà chuẩn bị chỗ cho ông ngủ, lần này ông về luôn, không coi vuông tôm nữa. Vậy mà, bất ngờ một ngày tôi chạy xe, không hiểu sao gục trên xe, chết lịm… Khi tôi tỉnh dậy, đã thấy mình nằm trong nhà thương, dì tôi ngồi kế bên gào khóc: “Con tiêu rồi Cường ơi!”, lúc đó tôi mới biết mình bị liệt hoàn toàn do tai biến. Ba tôi trở về, vô bệnh viện tỉnh nuôi tôi. Bốn tháng trời, tôi thành một đứa trẻ, cha già phải đỡ nâng. Nghe tin, người vợ mới bỏ đi biệt xứ, tôi tìm cách tự tử thì ba tôi đấm ngực: “Con không ráng sống, làm sao ba sống nổi!”.
MỘT ĐỜI LAO LỰC VÌ CON
Bích đã lấy chồng, lâu lâu mới tạt về nhà thăm ba
Nghe cha, anh Cường gắng gượng điều trị và được xuất viện. Ông Ba Long đưa con về nhà cho vợ chăm sóc, rồi quày quả đi, xin chủ cũ cho làm tiếp. Lúc này, Bích đã biết đi vá lưới, kiếm chút tiền phụ ngoại. Cuộc sống chật vật, nhưng Bích nói: “Dù gì lúc đó bà ngoại tôi vẫn còn khỏe mạnh. Ba tôi (tức anh Cường) đổ bệnh được nửa năm thì tới bà ngoại tôi bị tai biến, phải vào bệnh viện ở Kiên Giang điều trị. Sáu tháng trời, tôi ở nhà chăm ba, lo cho em Hòa, ông ngoại phải đi Kiên Giang chăm bà. Nếu nói nhà này ai khổ nhất, theo tôi, đó là ông ngoại”.
Sau khi đưa vợ từ bệnh viện về Sông Đốc, nhìn cảnh con trai 40 tuổi nằm bán thân bất toại trên chiếc phản trong góc nhà, người vợ tuổi cổ lai hy quắt queo trên giường, ông Ba Long nuốt lệ vào lòng, quay lại với công việc. Ông nói: “Tôi ở vuông tôm mà đau rối trong lòng. Nơm nớp lo ở nhà lỡ con Bích đi vá lưới, lựa cá, thằng Hòa đi học, ai canh chừng thằng Cường với má sắp nhỏ. Tôi ráng bám vuông tôm ở Bạc Liêu mà lòng cứ để ở Sông Đốc”. Năm năm trời như vậy, đến cuối năm 2011, khi hay tin vợ qua đời, ông Ba Long bị tai biến, té sấp tại vuông tôm, may có người phát hiện đưa đi cấp cứu. Ai cũng nghĩ chuyến đó ông không qua khỏi, nhưng không biết sức mạnh nào đã khiến ông tỉnh lại, tập nói, tập đi. Ông lại xin chị Thúy Nga, chủ vuông tôm, cho mình ở lại làm thuê. Ông khóc: “Nếu cô không nhận tôi, thằng Cường làm sao có gạo ăn, thằng Hòa chắc chắn là không được tới trường…”. Chị Nga nhận ông làm việc, dù lúc đó ông chỉ như cây kiểng ở vuông tôm, làm việc hú họa, tùy vào sức khỏe. Chị không ngờ, chỉ sau vài tháng, ông lại bình phục gần như hoàn toàn.
80 tuổi, cái tuổi lẽ ra đã được hưởng lộc trời, nhưng ông Ba Long vẫn đau đáu trong lòng những nỗi lo. Cái lo lớn nhất là ông sợ mình bệnh, ra đi khi con cháu còn đang quá khó khăn, cần những đồng tiền của mình để thang thuốc… Kể chuyện cha mình, anh Cường không cầm được nước mắt: “Tôi không biết mình sống để làm gì mà đày đọa người thân của mình như vậy". Nhưng, Bích nói: “Ông ngoại đã sống vì ba, thì ba phải ráng sống vì ông, vì con và vì thằng Hòa nữa". Bao nhiêu năm ba tôi chẳng thấy mặt thằng Hòa, nhưng có ít tiền, ông lại mua tập, sách, giấy màu gửi cho cháu. Thấy con mừng khi nhận quà của nội, tôi chỉ còn biết nuốt nước mắt, ráng sống, ráng ngo ngoe tay chân như ý ba tôi gửi gắm mỗi lần gọi điện về nhà…”. Nói rồi, anh hất mình khỏi tấm phản, ra nhà sau coi nồi cơm đang sôi. Nhìn theo ba, Bích nói: “Nhờ ông nội khuyến khích suốt bao năm qua, ba mới làm được như vậy đó!”.
***
Giờ Bích đã theo chồng, anh Cường một mình ở nhà tự xoay xở vệ sinh cá nhân. Ngày ngày, anh ngồi trên bộ phản, chờ Hòa đi học về nấu cơm, hai cha con ăn rồi anh nhắc chừng Hòa quét dọn. Nhà ở vùng đất trũng, mưa ngập đến đầu gối, lối xóm thương tình đã đôn nền, lót gạch tàu giúp nửa căn. Anh Cường cám cảnh: “Nhà tươm tất hơn mà đường về nhà của ba tôi thăm thẳm”.
Suốt 24 năm qua, để đưa gia đình vượt qua hoạn nạn, người cha ấy gần như đã “bán thân” cho vuông tôm ở ấp Vĩnh Quới, xã Vĩnh Thạnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu. Với mức lương trung bình chỉ 800.000đ, nhưng tháng nào ông cũng đều đặn gửi về cho con 500.000-600.000đ lo thuốc thang, cơm nước. Tấm lòng của ông Ba Long đối với con cháu như núi Thái Sơn.
Các nghiên cứu đã chứng minh trẻ em cần được neo giữ trong thế giới thật, quan hệ thật, trách nhiệm, tình yêu thật. Hoạt động ảo không thể thay thế được.